Viên Sơn có một nghề nồi...

20/05/2016 22:32

(Baonghean) - Làng Viên Sơn (xã Viên Thành, huyện Yên Thành) vốn vùng đất cổ, nổi tiếng hiếu học. Nhưng để Viên Sơn được người ta nhớ đến nhiều thì lại với nghề làm nồi đất thăng hoa một thời...

Gia đình ông Khang “nồi đất” là người manh nha khôi phục lại nghề nồi đất truyền thống.
Gia đình ông Khang “nồi đất” là người manh nha khôi phục lại nghề nồi đất truyền thống.

Làng Viên Sơn nằm cạnh Quốc lộ 7 nay. Từ xa xưa, cư dân vùng đất cổ đã cùng nhau quần cư quanh chân rú Tròn, có lẽ vì vậy mà làng có tên Viên Sơn? Bây giờ làng Viên Sơn có gần 20 dòng họ sinh sống, nhưng khai lập ra làng là dòng họ Đặng. Ông tổ họ này là Đặng Hữu Sai làm tới chức Trung tướng, được triều Vua xưa cho hưởng lương vạn hộ; ông cũng là người có công lập ra nghề nồi đất ở làng Viên Sơn. Nhà thờ họ Đặng được xây dựng quy mô gồm ba tòa thượng điện, trung điện và hạ điện. Trong cuộc chiến tranh phá hoại năm 1969 phần thượng điện bị tàn phá, đến nay chỉ còn phần hạ điện.

Chẳng biết thuở ấy cụ Sai học được nghề ở đâu, hay vì thấy cuộc sống dân làng lam lũ nghèo khổ cụ đã “sáng tạo” ra nghề làm nồi đất, giúp dân có thêm nghề phụ để kiếm sống? Trong nhiều thế kỷ, nghề nồi đất đã gắn bó với biết bao thế hệ ở làng Viên Sơn. “Không ai biết nghề nồi đất có mặt vào năm nào, nhà thờ họ Đặng chúng tôi được xây dựng từ năm 1287 để thờ ông tổ nên nghề nồi đất chắc chắn phải có trước đó” - ông Đặng Hồng Trang (hiện là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Thành), cháu đích tôn đời thứ 19 của dòng họ Đặng cho biết.

In đậm trong ký ức của ông Trang là hình ảnh mẹ mình tảo tần quanh năm với nghề. Nghề nặn nồi đã giúp gia đình ông cũng như bao gia đình ở Viên Sơn có cuộc sống no ấm. Mờ sáng mỗi ngày, ông Trang cùng cánh đàn ông trong làng hò nhau đẩy xe cút kít lên tận Trù Sơn (Đô Lương), Nghi Văn (Nghi Lộc) lấy đất sét, rồi hì hục giẫm đất cho thật nhuyễn để mẹ nặn nồi. Và cũng bằng chiếc xe chở đất, họ đã đưa nồi đất của làng mình đi khắp mọi miền rao bán. Toàn bộ công việc nặn nồi do phụ nữ đảm nhiệm. Nghề làm nồi đất được mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu thật tự nhiên.

Trong nhiều thế kỷ, ở làng Viên Sơn, nhà nhà làm nồi đất, người người làm nồi đất, mỗi gia đình đều có một chiếc lò để nung nồi. Lò nung nồi đất được làm khá đơn giản, chồng đá hoặc gạch lên mấy lớp, có 4 cửa; người ta dùng những chiếc nồi bể, hỏng xếp một lớp làm bàn kê, sau đó xếp từng lớp nồi lên, vấn rơm rạ xung quanh nồi, lấy cọc tre chống giữ cho chắc chắn. Chiều chiều các gia đình lại đỏ lửa đốt lò, khói trắng bay cao, tỏa xa cả một vùng; mùi thơm của cây rành, cây vọt (nguyên liệu dùng đốt nồi) và mùi thơm dìu dặt làng quê. Mỗi mẻ người ta đốt được khoảng 300 chiếc nồi, đốt từ 3 - 4 tiếng đồng hồ thì nồi “chín”. Các sản phẩm đặc trưng của làng Viên Sơn đủ loại lớn nhỏ: sanh, nồi rang, ấm sắc thuốc, ấm tiền…

Nhu cầu về nguyên liệu làm nồi đã hình thành nên một đội ngũ chuyên đi lấy đất sét về bán lại cho nhân dân. Vào cuối giờ trưa, trên con đường dẫn về làng, từng đoàn xe cút kít nối đuôi nhau trở về. Người dân các vùng lân cận cũng đưa cây rành, cây vọt, rơm, rạ đến tận nơi để bán cho người dân làm nguyên liệu đốt lò.

Nghề làm nồi đất ở làng Viên Sơn đã trải qua những giai đoạn thăng hoa. Nếu như làng Viên Sơn chuyên làm nồi thì các làng Hậu Sơn, Yên Xá lại chuyên buôn nồi đất. Ông Bùi Trần Cẩm, người làng Hậu Sơn, khi làm quan ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã xin nhà Vua cho hai làng Hậu Sơn và Yên Xá được độc quyền buôn bán nồi đất và thu thuế ở bến Văn Điển (nay thuộc xã Vĩnh Thành).

Bến Văn Điển từ xa xưa đã là nơi dân buôn nồi đất tập trung đến đây để bán. Sau Cách mạng Tháng Tám, nồi đất làng Viên Sơn có điều kiện tỏa đi khắp nơi như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, có khi vào tận Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Việc buôn bán thuận lợi hơn khi xuất hiện xe thồ bằng sọt, nồi tiếp tục ra Bắc vào Nam trên những chuyến ô tô và trên những chuyến tàu chợ.

Bà Nguyễn Thị Mai (77 tuổi, xóm 6, làng Viên Sơn) có trên 30 năm gắn bó với nghề nặn nồi đất. Thuở mới 13 tuổi, bà Mai đã nối nghề làm nồi đất của nhà. Bằng sự thông minh nhanh nhẹn và bàn tay khéo léo, bà Mai nhanh chóng trở thành một trong những tay nghề có tiếng. Nồi của bà làm ra rất mịn, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bàn chân hàng ngày đẩy bàn xoay làm nồi sau mỗi mẻ lại lặn lội đi khắp chợ Lường, chợ Rạng, chợ Giát, chợ Si để bán. Mỗi chuyến chợ, bà gánh được chừng 30 - 40 chiếc nồi đất. Nhiều năm liền, bà Mai được mời đi dạy nghề làm nồi đất ở Thanh Hóa, được đi thăm quan ở các làng nghề gốm sứ ở miền Bắc. Bà nói: “Tôi được khen làm nghề giỏi chắc là vì nghề này đã có sẵn trong máu thịt từ lúc chưa kịp lọt lòng”.

...Nghề nồi đất làng Viên Sơn rồi cũng mất dần theo thời cuộc. Hình ảnh những chiếc xe thồ mang theo nồi đất quê hương âm thầm, lặn lội suốt ngày đêm tới các vùng miền xa xôi giờ chỉ còn trong ký ức của những con người nơi miền quê nghèo đầy nắng gió.

Cụ Nguyễn Thị Mai vẫn giữ chiếc bàn xoay trong nỗi nuối tiếc  khuôn nguôi với nghề nặn nồi đất.
Cụ Nguyễn Thị Mai vẫn giữ chiếc bàn xoay trong nỗi nuối tiếc khuôn nguôi với nghề nặn nồi đất.

Nhưng thật bất ngờ, khi làng nồi đất đã tàn lụi ngót nghét trên 30 năm, thì ông Nguyễn Vĩnh Khang, một người con làng Viên Sơn hiện đang manh nha lại nghề nồi đất. Trước kia, ông chuyên buôn những chiếc nồi đất quê mình mang đi bán khắp các tỉnh. Khi làng nghề mất đi, ông lại lặn lội lên Trù Sơn (Đô Lương) mua hàng về bán. 35 năm gắn bó với nghề buôn nồi, nhờ nhạy cảm trong nắm bắt cơ chế thị trường, ông vẫn tồn tại được với nghề nồi đất.

Ông Khang chia sẻ: “Trong mấy năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu dùng nồi đất trong các gia đình tăng cao, nhất là nhu cầu dùng nồi kho cá, kho thịt xuất khẩu rất lớn, tôi đã chủ động liên hệ các mối hàng, đưa thông tin lên mạng, nên bây giờ rất nhiều khách tự liên hệ đặt hàng”. Để đảm bảo cho các mối hàng, gia đình ông phải đi gom hàng ở Trù Sơn rồi ra tận Thanh Hóa. Nhưng đơn hàng mỗi ngày một lớn, việc gom hàng không đủ, nên từ năm 2014, gia đình ông quyết định bắt tay vào làm nồi đất. Hiện ông đã đầu tư lò đốt bằng điện giúp tăng năng suất lên nhiều lần…

Tin rằng sẽ có một ngày nghề nồi đất ở làng Viên Sơn lại được hồi sinh bởi những người con tâm huyết như thế.

Bài, ảnh: Lan Thái

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Viên Sơn có một nghề nồi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO