Vì sao Nghệ An chưa triển khai thu phí tham quan di tích, bảo tàng?

Minh Quân 12/03/2023 08:44

(Baonghean.vn) - Thu phí tham quan di tích lịch sử, bảo tàng đã được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện. Tuy nhiên, ở Nghệ An, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều điều gây tranh luận.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, phát huy giá trị di sản

Thực tế cho thấy, hiện nay, Nghệ An là một trong số rất ít những tỉnh, thành phố trong cả nước chưa triển khai việc thu phí tại các di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành đã triển khai việc thu phí di tích từ nhiều năm qua.

Ví như Thành phố Hà Nội đã quy định mức thu phí tham quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn TP. Hà Nội, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Khu Di tích Cổ Loa, đền Quán Thánh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm…

Tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thu phí tham quan các di tích: Hoàng Cung Huế (Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), Lăng Vua Minh Mạng, Lăng Vua Tự Đức, Lăng Vua Khải Định, Lăng Vua Gia Long, Lăng Vua Thiệu Trị, Lăng Vua Đồng Khánh, Điện Hòn Chén, Cung An Định, Đàn Nam Giao.

Tỉnh Hà Giang quy định mức thu phí Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương; Di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú, Khu Di tích Bãi đá cổ Nấm Dẩn, danh thắng thác Tiên - đèo Gió.

Tỉnh Thanh Hóa thậm chí còn quy định mức thu phí tất cả các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh…

Tuy nhiên, ở Nghệ An, thu phí di tích, bảo tàng, danh thắng là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Trong hơn 5 năm trở lại đây, UBND tỉnh Nghệ An đã 2 lần tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về Đề án và Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về quy định phí tham quan di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo, việc thực hiện thu phí tham quan di tích, bảo tàng và công trình văn hóa thực hiện theo quy định của Luật Phí và Lệ phí, bởi tại Phụ lục số 01 về Danh mục phí, lệ phí, ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 quy định: Phí tham quan danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng do Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc Trung ương quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý.

Đối với các di tích, bảo tàng, việc thu phí nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động dịch vụ công và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

Việc thu phí cũng nhằm đảm bảo bù đắp chi phí phục vụ công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí tham quan tại đơn vị; bổ sung kinh phí cho hoạt động thường xuyên và công tác bảo quản, phục hồi, sửa chữa các di tích, bảo tàng, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách tham quan. Đồng thời, nhằm từng bước nâng cao nhận thức và tạo ý thức, thói quen cho người dân trong việc đóng góp cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

9 di tích, bảo tàng được đề xuất thu phí tham quan tại Dự thảo Đề án Quy định về phí tham quan di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

- Đền Ông Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên

- Đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai

- Đền Quang Trung, phường Trung Đô, thành phố Vinh

- Đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương

- Đền Cuông, xã Diễn An, huyện Diễn Châu

- Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương

- Di tích lưu niệm Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn

- Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, thành phố Vinh

- Bảo tàng Nghệ An, thành phố Vinh

Đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) - 1 trong 9 di tích, bảo tàng được đề xuất thu phí tham quan tại Dự thảo Đề án Quy định về phí tham quan di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, qua 2 cuộc họp của UBND tỉnh vào các năm 2017 và 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đều thống nhất dừng việc ban hành nghị quyết về thu lệ phí khách tham quan di tích, bảo tàng. Nguyên nhân là ý kiến từ các ban, ngành, đoàn thể cho rằng, đối với các di tích là những công trình gắn liền với sinh hoạt văn hóa tâm linh thì việc thu phí cần thực hiện thận trọng, vì dễ gây nên những dư luận không tốt trong xã hội. Còn đối với các bảo tàng, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế, lượng khách tham quan rất ít...

Tại các cuộc họp này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định, việc ban hành nghị quyết thu phí tại thời điểm này là chưa phù hợp; sở, ngành cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất về mức phí, đối tượng thu, cơ chế và bộ máy thực hiện trong thời điểm phù hợp hơn.

Chỉ thu phí khi phát triển tốt các loại hình dịch vụ

Đến nay, quanh việc thu phí tham quan các di tích, bảo tàng, danh lam, thắng cảnh trên địa bản tỉnh Nghệ An vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Qua trao đổi với phóng viên, ông Phan Trọng Lộc - Trưởng ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Truông Bồn; ông Vũ Hồng Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thành phố Vinh, Trưởng ban Quản lý đền Quang Trung và ông Nguyễn Kim Nam - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đô Lương, Phó trưởng Ban Quản lý đền Quả Sơn đều cho rằng, việc thu phí tham quan đối với các công trình tâm linh trên địa bàn tỉnh hiện nay là chưa phù hợp.

“Di tích gắn liền với sinh hoạt tâm linh của nhân dân, do nhân dân xây dựng nên và hằng năm khi đến dâng hương, lễ vật nhân dân đều đóng góp công đức cho di tích nên việc triển khai thu phí là bất hợp lý, dễ gây bức xúc cho nhân dân”, ông Vũ Hồng Đức khẳng định.

Du khách đến với đền Quang Trung (phường Trung Đô, thành phố Vinh). Ảnh: Minh Quân

“Nhìn sang tỉnh Hà Tĩnh với Khu Di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc với nhiều điểm tương đồng với Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, cách đây 9 năm cũng đã triển khai thu phí tham quan. Tuy nhiên, do sau đó vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân, đặc biệt là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, việc thu phí đã phải dừng lại”, ông Phan Trọng Lộc cho hay.

Lãnh đạo ban quản lý các di tích trên đều cho biết, họ mong muốn có thể thực hiện thu phí tham quan nhưng chỉ đề xuất thực hiện khi di tích đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ. “Ở Di tích đền Quả Sơn thời gian tới sẽ phát triển khu vực từ đền đến chùa Bà Bụt, hệ thống vườn hoa, suối nước nóng, dịch vụ đi thuyền từ đền đến chùa...; khi hoàn thiện các công trình, dịch vụ này thì lúc đó mới xem xét phương án thu phí”, ông Nguyễn Kim Nam chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cũng khẳng định, việc thu phí di tích, bảo tàng là cần thiết và phải thực hiện càng sớm càng tốt, theo phương châm “lấy di tích nuôi di tích”, phù hợp với Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

“Chỉ khi thu phí tham quan, người dân, du khách mới tò mò, mới nhận thức được giá trị của di tích, bảo tàng, chứ cứ miễn phí như bây giờ thì họ sẽ không coi trọng những giá trị đó”, ông Kiếm bày tỏ quan điểm.

Người dân tham quan tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh liệu: Đình Tuyên

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiếm cũng cho rằng, khi đã thực hiện thu phí thì bảo tàng cũng cần mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ, như triển khai chụp ảnh, quay phim trong và ngoài bảo tàng; bán đồ lưu niệm, các sản phẩm trang sức, trang phục mang bản sắc độc đáo của địa phương; dịch vụ ăn uống... Bên cạnh đó, kết nối các tour du lịch tới tham quan Bảo tàng; xây dựng các sản phẩm du lịch tại Bảo tàng như: Du lịch khám phá truyền thống, du lịch hội thảo, du lịch nghiên cứu lịch sử, khảo cổ...

Còn ông Nguyễn Đức Hiển - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An cho rằng, nếu muốn thu hút du khách tìm đến di tích, danh thắng phải tạo dựng được ấn tượng về một điểm đến hấp dẫn, biểu hiện ở các tiêu chí: Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, môi trường trong sạch, an ninh, trật tự bảo đảm, người dân bản địa thân thiện, có ý thức giữ gìn giá trị của di tích, thắng cảnh, mức thu phí phải hợp lý, tương xứng với dịch vụ... Do đó, khi nghiên cứu triển khai thu phí tham quan di tích, bảo tàng, danh thắng, cơ quan quản lý cần xem xét một cách đồng bộ các yếu tố trên.

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: CSCC

Về vấn đề này, ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, việc thu phí tham quan đối với di sản văn hóa như di tích bảo tàng là một bài toán kinh tế với những nhân tố tác động đa chiều, cần được xem xét dưới góc độ tổng thể, lâu dài, cần cân nhắc kỹ để tránh xảy ra tình trạng “lợi bất cập hại”.

Việc thu phí di tích trong thời gian tới chỉ được thực hiện khi các di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh hoàn thiện về cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút mạnh mẽ khách du lịch, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thời gian tới, ngành Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với ngành Du lịch trong vấn đề này để có thể tạo ra nguồn thu ổn định, hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản./.

Mới nhất

x
Vì sao Nghệ An chưa triển khai thu phí tham quan di tích, bảo tàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO