Vì sao Tập Cận Bình và Kim Jong-un liên tiếp gặp nhau?
(Baonghean.vn) - Trung Quốc đã thành công giữ Triều Tiên kề cận và lấy mối quan hệ này làm đòn bẩy nhằm đạt được những mục tiêu bao quát ngoài vấn đề phi hạt nhân hóa.
Ảnh minh họa: Reuters |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm thứ ba tới Trung Quốc vào giữa tháng 6 này. Việc ông Kim thăm Bắc Kinh không lâu sau hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tại Singapore vốn không gây ngạc nhiên - người ta dự đoán được rằng ông Kim sẽ thông tin đến ông Tập về hội nghị vừa qua, và 2 bên muốn vạch các chiến lược, đường hướng cho thời gian tới.
Nhưng tính có thể dự báo của chuyến thăm không làm giảm tầm quan trọng của nó. Chính xác là, cuộc gặp này cho phép Trung Quốc thiết lập tầm ảnh hưởng ở hậu trường, định hình hình ảnh của nước này trên trường quốc tế, đồng thời cũng củng cố tiến triển trong các mục tiêu bao quát hơn của họ đối với tương lai của Bán đảo Triều Tiên và các quan hệ Mỹ-Trung.
Thứ nhất, cạnh tranh địa chính trị quy mô hơn với Mỹ là một nội dung trọng tâm của chuyến thăm vừa rồi. Ông Tập nhiều khả năng muốn phát tín hiệu rõ ràng đến Mỹ rằng Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng ông Kim. Truyền thông Trung Quốc đưa tin theo kiểu nhấn mạnh rằng kế hoạch đình chỉ kép của Trung Quốc, tức Mỹ ngừng tập trận quân sự đổi lấy Triều Tiên đóng băng thử nghiệm hạt nhân, về cơ bản đã được thông qua tại Singapore. Theo truyền thông Trung Quốc, điều này cho thấy Bắc Kinh có vai trò “một siêu cường trách nhiệm” và tiến triển về vấn đề hạt nhân Triều Tiên “thực sự không thể tách rời những nỗ lực của Trung Quốc”.
Thứ hai, nhằm thúc đẩy hình ảnh cường quốc khu vực, các tuyên bố của giới chức Trung Quốc có tác dụng xúc tiến hình ảnh đoàn kết với Triều Tiên. Các tuyên bố hậu cuộc gặp nhấn mạnh rằng 2 bên có một “cách hiểu chung” về “một loạt vấn đề cùng quan ngại bao gồm triển vọng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”. Báo chí đưa tin nhấn mạnh rằng dù có những lúc thăng trầm do vấn đề hạt nhân, song quan hệ song phương Trung-Triều vẫn bền vững, đang phát triển - và quan hệ song phương này sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường khu vực.
Cái bắt tay giữa lãnh đạo Mỹ với Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh hôm 12/6 ở Singapore. Ảnh: USA Today |
Cuối cùng, Trung Quốc muốn củng cố tiến trình hướng tới giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Việc Mỹ ngừng tập trận chung chỉ mới là bước đầu tiên. Bắc Kinh có thể sẽ bắt đầu thúc đẩy đàm phán hiệp ước hòa bình có khả năng gây tổn hại đến tính chính danh của sự tiếp tục hiện diện của Mỹ tại Bán đảo này. Trung Quốc thậm chí có thể thúc giục ông Kim đưa vấn đề Mỹ triển khai hệ thống THAAD tới Hàn Quốc vào vòng đàm phán kế tiếp, đặt Mỹ vào thế khó.
Mỹ nên nỗ lực đẩy lùi những nỗ lực như vậy, nhưng không may là mối quan tâm chính của Washington có vẻ như lại là Trung Quốc có khả năng thúc đẩy xoa dịu trừng phạt nhằm vào Triều Tiên hoặc Bắc Kinh có thể dùng vai trò của mình để cải thiện vị thế trong các tranh chấp thương mại với Mỹ.
Quan ngại này không hẳn là không có cơ sở, dù Trung Quốc có thể không phản ứng ngay từ đầu với cơ chế trừng phạt hay phản ứng trực tiếp với vấn đề thuế quan. Nhưng cuối cùng, Trung Quốc sẽ trở lại vấn đề xoa dịu trừng phạt vì Bắc Kinh nghĩ cải cách nội địa của Triều Tiên là giải pháp lâu dài duy nhất cho vấn đề hạt nhân. Ban lãnh đạo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ đã khiến Trung Quốc hy vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ đi theo con đường cải cách của họ, nhưng lần nào cũng khiến Trung Quốc thất vọng. Dù vì lý do gì đi nữa, giới chuyên gia Trung Quốc tin tưởng lần này sẽ khác, rằng ông Kim “háo hức muốn học cách biến một quốc gia đang phát triển thành một siêu cường toàn cầu”. Họ chỉ ra các tín hiệu chẳng hạn như việc trong chuyến thăm lần này, ông Kim đã đến thăm Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và Công ty Đầu tư Cơ sở hạ tầng Bắc Kinh. Nếu ông Tập tiếp tục tin rằng Triều Tiên thực sự muốn hội nhập vào Đông Bắc Á về ngoại giao và kinh tế, thì chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc thúc đẩy hỗ trợ kinh tế nhằm giúp Bình Nhưỡng đạt được mục tiêu.
Tóm lại, chuyến thăm cho thấy Trung Quốc đã thành công giữ Triều Tiên ở vị trí kề cận, thân thiết và dùng mối quan hệ này làm đòn bẩy nhằm đạt được những mục tiêu bao quát của họ ngoài vấn đề phi hạt nhân hóa. Những mục tiêu này không nhất thiết phải gây tổn hại cho Mỹ - nếu Trung Quốc thành công thúc đẩy ông Kim bước lên con đường cải cách, thì điều này có thể đồng nghĩa với có thêm tự do và mở cửa trong xã hội Triều Tiên. Nhưng nếu Trung Quốc một lần nữa nhận định sai về ý đồ của Triều Tiên, thì việc cung cấp hỗ trợ kinh tế có thể làm giảm động lực phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, Mỹ nên lường trước và cảnh giác trước những sáng kiến khác của Trung Quốc kêu gọi giảm các chiến dịch và sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.