Vì sao Tổng Bí thư trăn trở về sự “xấu hổ” trong cán bộ, đảng viên?

Minh Hòa 05/07/2018 06:26

Một khi, cán bộ đã tha hóa về đạo đức mà không kịp thời được ngăn chặn, xử lý thì mọi cố gắng để có một bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng là điều không tưởng.

Tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, phải xây dựng ý thức tự giác phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra tình trạng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ. Người đứng đầu Đảng ta cũng trăn trở, trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai?

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư lại đặt ra câu hỏi như vậy trong tình hình hiện nay. Bởi trong thời gian vừa qua, hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược; hàng loạt đại án được đưa xét xử, suy cho cùng, nguyên nhân cũng là từ sự suy thoái đạo đức, từ việc không biết “xấu hổ” của cá nhân mà ra.

"Tham nhũng vặt” diễn ra ở nhiều nơi, biến tướng dưới nhiều hình thức.

Không biết “xấu hổ” dẫn đến việc người ta ngang nhiên “ăn cắp” của công từ những thứ vật chất “nho nhỏ”, mà trong nhiều văn bản của Đảng và trong các hội nghị Tổng Bí thư cũng đã gọi đó là thói “tham nhũng vặt”.

“Tham nhũng vặt” diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trong các cơ quan công quyền, biến tướng dưới nhiều hình thức. Đó là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đó là tình trạng làm gì cũng phải có phong bao phong bì, lót tay, gợi ý...

Trong một lần tiếp xúc cử tri ở quận Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng, không chỉ có tham nhũng lớn, mà “tham nhũng vặt” như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu”, đồng thời chỉ đạo, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Không biết xấu hổ từ việc thích phô trương, hình thức. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã “chỉ mặt, đặt tên” 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức của cán bộ. Trong đó chỉ ra rất rõ tình trạng tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức, tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh. Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu"…

Vụ án Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình về việc suy thoái, không biết “xấu hổ” khi ông ta liên tục chạy thành tích, chạy khen thưởng, thích chơi trội khác người, đi lại bằng xe sang 5,7 tỷ biển số giả từ tiền mồ hôi nước mắt của dân…

Không biết “xấu hổ” trong việc kê khai tài sản. Theo con số của Thanh tra Chính phủ, trong số 1 triệu người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, chỉ phát hiện 4 người không trung thực. Những con số này cho thấy việc kê khai tài sản hiện nay mới chỉ là hình thức, người kê cứ kê, không ai giám sát, kiểm tra, chỉ phát hiện sai phạm khi cơ quan thanh tra vào cuộc.

Đã có trường hợp cán bộ có biệt phủ, khi cơ quan thanh tra vào cuộc, họ giải thích tài sản có được từ việc bán chổi đót, nuôi heo mà có, có người thì lý giải là được mẹ nuôi, em nuôi cho tặng... Đã có trường hợp cán bộ kê khai tài sản có trị giá không quá 50 triệu đồng, nhưng thực tế chồng, vợ, con hoặc người thân lại đang sở hữu khối tài sản khổng lồ. Và cũng đã có một vài trường hợp cán bộ cấp cao bị xử lý vi phạm về kê khai tài sản… Tình trạng này cũng bắt nguồn từ sự thiếu trung thực, từ việc không biết “xấu hổ” của bản thân người kê khai.

Không biết xấu hổ từ việc phê và tự phê. Người ta lợi dụng các cuộc họp để biến các cuộc phê và tự phê thành các cuộc phê bình “khen ngợi”, phê bình nhau thì ít, tâng bốc nhau để có mình trong đó thì nhiều. Hoặc nhiều người lại ngại khi phê bình người khác vì sợ bị trù dập, sợ ảnh hưởng đến lợi ích của mình.

Nhận thức rõ tình trạng này, trong nhiều Nghị quyết của Đảng và mới đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã chỉ rõ, việc tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; đồng thời kiên quyết tìm giải pháp để chấm dứt tình trạng này.

Không biết xấu hổ khi đứng trước những cám dỗ vật chất. Nhiều người đã không ngần ngại khi nhận lót tay hàng tỷ đồng, nhận nhà, nhận xe sang… để rồi khi bị xử lý kỷ luật, hoặc khi ra trước vành móng ngựa, mọi người mới vỡ ra rằng, họ “biếu, tặng” nhau hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, toàn tiền mồ hôi nước mắt của dân mà cứ thản nhiên như không.

Nhiều vụ án đã và đang được đưa ra xét xử như "đại án" nhận tiền lót tay tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, vụ án Dương Chí Dũng, vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng… mới thấy số tiền người ta “lót tay” nhau lên tới hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Cũng từ việc không biết xấu hổ, nhiều người sẵn sàng bao che cho nhau, “lợi ích nhóm”, xử lý cán bộ vi phạm một cách hình thức, thậm chí có cán bộ vi phạm bị “kỷ luật” bằng cách chuyển lên chức vụ khác cao hơn. Trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp cán bộ tiếp tay, dung túng, bao che cho những cán bộ sai phạm đã bị Ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị xem xét xử lý kỷ luật.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ phải có đức và tài, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì không thể làm được việc gì. Sự xuống cấp về đạo đức và lối sống là biểu hiện quan trọng nhất dẫn đến sự tha hóa.

Vì thế một khi, cán bộ đã tha hóa về đạo đức mà không kịp thời được ngăn chặn, xử lý thì mọi cố gắng để có một bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng là điều không tưởng./.

Theo vov.vn
Copy Link
Vì sao Tổng Bí thư trăn trở về sự “xấu hổ” trong cán bộ, đảng viên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO