Việc làm cho lao động hồi hương – Kỳ cuối: Giải quyết căn cơ thực trạng thừa việc thiếu người

Để có được  hội chợ việc làm tại các huyện vùng cao Kỳ Sơn và Tương Dương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyến khảo sát thăm dò tổng hợp nhu cầu việc làm của người lao động trên các địa bàn. Với 5.000 lao động hồi hương từ tâm dịch các tỉnh phía Bắc, phía Nam từ khoảng cuối tháng 4/2021 đến nay, Kỳ Sơn đã nỗ lực tìm hiểu nhu cầu việc làm của lao động để kịp thời ban hành đề án giải quyết việc làm, theo đó, đối với từng nhóm nhu cầu, huyện sẽ đề xuất những nhóm vị trí việc làm phù hợp.

Phiên giao dịch việc làm tại huyện Kỳ Sơn
Phiên giao dịch việc làm tại huyện Kỳ Sơn

Ông Lê Hồng Lập – Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: Chúng tôi đã chia nhỏ nhóm để có cơ chế tuyên truyền hỗ trợ vốn vay và đặc biệt là chủ động kết nối những cơ hội việc làm cho lao động có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nhu cầu lao động cần theo các đơn đặt hàng của Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp có kết nối với huyện vẫn còn ít. Cũng theo ông Lập, huyện chỉ mới ghi nhận được tầm gần 1.000 lượt lao động đến tham gia hội chợ giao dịch việc làm. Theo ông Lê Hải Dương – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thì hiện Trung tâm đã tiếp nhận danh sách tìm việc của 25 lao động TX. Thái Hòa, 38  lao động Con Cuông, 14 lao động Quỳnh Lưu, 782 lao động Quế Phong, 3 lao động TX. Cửa Lò. Đặc biệt hơn 70% lao động trong số này  không có nhu cầu tiếp nhận các vị trí việc làm do Trung tâm giới thiệu và kết nối.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm cho hay:  Trên thực tế người lao động chưa thực sự quan tâm tham gia các buổi tư vấn, dẫn đến việc thiếu thông tin về thị trường lao động; hơn nữa một số địa phương chưa đẩy mạnh công tác khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động; thông tin khảo sát còn thiếu chính xác. “Khi chúng tôi đặt những băn khoăn này, nhiều cán bộ chính sách tại địa phương cho biết người lao động hầu hết là đồng bào dân tộc, vừa di chuyển về địa phương, vừa cách ly xong, nên tâm lý đang còn e dè, cũng có phần nhiều lao động do tết Nguyên đán đang đến gần nên có tâm lý muốn ở nhà, “ăn Tết xong rồi tính ”, ông Dương nói.

Công tác kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động cũng được các doanh nghiệp tích cực chủ động. Điển hình như Công ty Dịch vụ việc làm và Xuất khẩu lao động Kazzen với các thị phần việc làm cả trong và ngoài nước, hiện Công ty này đang phối hợp với các địa phương như các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nghi Lộc là các địa phương có lao động hồi hương nhiều, để “việc tìm đúng người”. Bà Trịnh Thị Huyên – Giám đốc Công ty cho biết: Hiện chúng tôi đã có kết nối được với hàng chục đơn vị doanh nghiệp trong nước với nhu cầu việc làm lên tới khoảng 9.000 vị trí. Tuy nhiên hiệu quả còn chưa được như mong muốn. “Sở dĩ như vậy là bởi chính quyền địa phương một số nơi còn chưa nhiệt tình trong việc rà soát phân loại nhu cầu. Người lao động có tâm lý e ngại, thích tìm việc theo các kênh riêng, như bạn bè, hàng xóm, hoặc xu hướng quay lại nơi cũ. Thế nên việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm còn ít gây được sự chú ý cho lao động địa phương, nhất là thị phần lao động về quê trong đợt dịch vừa qua”.

Phiên giao dịch việc làm tại huyện Tương Dương cuối tháng 10 vừa qua
Phiên giao dịch việc làm tại huyện Tương Dương cuối tháng 10 vừa qua

Đối với thị trường lao động ngoài nước, bà Huyên cho hay, năm nay Công ty bà mới chỉ đưa được 600 lao động ra nước ngoài, chỉ bằng 1/10 so với thị phần của năm trước khi có dịch. “Năm nay chúng tôi đang mở rộng thị trường ra các nước châu Âu, đặc biệt là thị phần du học ở nước Đức hoặc một số nước vùng Đông Nam Á, bên cạnh đó là những thị trường lao động quen thuộc như Đài Loan, Singapore… Tuy nhiên, hiện tại số lượng lao động đăng ký xuất khẩu lao động còn thấp.”

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH, từ đầu năm 2021 đến nay có trên 100.000 người  công dân đã trở về từ vùng dịch. Trong đó: Số lao động trở về từ vùng dịch là 75.858 người chiếm 75.85% trên tổng số công dân trở về quê. Trong số này có 30.566 lao động muốn ở lại địa phương tự làm việc hoặc chưa sẵn sàng trở lại làm các công việc trước đây (chiếm 40,29% số lao động về quê).

Theo khảo sát của Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam, Trung tâm dịch vụ việc làm, UBND các huyện, thành phố, thị xã, hiện có 278 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng gần 68.000 vị trí việc làm trống. Một số doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty CP tập đoàn An Hưng, Công ty TNHH Matrix Vinh, Công ty TNHH KiđoVinh… Cụ thể: Có 230 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tuyển 37.554 lao động. Trong đó: Trong KCN có 45 doanh nghiệp cần tuyển 14.171 lao động; Ngoài KCN có 185 doanh nghiệp cần tuyển 23.383 lao động; Có 48 doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký tuyển 30.362 lao động.

11 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 36.999/45.292  lao động  hồi hương có việc làm mới. Trong số này chỉ có  9.089 người làm việc trong doanh nghiệp và khu công nghiệp; có 17.402 người tự tìm việc làm; 10.485 người đã trở lại làm việc tại đơn vị cũ; có 23 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đào tạo định hướng và ngoại ngữ cho lao động tại Công ty Dịch vụ Việc làm và XKLĐ Kazzen
Đào tạo định hướng và ngoại ngữ cho lao động tại Công ty Dịch vụ Việc làm và XKLĐ Kazzen

Nói về nguyên nhân vì sao số lao động tìm được việc làm phù hợp tại các khu công nghiệp còn rất ít, ông Lê Hải Dương- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Trên thực tế lao động vẫn có tâm lý thiếu tin tưởng với các chính sách của các doanh nghiệp địa phương, khác nơi làm cũ của mình. Một số khác khi chuyển đổi công việc để phù hợp với nhu cầu việc làm tại địa phương thì thiếu tự tin vì tay nghề không phù hợp.

Về vấn đề này, ông Tạ Đồng Hùng – Trợ lý Giám đốc Công ty Đỉnh Vàng chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đóng tại huyện Nam Đàn cho biết: Hiện chúng tôi đang thiếu khoảng 250 vị trí việc làm và mong muốn tuyển lao động huyện nhà, tuy nhiên nếu lao động ngoài 25 tuổi chúng tôi mong muốn tuyển dụng những lao động có tay nghề. Nhưng đến nay sau nhiều tháng chiêu sinh công ty vẫn thiếu 200 vị trí. Đa số lao động mà chúng tôi tuyển dụng được đều phải đào tạo ba tháng, và đến nay chúng tôi vẫn chưa có công nhân có tay nghề để hoàn thiện các quy trình đầu cuối. Đơn vị chỉ mới hoàn thiện được khâu sản xuất đế giày rồi chuyển ra công ty đóng ở Hải Phòng để hoàn thiện phần tiếp theo.

Thiếu lao động có tay nghề và kinh nghiệm đang là vấn đề khó trong công tác tuyển dụng ở các doanh nghiệp như cơ khí, linh kiện điện tử, sản xuất giày da. Bà Trịnh Thị Huyên – Giám đốc Công ty Kazzen cho biết thêm: Lao động có tay nghề thường có xu hướng vào làm việc tại nơi cũ vì họ được hưởng các chính sách ưu đãi tương đối tốt. Còn các lao động phổ thông họ cũng có xu hướng đi theo phong trào, và tính chất tự phát, tự do cao, nên khi “việc tìm đến người” họ cũng không mặn mà.

Với 17.402 lao động tự tìm được việc làm, chính quyền địa phương các huyện cho rằng, sau khi bôn ba trong Nam ngoài Bắc, nhiều lao động có ý định an cư, họ muốn được sản xuất kinh doanh tại địa phương. Ông Nguyễn Hồng Hải – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn chia sẻ: “ Hiện thị trấn có rất nhiều tổ đội thợ nề, với ngày công lên tới 300 – 400 ngàn đồng/ ngày, hoặc có nhiều làng nghề đang cần lao động với thu nhập tương đối ổn như làng nghề bún bánh và làng nghề mộc Quy Chính… Thị trấn cũng có nhiều lao động hồi hương tìm hướng kinh doanh và mở mới các dịch vụ thương mại. Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng An toàn Lao động và Việc làm, Sở LĐ,TB & XH cho rằng: Nếu lao động trở về từ vùng dịch không còn nguyện vọng quay trở lại nơi làm việc cũ, muốn ổn định cuộc sống tại địa phương, thì cần chủ động tiếp cận với các thông tin về thị trường lao động, việc làm để lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp, không nhất thiết “Ly nông” phải “ly hương”.

Để có giải pháp giúp người lao động tìm việc làm phù hợp Sở LĐ,TB & XH nêu rõ: Ngành lao động các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin, kế hoạch tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam; có kế hoạch hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc cũ trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong tình hình mới, thích ứng linh hoạt trong sản xuất kinh doanh đồng thời phòng, chống dịch COVID-19. Cũng cần có cơ chế tiếp cận với các gói vốn vay giải quyết việc làm, để lao động không tiếp cận với các doanh nghiệp, nhà máy có tư liệu sản xuất lâu dài.