Việc xả lũ của các nhà máy thủy điện làm nóng cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh Nghệ An

Đào Tuấn 23/08/2018 12:38

(Baonghean.vn) - Sáng 23/8, cuộc họp UBND tỉnh tháng 8 trở nên sôi nổi với nhiều phản ánh, chia sẻ, tranh luận của các đại biểu về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và quy trình vận hành xả lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Thu ngân sách vẫn thấp so với dự toán

Kỳ họp lần này UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về 10 nội dung, trong đó có các báo cáo về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách tháng 8, nhiệm vụ giải pháp tháng 9; Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kết quả thực hiện phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập…

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh điều hành cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Phát biểu gợi mở tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Đường yêu cầu đại biểu tập trung thảo luận về công tác khắc phục hậu quả bão lụt, nhất là sau cơn bão số 4. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cũng cho biết, đến thời điểm này, nhiều trường học bị hư hỏng vẫn chưa thể khắc phục, ảnh hưởng đến hoạt động của năm học mới; hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật vẫn bị sạt lở, ách tắc nhiều điểm. Đánh giá cao các địa phương đã chủ động huy động lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn tích cực, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ngành phân tích, làm rõ nguyên nhân và bài học trong phòng chống mưa lũ, nhất là công tác khắc phục cơn bão số 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Đào Tuấn
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Đào Tuấn

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu, đánh giá công tác thu ngân sách tháng 8, theo đó thu ngân sách tháng 8 tuy tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với dự toán, ngoài ra tiến độ xúc tiến đầu tư vẫn còn chậm, nhất là liên quan đến thủ tục hành chính, thu hồi các dự án; công tác cải cách hành chính tại một số cơ quan chưa tốt…

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN& PTNT phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Xả lũ thủy điện có gây ngập lụt?

Tham gia thảo luận đầu tiên tại cuộc họp, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ hè thu vừa qua diện tích sản xuất nông nghiệp đã được phủ kín, tuy nhiên trong tháng 7 và tháng 8 xảy ra 2 cơn bão gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các địa phương.

Đặc biệt hoàn lưu của cơn bão số 4 đã gây mưa lớn trên khu vực miền Tây Nghệ An gây lũ lụt, ngập úng tại nhiều địa bàn. Ông Hiếu thông tin, đã có 5.100 ha lúa và hoa màu của người dân bị ngập, khoảng 300 - 500 ha lúa của đồng bào miền núi bị bùn đất vùi lấp cần thời gian để khắc phục. Đã có 6 người tử vong do mưa lũ, tổng thiệt hại ước tính gần 800 tỷ đồng. Để chủ động theo dõi tình hình thời tiết, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng đài quan trắc khí tượng thủy văn trên khu vực miền núi.

Khẳng định việc xảy ra ngập lụt có nguyên nhân của các công trình, nhà máy thủy điện, ông Hoàng Trọng Kim – Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, sau mỗi đợt xảy ra thiên tai, cần có đánh giá, báo cáo chi tiết, cụ thể thiệt hại về cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên cơ sở đó để đề ra giải pháp trước mắt và lâu dài. Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cũng đề xuất phải khảo sát quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Theo ông Hoàng Trọng Kim phải kiểm tra quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa, vì đây chính là mấu chốt dễ gây ra lũ lụt khi thiếu sự phối hợp đồng bộ.

bna_Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công thương cho rằng việc vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện trong những ngày qua không phải là nguyên nhân gây ta lũ lụt. Ảnh Đào Tuấn
Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng việc vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện trong những ngày qua không phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Ảnh: Đào Tuấn

Tranh luận về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương khẳng định hoạt động trong những ngày vừa qua của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ không phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt, ngập úng. Ông Tám cho biết, các nhà máy thủy điện trên dọc theo Quốc lộ 7 được xây dựng theo địa hình bậc thang, trong đó chỉ có Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là được thiết kế để cắt lũ cho hạ du. Chứng minh cho khẳng định của mình, ông Hoàng Văn Tám cho biết đợt vừa rồi, nếu Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ không cắt lũ đến 70% thì các huyện hạ du, đồng bằng sẽ ngập nặng.

Về vấn đề này, ông Lương Thanh Hải – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, phải phân biệt giữa xả lũ và lũ bình thường. “Xả lũ cũng giống như vỡ đập, còn lũ bình thường thì nó lên từ từ. Vì vậy những ai ở đằng sau đập khi xả lũ là bị ảnh hưởng ngay lập tức” - ông Hải khẳng định đồng thời thông tin thêm: “Nhà máy Thủy điện Khe Bố nếu xả tất cả các cửa theo thiết kế thì ngay phía sau hạ lưu nước sẽ dâng 13m, vừa rồi chưa lên đến 13m mà nó đã ngập cả đoạn Quốc lộ 7 hơn 2m. Phải khẳng định các công trình thủy điện và đợt lũ vừa qua là có liên quan”

Về giải pháp dự báo mưa lũ, ông Hải cho rằng các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn đủ sức làm được hệ thống thủy văn trên các hồ đập và khu vực sông suối miền núi, cơ sở xây dựng dựa vào các hệ thống mà người Pháp đã thực hiện hồi đầu thế kỷ XX. Nếu làm được điều này, các hồ đập thủy điện sẽ xác định được lúc nào tích nước, giới hạn nào thì xả nước, xả bao nhiêu… nhờ đó mà giảm được thiệt hại.

Đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đào Tuấn

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành cho biết, lâu nay đã có các nghiên cứu về cảnh báo ngập lụt ở lưu vực sông Lam và phần mềm để tính toán cường độ, mức lũ, phương án xả lũ. Vậy nên ông Trần Quốc Thành đề nghị tỉnh có cơ chế bắt buộc các chủ đầu tư, chủ công trình thủy điện, hồ đập lớn xây dựng trạm đo mưa, thủy văn, lắp đặt hệ thống cảnh báo nói trên để chủ động trong quy trình vận hành.

Đồng ý với quan điểm này, Đại tá Trần Văn Hùng – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn đề xuất tỉnh cũng cần có nghiên cứu lắp đặt hệ thống quan trắc, dự báo sớm trên khu vực miền Tây, nhất là cơ quan khí tượng thủy văn đồng thời phải dự báo thời tiết tại Lào – vùng biên giới giáp ranh với tỉnh ta để chủ động trong phòng, chống mưa lũ.

Sẽ kiểm tra chi tiết quy trình xả lũ của các thủy điện

Tại cuộc họp đã có 16 ý kiến phản ánh, tranh luận và đề xuất giải pháp về vấn đề vận hành hoạt động của các nhà máy thủy điện, tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ. Trong đó, phần lớn các đại biểu yêu cầu tỉnh cần sớm có cơ chế hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết, UBND tỉnh đã phân công đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức 2 tổ kiểm tra nhằm đánh giá sát đúng tình hình.

Trong đó, một tổ thực hiện giám sát, theo dõi quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện, nhất là đối với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Trên cơ sở đó xác định xem các nhà máy có thực hiện đúng quy trình hay không và rút kinh nghiệm cho những lần sau. "Thậm chí phải kiểm tra nhật ký vận hành xả lũ" - đồng chí Nguyễn Xuân Đường khẳng định.

Tổ còn lại theo Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, xác định mức thiệt hại cần hỗ trợ, và tỉnh cũng hỗ trợ sớm đối với các địa phương bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là những huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, Nghĩa Đàn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính cân đối nguồn để có cơ chế hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Đào Tuấn

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu Sở Tài chính sớm có giải pháp cân đối ngân sách hỗ trợ cho các địa phương, có thể ứng trước kinh phí và nếu cần phải dùng ngân sách dự phòng năm 2018 nhằm giúp các địa phương và người dân khắc phục hậu quả bão lụt.

Cũng trong buổi sáng 23/8, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về nhiều nội dung, trong đó tham gia đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 8, nhiệm vụ giải pháp tháng 9. Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Sở Y tế tỉnh báo cáo kết quả thực hiện phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập…

Việc xả lũ của các nhà máy thủy điện làm nóng cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO