Vì sao thương mại điện tử bộc lộ nhiều điểm yếu?
Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán điện tử (TTĐT) còn yếu và thiếu, thói quen thanh toán tiền mặt… là những bất cập khiến thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Mua sắm online là xu hướng của thế giới và đang tăng trưởng mạnh mẽ. |
Theo TS. Nguyễn Thị Nhiễu - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), TTĐT ở Việt Nam đã có bước phát triển khá mạnh mẽ thời gian gần đây, nhưng do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, việc phát triển TTĐT còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, làm ảnh hưởng đến sự phát của TMĐT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Hiện nay, chi phí quản lý tiền mặt nội địa vẫn là một gánh nặng cho nền kinh tế.
TTĐT ở Việt Nam được dự báo là có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển rất nhanh thời gian tới vì Việt Nam có tỉ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ khá tốt và không ngừng được cải thiện.
Theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2015 của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, quy mô TMĐT B2C của Việt Nam đạt doanh số khoảng 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD.
TTĐT ở Việt Nam được dự báo là có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển rất nhanh thời gian tới vì Việt Nam có tỉ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập internet tăng nhanh. |
Phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt với 91%, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia TMĐT sử dụng các loại thẻ thanh toán.
Về phát triển dịch vụ TTĐT, mặc dù có sự tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây, TTĐT ở Việt Nam vẫn đang ở dạng tiềm năng, kém xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Visanet- mạng TTĐT - Việt Nam có chỉ số TTĐT năm 2015 là 37%, chỉ số này tương đương với Thái Lan, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia (45%) hay Malaysia (47%) và thấp hơn nhiều so với các nước có chỉ số TTĐT cao ở châu Á như Singapore (55%), Trung Quốc (60%) hay Hàn Quốc (70%)…
Theo TS. Nguyễn Thị Nhiễu, phát triển dịch vụ TTĐT ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản lớn, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, đầy đủ và đồng bộ, các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ TTĐT còn yếu và thiếu, trình độ phát triển kinh tế, xã hội còn thấp, trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế, thói quen thanh toán tiền mặt và sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với TTĐT...
Từ nghiên cứu kinh nghiệm của ba nước lựa chọn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và trên cơ sở thực tiễn phát triển của TMĐT và TTĐT ở Việt Nam hiện nay, TS.Nhiễu khuyến nghị, cần nhận thức rõ vai trò quan trọng quyết định của chính phủ đối với phát triển dịch vụ TTĐT của một quốc gia.
Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển TTĐT. Trong đó, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự giám sát hợp lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống TTĐT sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới doanh nghiệp vào hệ thống TTĐT.
Thứ ba, cần tăng cường điều phối, hợp tác chính sách phát triển dịch vụ TTĐT trong nước và quốc tế, liên quốc gia, liên ngành. Điều này xuất phát từ thực tế, TTĐT là phương thức thanh toán cho mọi hàng hóa và dịch vụ được mua bán qua internet, liên quan tới mạng lưới khách hàng trên phạm vi toàn cầu.
Thứ tư, Chính phủ cần đầu tư trực tiếp và có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho TTĐT.
Thứ năm, Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển các thị trường tiềm năng ứng dụng TTĐT như thị trường giao thông vận tải: hệ thống đường cao tốc, tàu điện ngầm, trên cao, hệ thống giao thông công cộng…
Thứ sáu, tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin TTĐT.
Cuối cùng, nhưng không thể thiếu đó đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, tăng cường quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn trong toàn xã hội để TTĐT trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc với người dân và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ TTĐT.
Theo Lao động