Vì sao người Iran xuống đường biểu tình?

Chu Thanh 06/01/2018 22:13

(Baonghean.vn) - Hơn 20 người thiệt mạng, hàng trăm người đang bị bắt giữ, các biện pháp trấn áp biểu tình mạnh được chính phủ triển khai mạnh tay hơn… Đó là những gì đã và đang diễn ra tại Iran, đất nước đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình lớn nhất kể từ năm 2009 - thời điểm hàng triệu người xuống đường đòi tổ chức lại bầu cử Tổng thống.

Thủ đô Tehran của Iran. Ảnh Internet
Thủ đô Tehran của Iran. Ảnh Internet

Bùng nổ biểu tình

Từ ngày 28/12, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Mashhad, thành phố lớn thứ 2 của Iran với hàng trăm người xuống đường phản đối giá cả các nhu yếu phẩm leo thang. Bắt đầu từ đây, làn sóng biểu tình đã lan rộng ra khoảng 50 thành phố kể cả thủ đô Tehran với hàng chục nghìn người xuống đường.

Tại một số địa điểm, các vụ biểu tình đã biến thành bạo động, đụng độ với cảnh sát. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong đêm mồng 1 sáng 2/1, 6 người biểu tình đã thiệt mạng ở tỉnh Isfahan khi họ cố tình tràn vào một đồn cảnh sát ở Qahderijan.

Trước đó, hơn 20 người khác đã thiệt mạng trong các vụ biểu tình nổ ra khắp cả nước. Các vụ bắt giữ ngày một tăng thêm. Ngay tại thủ đô Tehran, 450 người biểu tình đã bị bắt giữ, con số này ở Isfahan là hơn 100 người chỉ trong tối ngày 1/1.

Trước những diễn biến ngày một căng thẳng, chính quyền Iran đã triển khai các lực lượng an ninh bổ sung trong nước. Với những người biểu tình quá khích, chính phủ đã lựa chọn biện pháp đàn áp cứng rắn hơn.

Bộ An ninh tình báo quốc gia đảm bảo rằng “những kẻ gây rối và kích động” đã được xác định và “sớm được chăm sóc”. Hiển nhiên, thông điệp này là thông báo rõ nhất về những vụ bắt giữ khác sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Một phụ nữ tham gia biểu tình ở Iran.

Ông Moussa Ghazanfarabadi, người đứng đầu Tòa án cách mạng ở Tehran cảnh cáo: “Mỗi ngày qua đi, tội của những người bị bắt sẽ trở nên nặng hơn và mức án phạt cũng tăng nặng hơn” và rằng “chúng tôi không còn thấy họ lên tiếng đòi quyền lợi cho mình mà là những kẻ nhắm mục tiêu vào chế độ của đất nước”.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei tuyên bố: “Kẻ thù của Iran đã sử dụng tiền, vũ khí, các phương tiện truyền thông… và cả lực lượng tình báo an ninh nhằm tạo ra những vấn đề về chế độ Hồi giáo”.

Nói tóm lại, ông Khamenei tin rằng Cộng hòa Hồi giáo đang bị những âm mưu từ nước ngoài nhắm vào.

Nhưng đáng nói, bài phát biểu của ông Khamenei hoàn toàn mâu thuẫn với những gì Tổng thống Iran Hassan Rohani tuyên bố trước đó: “Tất cả những người biểu tình không hề bị xúi giục từ nước ngoài và nhiều người trong số họ xuống đường vì những cảm xúc, những vấn đề của họ”.

Tương lai khó đoán định

Nhìn nhận về các vụ biểu tình ở Iran, Amélie Myriam Chelly, nhà nghiên cứu chính sách tôn giáo cho rằng, cần phải thận trọng khi phân biệt giữa những người theo chính phủ của ông Rohani - muốn cải cách đất nước và những người bảo thủ.

Nhìn một khía cạnh nào đó, các cuộc biểu tình sẽ có lợi cho ông Rohani - người đang gặp nhiều khó khăn cho việc cải cách đất nước. Bởi nó có thể đẩy nhanh một số cải cách. Song các cuộc biểu tình cũng có thể tác động đảo chiều.

Sự bất lực của chính phủ trong việc đưa Iran ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế một phần bị ảnh hưởng từ những lệnh trừng phạt quốc tế cũng có thể khiến cho chủ nghĩa bảo thủ phát triển hơn.

Nhiều người dân đang tỏ ra thất vọng vì việc mở cửa không mang đến những hiệu quả kinh tế tích cực. Và việc tăng các lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có tác động quyết định.

Có một điểm đáng chú ý là những người tham gia biểu tình lần này, họ thường rất trẻ. Thông tin từ Bộ Nội vụ Iran cho biết, dù ở thủ đô hay các tỉnh lẻ, 90% những người bị bắt đều dưới 25 tuổi.

Những người này đều là thế hệ 9x, không biết đến chế độ quân chủ do Shah Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu trước khi có nhà nước Cộng hòa Hồi giáo và rất ít người trong số họ từng tham gia vào cuộc biểu tình liên quan đến chính trị năm 2009 làm rung chuyển cả chế độ Iran.

Hiện tại, các vụ đụng độ chủ yếu diễn ra ở các tỉnh lẻ, chỉ ảnh hưởng đến một số trung tâm đô thị lớn. Trong khi đó, những người biểu tình trẻ tuổi, vốn không đi theo bất kỳ người lãnh đạo nào, ngày càng trở nên bạo lực hơn.

Tổng thống Hassan Rouhani trong một bài phát biểu với phông nền bên trái là lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, bên phải là nhà sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini. Ảnh: AFP.
Tổng thống Hassan Rouhani trong một bài phát biểu với phông nền bên trái là lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, bên phải là nhà sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini. Ảnh: AFP.

Còn nguyên nhân sâu xa của những cuộc biểu tình lần này là kinh tế. Người dân Iran đã quá kiệt quệ vì nạn tham nhũng. Nhiều người đã không được trả tiền lương trong nhiều tháng.

Người dân Iran đang cho rằng phần lớn tiền thuế của người dân đang được đầu tư ở nơi khác (xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền nam Liban, duy trì các địa điểm linh thiêng ở Iraq và Syria) thay vì đầu tư trong nước.

Chính vì vậy, nhiều khẩu hiệu đại lọa như “không phải Gaza cũng chẳng phải Liban, tôi yêu cầu cống hiến cho Iran” đã được đưa ra.

Thế nên, cũng như nhiều nhà phân tích, Amélie Myriam Chelly cho rằng, rất khó để đưa ra cái kết cho những cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran. Nhất là khi nó không có người lãnh đạo, không có nền tảng chính trị thuần túy và có nhiều điểm trái ngược hoàn toàn với các cuộc biểu tình năm 2009.

Theo nhìn nhận của một số nhà phân tích, tình hình ở Iran vẫn chưa đến mức bi quan vì các vụ biểu tình vẫn nằm dưới sự kiểm soát.

Các cuộc biểu tình năm 2009, chính quyền phải sử dụng đến lực lượng Vệ binh Cách mạng và lực lượng dân quân của chế độ Hồi giáo Basij để ngăn chặn những người biểu tình.

Mới nhất
x
Vì sao người Iran xuống đường biểu tình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO