Việc làm cho lao động hồi hương – Kỳ 1: Thích ứng hoàn cảnh mới

Ngày 3/8/2021, chị Lệ (SN 1985), trú thị trấn Nam Đàn (Nam Đàn) và 3 con nhỏ là những công dân đầu tiên của Nghệ An được ưu tiên trở về quê trong chuyến bay “0 đồng” do tỉnh tổ chức. Đây cũng là một trong ít trường hợp của huyện Nam Đàn nhận được sự ưu tiên này vì hoàn cảnh của chị Lệ lúc bấy giờ đặc biệt khó khăn với một nách 3 con, cháu út chỉ mới 8 tháng tuổi. Gần 10 năm vào Nam làm việc, chưa bao giờ chị Lê và các thành viên khác trong gia đình lại nghĩ mình phải rơi vào hoàn cảnh khốn khó như vậy. Dịch bệnh bất ngờ bùng phát ở phía Nam và tâm điểm là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khiến cho chồng chị – một lái xe vận chuyển phải nghỉ việc liên tục nhiều tháng liền. Bản thân chị, quán ăn nhỏ trên đường Dương Đình Hội (quận 9, thành phố Thủ Đức) cũng phải đóng cửa. 4 tháng giãn cách xã hội, 5 thành viên trong gia đình chị sống trong một căn phòng chưa đến 10 m2, chị lại vừa sinh con nên mọi áp lức, bí bách đội lên gấp bội. Hoàn cảnh đó, lần đầu tiên chị và anh đã nghĩ đến việc về quê nhưng không phải để tránh dịch mà là về lại quê nhà để “an cư”. May mắn thay, nguyện vọng của gia đình đã được thực hiện.

Người lao động trong một lớp học nghề nấu ăn
Người lao động trong một lớp học nghề nấu ăn

Trở lại quê nhà chưa được 1 tháng, thì đầu tháng 9, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nam Đàn mở một lớp học nghề ngắn hạn nấu ăn cho người lao động hồi hương, lúc này dù con còn nhỏ nhưng chị Lệ vẫn quyết tâm xin học và hào hứng “xin làm lớp trưởng” để được học nghề. Sau 3 tháng theo học, với sự chịu khó, quyết tâm, chị Lệ tự tin nói rằng “Tôi đã nấu thành thạo 37 món các giáo viên hướng dẫn” và cùng với sự hỗ trợ từ gia đình nội, ngoại, cuối tháng 11 chị thuê mặt bằng, dựng ốt và mở hàng ăn. Chia sẻ thêm về quyết định này, chị Lệ cho hay: Chúng tôi cũng xác định, thời gian tới để ổn định cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, nhưng giờ về quê chúng tôi đã đỡ vất vả được phần nào. Tôi đang được xã làm thủ tục cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách và sắp tới sẽ tiếp tục nỗ lực để sớm ổn định ở quê nhà.

Trên địa bàn thị trấn Nam Đàn từ đầu năm 2021 đến nay có 121 lao động từ miền Nam trở về. Sau thời gian cách ly, đến nay các lao động đã bắt đầu ổn định lại cuộc sống với nhiều hình thức khác nhau, ngoài những lao động đã chọn cách lập nghiệp ở quê nhà, có nhiều lao động bắt đầu trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. Anh Nguyễn Sơn Nam (nhà ở xóm Quy Chính) là lao động có nhiều năm làm việc tại Đài Loan và sau đó là thành phố Hồ Chí Minh với nghề chính là sản xuất đá hoa cương. Giữa tháng 8, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, anh Nam và một số anh em cùng quê đã thuê xe để về nhà. Tuy nhiên, cuối tháng 11 anh đã trở vào Nam để làm việc sau khi việc sản xuất, kinh doanh ở các địa phương đã chuyển sang trạng thái mới. Nói thêm về điều này, anh Nam cho rằng: Hiện tại ở địa phương có khá nhiều công việc nhưng lĩnh vực của tôi lại chưa có nhà máy. Do đó, vào phía Nam dễ kiếm công việc ổn định và thu nhập cao hơn.

Anh Nguyễn Trần Chiến quê huyện Nam Đàn hiện đang quản lý khoảng 200 lao động của xã tại tỉnh Lâm Đồng cho biết: Công ty chúng tôi làm việc thuộc lĩnh vực xây dựng nên thời gian qua dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty. Vì thế, sau một thời gian ngắn về quê tránh dịch, nay anh em trong xã đã trở lại Lâm Đồng làm việc bình thường. Tất cả người lao động cũng đã được tiêm phòng đầy đủ nên người lao động đã phần nào bớt lo lắng về dịch bệnh.

Sau hơn 10 năm làm việc tại tỉnh Bình Dương, anh Hà Văn Nghiệp ở bản Làng Yên, xã Môn Sơn (Con Cuông) cũng đã xây dựng cho mình được một căn nhà khang trang, lo đủ cho cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay, anh Nghiệp ở lại quê vì dịch bùng phát và công việc của anh cũng bị gián đoạn. Do ở huyện Con Cuông không có nhà máy lớn nên anh Nghiệp không thể  tìm được công việc ổn định. Mặc dù vậy, anh vẫn không quá lo lắng, bởi mùa này đang là mùa thu hoạch các loại cây lâm nghiệp như keo, mét nên dù làm thuê anh cũng không lo hết việc. Anh Nghiệp cũng cho biết: Mỗi ngày đi thu hoạch keo chúng tôi được trả từ 250.000 – 300.000 đồng, tuy không thể bằng các tỉnh phía Nam nhưng vẫn đủ để trang trải cuộc sống. Từ giờ đến cuối năm, việc nhiều nên tôi không quá lo lắng. Hơn nữa được ở nhà, gần vợ, gần con nên đỡ được phần nào chi phí.

Chỉ trong tháng 10/2021, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm xuống tận từng xã, thị trấn và tạo thành “Tuần lễ việc làm” thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Trong số này, có rất nhiều lao động là lao động ở các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Kỳ Sơn là một trong những huyện có số lao động từ miền Nam trở về rất đông và điều đó tạo áp lực cho huyện khá lớn trong việc giải quyết việc làm tại chỗ. Chính vì thế, việc kết nối để mở các phiên giao dịch việc làm trong thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực với người dân huyện nhà, giúp người lao động có nhiều thông tin về việc làm và tìm các cơ hội làm việc trong và ngoài nước.

Phiên giao dịch việc làm tại huyện Tương Dương
Phiên giao dịch việc làm tại huyện Tương Dương

Trên toàn tỉnh, trong hơn 2 tháng trở lại đây, hàng chục phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức tại nhiều địa phương với hàng chục nghìn cơ hội việc làm cho người lao động. Nét mới của các phiên giao dịch việc làm trong thời điểm này đó là đưa việc tận tay đến người lao động. Bên cạnh đó, có nhiều chính sách ưu tiên cho người lao động hồi hương và lao động có tay nghề.

Về phía các doanh nghiệp, trước con số hơn 75.000 lao động trở về, nhiều doanh nghiệp cũng đã xem đây là cơ hội để tuyển dụng lao động. Ông Tạ Đình Hùng – Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Vàng, Nhà máy giày Nam Đàn cho biết: Hiện nay, công ty chúng tôi đang có 700 lao động làm việc và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm 200 lao động khác. Hiện chúng tôi ưu tiên tuyển dụng những lao động trẻ tuổi và sẵn sàng đào tạo miễn phí cho người lao động.

Trường Đại học Hồng Lam đào tạo nghề may tại chỗ cho lao động nông thôn
Trường Đại học Hồng Lam đào tạo nghề may tại chỗ cho lao động nông thôn

Ở lĩnh vực may mặc, nhu cầu việc làm cũng đang tăng cao, bởi hiện nay có hàng chục công ty may trên địa bàn. Trong khi đó, số lao động từ trước đến nay tại các huyện chưa đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh đến nay đã có hơn 4.000 vị trí việc làm nghề may mặc của các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh -Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH KYDO Đô Lương cho biết: Chúng tôi đang cần mở rộng thêm 5 chuyền sản xuất và cần khoảng 1.000 lao động. Hiện tại lượng lao động từ miền Nam về rất nhiều và trong số này chúng tôi rất muốn tuyển dụng được những lao động có tay nghề.