Vì sao Nhà nước độc quyền thương mại 20 loại hàng hóa dịch vụ?
Danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thiết yếu Nhà nước giữ độc quyền liên quan đến an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng...
Khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 có quy định: "Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia", đồng thời giao "Chính phủ quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước".
Theo đó, khi Danh mục được ban hành sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu tại các Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X và Kết luận 50/KL-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Nhà nước độc quyền xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. (Ảnh minh họa: KT) |
Việc ban hành Danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước (ĐQNN) trong hoạt động thương mại, phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát công khai việc thực hiện ĐQNN trong các lĩnh vực được liệt kê.
Hơn nữa, việc ban hành Danh mục còn giúp tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc bảo lưu quyền của Việt Nam trong các cuộc đàm phán quốc tế về mở cửa thị trường, qua đó tăng cường tính minh bạch cũng như tính hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với những cơ sở trên, tại văn bản số 130/TTg-KTTH ngày 27/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế có liên quan.
Dự thảo Danh mục đã lấy ý kiến công khai
Là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo Nghị định và Danh mục được xây dựng với quan điểm chủ đạo không mở rộng, không tăng thêm các lĩnh vực ĐQNN đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để xác định các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được quy định tại Danh mục, trong đó có Luật An ninh, Luật Quốc phòng, Luật Điện lực, Luật Bưu chính, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Đường sắt, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định số 30/2007 về kinh doanh xổ số, Nghị định 67/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Dựa trên kết quả rà soát, từ năm 2015, dự thảo Danh mục đã được gửi để lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có liên quan; đồng thời được đăng tải trên website của Bộ Công Thương và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội. Dự thảo Danh mục này cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định.
Tại thời điểm trình Chính phủ vào tháng 12/2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Danh mục dự kiến bao gồm 19 loại hàng hóa, dịch vụ và chi tiết hoạt động thương mại cần áp dụng ĐQNN.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là "xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng", nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ tại Danh mục lên thành 20.
Có thể điều chỉnh giảm số hàng hóa, dịch vụ trong Danh mục
Theo lý giải của Bộ Công Thương, toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại Danh mục đều là các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng ĐQNN, phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị định là giới hạn phạm vi thực hiện ĐQNN chỉ trong các lĩnh vực, địa bàn thiết yếu mà Nhà nước cần phải giữ độc quyền liên quan đến an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn hay không có khả năng tham gia.
“Danh mục không mở rộng và cũng không tăng thêm các lĩnh vực ĐQNN ngoài các lĩnh vực đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ Công Thương cũng khẳng định, ĐQNN đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Danh mục không phải được thực hiện đối với tất cả các hoạt động thương mại có liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đó. ĐQNN chỉ giới hạn trong một hoặc một số hoạt động thương mại cụ thể, phù hợp với chủ trương giới hạn phạm vi ĐQNN và các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|