Kinh tế

Vì sao tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An đạt thấp?

Quang An 03/12/2024 09:23

Tiêm vắc-xin được xem là pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, nhưng thực tế hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin này trên địa bàn Nghệ An đang rất thấp.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh từ giữa năm 2024, đến nay, mặc dù dịch cơ bản hạ nhiệt, tuy nhiên, thiệt hại đã gây ra đối với người chăn nuôi rất lớn. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện hơn 250 ổ dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy hơn 10.000 con, với tổng trọng lượng trên 400 tấn, thiệt hại hàng tỷ đồng.

bna_2.jpg
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Q.A

Bên cạnh các giải pháp về khoanh vùng dập dịch, tiêu hủy lợn bệnh, lập chốt kiểm dịch hay khử trùng diệt khuẩn thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh được đánh giá là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ tổng đàn, ngăn chặn dịch lây lan.

Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Nghệ An đạt mức rất thấp. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 1 triệu con lợn thì từ năm 2024 đến nay, mới chỉ tiêm được hơn 6.000 liều vắc-xin.

Cụ thể, các địa phương đã được tiêm phòng vắc-xin bao gồm: Đô Lương 1.110 liều, Nam Đàn 230 liều, Diễn Châu 120 liều, Yên Thành 1.395 liều, Thanh Chương 80 liều, Nghi Lộc 80 liều, Hưng Nguyên 550 liều, Quỳ Châu 100 liều, TP. Vinh 10 liều, Anh Sơn 10 liều, Quỳnh Lưu 10 liều… Ngoài ra, các trang trại, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã đặt mua vắc-xin để tiêm phòng với số lượng hơn 2.300 liều. Có thể thấy đây là con số rất khiêm tốn so với tổng đàn lợn trên địa bàn.

bna_3.jpg
Tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Q.A

Đơn cử như tại huyện Tân Kỳ, theo Báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, tổng đàn lợn trên địa bàn khoảng 65.000 con, tuy nhiên, chưa có hộ dân nào tiêm vắc-xin phòng bệnh. Từ tháng 9/2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy tại 47 hộ thuộc 7 xã, phải tiêu hủy hơn 400 con, với tổng trọng lượng trên 24 tấn.

Tại huyện Anh Sơn, dù là địa phương từng có dịch diễn biến phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh, nhưng số lượng lợn được tiêm phòng vắc-xin chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong năm 2023, toàn tỉnh cũng chỉ tiêm được 1.728 liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi tại 4 huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Hưng Nguyên và Yên Thành.

bna_1.jpg
Giá thành vắc-xin cao là một trong những rào cản với người chăn nuôi. Ảnh: Q.A

Có nhiều nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tiêm phòng vắc- xin dịch tả lợn châu Phi đạt mức thấp. Đầu tiên phải kể đến loại vắc-xin này chỉ tiêm cho những con lợn thịt đủ kiều kiện. Cụ thể, vắc-xin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sử dụng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên; vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y NAVETCO là lợn thịt từ 8 - 10 tuần tuổi; các loại vắc-xin này không tiêm cho lợn nái và lợn đực giống.

Ngoài ra, đây còn là những loại vắc-xin mới, giá bán cao (trung bình 60 nghìn đồng/liều). Trong khi thời gian qua, chi phí chăn nuôi tăng cao, không ít người nuôi bị thua lỗ, tình hình dịch bệnh chưa ổn định nên tâm lý nhiều người dân chưa muốn đầu tư. Nhiều chủ cơ sở chăn nuôi còn hoài nghi vào hiệu quả, khả năng bảo hộ, miễn dịch của vắc-xin. Các địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ để người chăn nuôi tiêm phòng vắc- xin; chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng chưa rõ ràng. Đặc biệt, cơ quan chức năng chưa đưa vắc-xin dịch tả lợn châu Phi vào chương trình, kế hoạch tiêm phòng bắt buộc như các vắc-xin dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng...

Ông Nguyễn Văn Thành - chủ trang trại tại huyện Diễn Châu cho biết: Gia đình đang có hơn 100 con lợn thịt, với giá thành hơn 60.000 đồng/liều thì nếu tiêm phòng cả tổng đàn sẽ phải tiêu tốn hơn 6 triệu đồng, đây là số tiền không hề nhỏ. Do đó, hiện nay gia đình chưa tiêm đồng loạt mà chủ yếu siết chặt các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Các lực lượng kiểm soát phương tiện ra vào vùng dịch. Ảnh: Quang An
Các lực lượng kiểm soát phương tiện ra, vào vùng dịch. Ảnh: Quang An

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, không khí nồm ẩm tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển lây lan, giá lợn hơi tăng cao, đặc biệt, nhu cầu thịt lợn Tết của người dân rất lớn nên người chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng tái đàn. Nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng còn rất cao.

Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp rất quan trọng, cần khuyến khích người chăn nuôi đầu tư để bảo vệ tổng đàn, trách dịch lây lan. Đồng thời, kết hợp với các biện pháp khác như: Bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bổ sung kháng thể, tiêu độc, khử trùng chuồng trại...

Mới nhất

x
Vì sao tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An đạt thấp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO