Vì sao ông Đinh La Thăng 'bắt tay' thần tốc với ông Hà Văn Thắm

Bảo Hà 21/03/2018 06:41

Trong khi nhiều ngân hàng từ chối hợp tác khi PVN đưa ra điều kiện thì Oceanbank sẵn sàng và thỏa thuận góp vốn 800 tỷ đồng được ký ngay lần gặp đầu tiên.

Trong ngày làm việc thứ hai, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các công tố viên, luật sư tiếp tục làm rõ ba lần PVN góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Lời khai của các bị cáo, người liên quan trong hai ngày đã tập trung giải thích vì sao PVN lựa chọn Oceanbank để đầu tư. Nguyên nhân khiến 800 tỷ của PVN bị mất cũng được lý giải.

Oceanbank là sự lựa chọn tốt nhất của PVN

Trong nửa tiếng trả lời luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) về hoàn cảnh dẫn tới việc PVN góp vốn vào Oceanbank, cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Ngọc Sự cho biết khi từ bỏ việc thành lập ngân hàng Hồng Việt (ngân hàng riêng của ngành dầu khí) với quy mô vốn 5.000 tỷ đồng thì PVN "đau đầu" với việc giải quyết khối lượng nhân sự lên tới hàng trăm người đã tham gia vào ban trù bị ngân hàng Hồng Việt.

"Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng mỗi doanh nghiệp được đầu tư vào một ngân hàng không quá 20% vốn điều lệ, HĐQT PVN rốt ráo đi tìm một ngân hàng để mua vốn điều lệ và cũng để giải quyết số nhân sự trên", ông Sự nói.

Ông Sự nhớ ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt khi đó cố gắng tiếp cận nhiều ngân hàng như Phương Nam (hay Nam Á), Kiên Long, Hàng hải…để mua vốn, nhưng đối tác đều không đáp ứng được nhu cầu. Có những ngân hàng yêu cầu giá cổ phiếu quá cao hoặc không cho PVN tham gia quản lý điều hành.

Ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN, trưởng ban trù bị ngân hàng Hồng Việt khi đó) cũng khai, cuối năm 2008, khi ngân hàng Hồng Việt bị dừng thành lập thì PVN đối mặt hai vấn đề lớn. Thứ nhất, việc làm cho hàng trăm nhân viên sẽ giải quyết thế nào? Thứ hai là cơ sở vật chất kỹ thuật, máy tính, mạng phần mềm…không được sử dụng sẽ gây lãng phí. Và cái chính theo ông Sơn là các cổ đông cũng như PVN bị mất tiền tại dự án "hụt" này.

Theo ông Sơn, PVN khi đó báo cáo tình hình với cấp trên và được chỉ đạo: Không thành lập ngân hàng này nữa thì tìm kiếm ngân hàng nào đó để góp vốn nhằm để nâng cao tái cấu trúc các ngân hàng thương mại của Nhà nước. PVN đã đàm phán với nhiều ngân hàng song đối tác đều yêu cầu giá cổ phiếu cao và hoặc không chấp nhận hai điều kiện trên.

Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày 20/3. Ảnh: TTXVN

Cùng thời điểm, ông Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương) và ông Sơn liên lạc với nhau. Oceanbank thời kỳ này đang muốn tăng vốn điều lệ và tìm đối tác chiến lược. Còn PVN đang cần xử lý một số vấn đề tồn tại của ngân hàng Hồng Việt. Khi Oceanbank chấp nhận các điều kiện của PVN, ông Sơn thu xếp cuộc gặp giữa ông Thăng và ông Thắm.

Làm chứng cho điều này, ông Thắm khai tại tòa rằng trong lần gặp đầu tiên "ông Thăng muốn cho "chắc ăn" nên ký ngay thỏa thuận góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank, kèm theo hai điều kiện nêu trên". Ông Thắm nói bản thỏa thuận đó đã được PVN chuẩn bị rất kỹ do từng ký với nhiều ngân hàng và chỉnh sửa nhiều lần. Khi "bắt tay" với PVN, ông Thắm đánh giá là cơ hội tốt của cả hai bên.

Ông Đinh La Thăng trong hai ngày thẩm vấn vừa qua cũng nhiều lần thừa nhận: Thời điểm cuối năm 2008, Oceanbank là ngân hàng phù hợp để đầu tư vốn. Báo cáo của cấp dưới trình lên cho thấy Oceanbank có quy mô nhỏ, song đang tìm cổ đông chiến lược tầm cỡ như PVN để phát triển.

PVN bị mất 800 tỷ do không thoái vốn?

Cáo trạng quy kết chính việc chỉ đạo và thực hiện góp vốn của PVN vào Oceanbank mà ông Đinh La Thăng cùng các thuộc cấp đã gây ra thiệt hại 800 tỷ cho PVN. Tuy nhiên, nhiều lời khai trong hai ngày qua lại lý giải theo nguyên nhân khác.

Theo trình bày của ông Thắm, việc Oceanbank tiếp nhận vốn góp của PVN đều được cấp có thẩm quyền cho phép và ngân hàng có báo cáo. Năm 2011 để nâng vốn điều lệ của Oceanbank lên 4.000 tỷ, ông Thắm đã xin cấp giấy phép từ Sở kế hoạch đầu tư, báo cáo cơ quan giám sát ngân hàng. Khi đó PVN góp thêm 100 tỷ là nằm trong kế hoạch đạt 20% vốn điều lệ của Oceanbank.

Theo ông Thắm, thời điểm này Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực chỉ cho phép một cổ đông không chiếm quá 15%, PVN muốn thoái vốn để không vi phạm quy định pháp luật thì cũng nhiều khó khăn, bởi "không vi phạm cái này sẽ vi phạm cái khác". Một doanh nghiệp lớn như PVN muốn bán vốn phải thông báo trước ít nhất sáu tháng.

Hà Văn Thắm tại tòa chiều 20/3

Ông Thắm cho biết năm đó PVN không chỉ dự định thoái 5% vốn mà là thoái toàn bộ. Ông Thắm biết việc PVN chiếm 20% vốn của Oceanbank vào năm 2011 là sai quy định, vì Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực. Ông Thắm đã báo cáo điều này với cơ quan thanh tra cấp trên và sau đó không bị phạt. Thanh tra không yêu cầu trả lại vốn mà chỉ nói ra lộ trình thoái vốn trong biên bản thanh tra năm 2012 .

Theo lời khai của ông Thắm, khi gặp một lãnh đạo cao cấp, ông từng được khuyên: "Em tìm đối tác bán cổ phần của PVN đi". Ông Thắm giới thiệu một số đối tác mua và có bên đã nghiên cứu hồ sơ cổ phần của PVN, đồng ý mua cổ phần 20% vốn của PVN với giá 800 tỷ. Tuy nhiên việc này chưa kịp thực hiện thì ông Thắm và nhiều lãnh đạo Oceanbank bị bắt, một thời gian sau (vào năm 2015) Oceanbank bị Ngân hàng nhà nước mua giá 0 đồng.

Ông Thắm cho rằng việc PVN mất 800 tỷ có phần nguyên nhân do Oceanbank bị mua giá 0 đồng. Ông này còn khẳng định mua 0 đồng là không đúng. Ông nắm gần 70% cổ phần của Oceanbank nhưng khi ngân hàng bị bán mà chẳng biết vì không được ai bàn.

Theo ông thắm, Oceanbank không thua lỗ hay yếu kém tới mức phải bị mua với giá 0 đồng. Giai đoạn này ngân hàng đã thu hồi được tới hơn 8.000 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu và còn có tài sản thế chấp nên không thể tính giá trị bằng 0.

“Nếu đã bị mua với giá 0 đồng thì PVN có thể xin lại những tài sản hoặc phần tiền thế chấp không?”, ông Thắm nói và mong HĐXX xem xét lại việc mua bán này để PVN không bị thiệt. Cũng theo cựu Chủ tịch OceanBank, Oceanbank còn sở hữu một số lượng rất lớn giá trị bất động sản, theo quy định Thủ tướng phải là người ký mua.

Ông Thắm còn khẳng định việc góp vốn của PVN trong vụ án này không liên quan và không phải là nguyên nhân khiến Oceanbank bị mua 0 đồng.

Ông Thăng: Cáo buộc của VKS gây oan ức cho tất cả

Ông Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN) với vai trò người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng khai trước tòa rằng có đối tác muốn mua lại 20% cổ phần của PVN ở Oceanbank. Theo ông, ngay từ năm 2012, PVN đã xem xét để sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trong đó có PVN. Việc thoái vốn nói chung ở các doanh nghiệp ngoài ngành cũng bắt đầu triển khai. Tháng 3/2012, PVN đã hoàn thành đề án tái cấu trúc và có kế hoạch thoái toàn bộ vốn 800 tỷ trong giai đoạn năm 2013-2015.

Theo ông Thực sau khi PVN có báo cáo Chính phủ về đề án tái cấu trúc thì tháng 6/2012 Thủ tướng có ý kiến. Đến gần một năm sau (tháng 3/2013) Thủ tướng phê duyệt đề án tái cấu trúc.

Năm 2014, một đối tác đồng ý mua vốn của PVN. Trong năm 2014, Chính phủ đã đồng ý cho PVN thoái vốn rồi nhưng sau đó lại chỉ đạo dừng để sắp xếp chung lại khối ngân hàng. Nhưng theo ông Thực tới lúc này cũng vẫn còn 1,5 năm nữa mới hết hạn thoái vốn của Thủ tướng đã phê duyệt cho PVN. “Nếu thực hiện được kế hoạch thì PVN không thể mất 800 tỷ”, cựu tổng giám đốc PVN khẳng định.

Ông Đinh La Thăng cũng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng “là việc xảy ra sau này, không có quan hệ biện chứng nào giữa việc đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương với việc bị ngân hàng này mua lại với giá 0 đồng”. Vì vậy, theo ông này cáo buộc của VKS là không phù hợp, gây oan ức cho bản thân và tất cả các bị cáo trong vụ án.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

>> Vì sao PVN mất 800 tỷ đồng khi đầu tư vào OceanBank

Đồ họa: Tiến Thành

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Vì sao ông Đinh La Thăng 'bắt tay' thần tốc với ông Hà Văn Thắm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO