Vì sao Thủ tướng Anh chọn 'Brexit cứng' với EU?

18/01/2017 14:42

(Baonghean.vn) - Nước Anh đã lựa chọn kịch bản “Brexit cứng”, tức là một sự chia tay dứt khoát với Liên minh châu Âu (EU). Lý do cho sự dứt khoát này là gì? Anh được và mất gì từ kịch bản này?

Quyết "dứt tình"

Lựa chọn kịch bản “Brexit cứng” mà nữ Thủ tướng Anh công bố không quá bất ngờ so với những tuyên bố của bà trước đó. Tuy nhiên, đây được cho là phát biểu rõ ràng nhất, chính thức nhất của chính phủ Anh về chiến lược thực thi Brexit trong bối cảnh xuất hiện những lời chỉ trích, đồn đoán về khả năng Brexit đang rơi vào hỗn loạn.

Theo 12 điểm mà bà May nêu ra, đáng chú ý là việc nước Anh sẽ rút ra khỏi khối thị trường chung, liên minh thuế quan và Toà công lý châu Âu. Như tuyên bố của bà Theresa May thì “nước Anh muốn một quan hệ đối tác mới công bằng chứ không phải là một quy chế thành viên từng phần hay liên kết với EU”. Điều này có nghĩa Anh sẽ không tìm kiếm vị thế tương tự như Na Uy hay Thụy Sỹ, tức đứng ngoài nhưng có sự hợp tác đặc biệt với EU.

Lý giải cho quyết định “cứng rắn” của nữ Thủ tướng Anh, có thể nhìn nhận ở 2 góc độ. Thứ nhất, về nội bộ nước Anh, sau sự kiện trưng cầu ý dân về Brexit, “Xứ sở sương mù” phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc cả trong giới quan chức lẫn người dân. Một bộ phận không nhỏ tiếp tục ủng hộ ở lại EU, thậm chí vùng Scotland còn tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu để tách khỏi Anh, rồi gia nhập EU.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu về chiến lược Brexit hôm 17/1. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu về chiến lược Brexit hôm 17/1. Ảnh: AFP

Đáng ngại hơn, giới chính trị Anh lo ngại phe ủng hộ Brexit rồi sẽ bị xáo trộn tâm lý, hối hận với quyết định trong lá phiếu trưng cầu. Trong bối cảnh như vậy, chính phủ Anh không còn cách nào khác là triệt để giải quyết tình hình bằng một tuyên bố dứt khoát: nước Anh sẽ ra đi và hoàn toàn đứng ngoài EU như một đối tác độc lập và bình đẳng.

Ở góc độ thứ 2 là sức ép từ bên ngoài, cụ thể là EU. Thời gian gần đây, tại các chương trình nghị sự quan trọng của khối, lãnh đạo các nước thành viên chủ chốt như Đức, Pháp, Italy luôn khẳng định quan điểm “không để Anh ra đi dễ dàng, tránh tạo tiền lệ xấu” cho các thành viên khác.

Một nước nhỏ và có quan hệ rất mật thiết với Anh như Đan Mạch cũng lên tiếng rằng “bất cứ sự nhượng bộ nào không đem lại lợi ích cho Đan Mạch thì nước này sẽ không chấp nhận thông qua”. Các nước EU từng đưa ra điều kiện rằng, nếu Anh muốn tiếp tục tiếp cận với thị trường chung châu Âu với các ưu đãi thuế như một thành viên bình thường thì nước Anh phải chấp nhận quyền tự do đi lại của công dân EU, cụ thể là công dân EU phải được tự do vào nước Anh.

Tất nhiên, đây là điều mà chính phủ của bà Theresa May kiên quyết phản đối bởi “tự do đi lại” khiến Anh quá đau đầu trong việc kiểm soát dòng người nhập cư và cũng là một trong những lý do của kết quả Brexit hôm nay. Vậy nên, đối mặt với sức ép từ EU, đương nhiên, Anh không muốn đã “ly hôn” lại kéo theo những đàm phán và điều kiện ràng buộc nên họ đành phải “dứt tình”.

Nước Anh được gì, mất gì?

Chưa nói về bản chất, chiến lược mà nữ Thủ tướng Anh vừa đưa ra được các doanh nghiệp, giới ngoại giao coi như “kim chỉ nam” để hoạch định “đường đi nước bước” của họ. Với một “Brexit cứng”, trong tương lai Anh có thể toàn quyền kiểm soát dòng người nhập cư vào nước này, kể cả những người nhập cư từ các nước châu Âu khác.

Về thương mại, nước Anh sẽ “tự do” tìm kiếm một thỏa thuận mà Anh mong muốn với Liên minh châu Âu chứ không phải điều ngược lại. Điều đó có nghĩa họ sẽ tự chủ trong mọi vấn đề sau suốt 6 thập kỷ bị “bó buộc” trong một khối liên minh. Sự tách bạch này có thể sẽ mang lại cho London những người bạn mới, những đối tác mới phù hợp hơn với sự phát triển và ổn định của đất nước này.

Tuy vậy, “cái mất” cũng không hề nhỏ cho sự lựa chọn Brexit cứng. Về kinh tế, việc rời khỏi Khối thị trường chung châu Âu sẽ mang đến cho Anh những thiệt hại nhãn tiền. 44% xuất khẩu của nước Anh là vào EU và nếu bị chặn đứng bởi hàng rào thuế quan thì thiệt hại kinh tế đối với nước Anh sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Thủ hiến vùng Scotland, bà Sturgeon cảnh báo sẽ kích hoạt cuộc trưng cầu độc lập sau quyết định Brexit cứng của chính phủ. Ảnh Express
Thủ hiến vùng Scotland, bà Sturgeon cảnh báo sẽ kích hoạt cuộc trưng cầu độc lập sau quyết định Brexit cứng của chính phủ. Ảnh Express

Thủ tướng May từng tuyên bố, sẽ “phá giá thuế” để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư, nếu Anh không thương lượng được một thỏa thuận tích cực với EU. Điều này có thể dẫn đến một “thỏa thuận trừng phạt” của EU dành cho Anh.

Ngoài ra, việc nước Anh quyết định rời khỏi liên minh hải quan EU cũng khiến nước này sẽ phải đàm phán lại không chỉ hàng chục thỏa thuận trước đó mà còn phải tăng cường kiểm soát biên giới đối với dòng người và hàng hóa trên các tuyến hàng không, đường sắt quốc tế và các cảng biển.

Điều đáng lo ngại hơn là “Brexit cứng” không giúp hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ đất nước Anh mà còn có nguy cơ “khoét sâu” thêm mâu thuẫn. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon thẳng thắn chỉ ra, kế hoạch của chính phủ Anh rời khỏi EU sẽ là một thảm kịch đối với kinh tế Anh. Vì thế Scotland phải có quyền bỏ phiếu độc lập.

Xem ra, sự thống nhất của Vương quốc Anh đang bị đe dọa nếu Scotland muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới đòi độc lập lãnh thổ. Đây sẽ là những thách thức không nhỏ cho chính phủ của nữ Thủ tướng Anh trong thời gian tới.

Việc Anh nói lời “chia tay” dứt khoát không ràng buộc cũng sẽ là “gáo nước lạnh” thứ 2 dội vào EU sau ngày trưng cầu ý dân ở Anh hồi tháng 6/2016. Vì thế, dự đoán các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Anh và EU sẽ không ít chông gai, thậm chí có thể cuộc đàm phán Brexit vào thế bế tắc không có đường ra, mà tình trạng này càng kéo dài thì sẽ càng bất lợi cho chính phủ của bà Theresa May.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vì sao Thủ tướng Anh chọn 'Brexit cứng' với EU?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO