Vì sao ông Park Hang-seo “vừa bồng em, vừa xay lúa”?
(Baonghean.vn) - Trong năm nay bóng đá Việt Nam có nhiều mục tiêu quan trọng, nhưng quan trọng nhất phải là SEA Games 30.
Về lý, hợp đồng của ông thầy người Hàn Quốc với VFF quy định ông có nhiệm vụ dẫn dắt cả hai đội tuyển đến đầu năm 2020. Không chỉ ông Park Hang-seo mà các người tiền nhiệm Alfred Riedl, Henrique Calisto, Toshiya Miura hay mới đây là Hữu Thắng đều có được “vinh dự” này.
Vì khát vọng HCV SEA Games
Thực ra, trên thế giới rất ít nước sử dụng phương án “2 in 1” như VFF nhưng với đặc thù của bóng đá Việt Nam, đã từ lâu chúng ta sử dụng phương án này. Nhất là khi phương án 48 đội tuyển dự World Cup 2022 chưa được FIFA xác nhận và việc châu Á có được 8,5 suất hay không còn khá mù mờ thì tấm HCV SEA Games 30 là mục tiêu kề cận trước mắt.
Dàn trợ lý 10 người sẽ giúp ông Park nắm cả 2 đội tuyển U22 VN và đội tuyển quốc gia. Ảnh: VFF |
Thậm chí, nhiều chuyên gia kể cả bóng đá Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong năm 2018 nhưng việc lọt vào tốp 8 bóng đá châu lục để đi dự World Cup 2022 vẫn là vấn đề quá sức. Nhìn quá trình kiếm được tấm vé dự World Cup của Nhật Bản, Hàn Quốc chúng ta còn phải nỗ lực cố gắng hơn nữa, quãng thời gian và thành tích ban đầu như thế, dường như là chưa đủ cho việc có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Trong khi đó, tấm HCV bóng đá SEA Games là giấc mơ của hàng triệu người Việt Nam suốt hàng chục năm trời. Từ sau năm 1975, bóng đá nước nhà chưa từng bước lên ngôi vô địch giải đấu thể thao lớn nhất khu vực này. Chúng ta chỉ ngồi nhìn Thái Lan và Malaysia đã thay nhau thống trị SEA Games, cho đến khi U22 Việt Nam có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để mơ vô địch, chẳng lý do gì để ông Park Hang-seo lại không nắm quân.
6 cầu thủ gồm thủ môn Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Linh sẽ là bộ khung cho đội hình U22 Việt Nam ở SEA Games 2019. Đây là những cầu thủ đã từng chinh chiến đủ các cấp độ đội tuyển với cấp độ châu lục, dày dặn kinh nghiệm thi đấu.
Trong bối cảnh U22 Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển giao hậu thế hệ của Tristan Do, Chanathip Songkrasin,... U22 Indonesia thành tích khá phập phù, các đội U22 Malaysia, U22 Philippines, U22 Singapore hay U22 Myanmar trong nhiều năm qua có những khoảng cách so với “thế hệ vàng thứ 3” của bóng đá Việt Nam.
Giải pháp tình thế
Thực ra, phương án trợ lý Lee Young-Jin nắm đội U22 Việt Nam dự SEA Games 30 là một giải pháp không tồi. Việc ông Lee Young-Jin dẫn dắt đội tuyển vừa đảm bảo việc duy trì triết lý, lối chơi, tinh thần cho các tuyển thủ, vừa giải tỏa bớt sức ép cho HLV Park Hang-seo. Việc đặt tham vọng mục tiêu ở cả vòng loại World Cup và SEA Games sẽ khiến ông Park và nhiều cầu thủ quá tải.
Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: "Trong năm nay bóng đá Việt Nam có nhiều mục tiêu quan trọng, nhưng quan trọng nhất phải là SEA Games 30”. Ảnh: VFF |
Nếu đồng thời nắm 2 đội tuyển, nghĩa là ông Park Hang-seo chấp nhận dồn áp lực cho mình. Nhưng chính ông sẽ có giáo áo xuyên suốt cho các cầu thủ đá cả vòng loại World Cup và SEA Games. Thậm chí, trong quá trình thi đấu của vòng loại World Cup, ông sẽ điều tiết thời gian thi đấu của 6 cầu thủ U22 Việt Nam sao cho phù hợp nhất, tránh lâm vào tình trạng “kiệt pin”.
Chắc chắn chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ đối diện với hàng loạt thử thách lớn khi đảm trách nhiệm vụ ở cả tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam trong năm 2019. Nhưng một khi hiểu được khát vọng của người dân Việt Nam, ông đã tự nguyện đảm đương, nghĩa là ông đã có những tính toán trong đầu. Chúc ông có thêm sự may mắn nữa để hoàn thành mục tiêu lớn này.