Viện trưởng Viện KSND Tối cao nêu giải pháp để cán bộ 'không thể, không dám, không muốn' tham nhũng
(Baonghean.vn) - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu giải pháp gồm 3 điểm: Trước hết, để không thể tham nhũng thì cần có cơ chế quản lý và hệ thống pháp luật chặt chẽ; có quy định chế tài trách nhiệm về quản lý Nhà nước; hiệu lực quản lý Nhà nước tốt để không bị lợi dụng...
Chiều 20/3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.
Toàn cảnh phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 20/3. Ảnh: Quochoi.vn |
RÀ SOÁT, SỬA ĐỔI ĐIỀU LUẬT VỀ XỬ LÝ HÌNH SỰ
Trả lời ý kiến của ĐBQH về quan điểm và các giải pháp thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định: Cá nhân đồng chí và ngành Kiểm sát xác định tiếp tục quyết tâm cao trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về việc đấu tranh hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhân dân đang mong muốn.
Trong chống tham nhũng cần phải xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Cái này càng xử lý nghiêm khắc, càng răn đe thì càng giáo dục tốt”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nói.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, theo đồng chí, có vấn đề đặt ra là trong thực tiễn các vụ án khi áp dụng pháp luật hiện nay có những trường hợp thực hiện do mệnh lệnh của cấp trên, hoặc do cấp trên gợi ý và cấp dưới phải chấp hành; do tham mưu không chính xác, không đầy đủ, nhưng cấp trên không kiểm soát được nên quyết sai; hoặc yếu tố rủi ro, bất cập ngoài dự kiến, bất khả kháng dẫn đến sai phạm.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu quan điểm: Nếu các đối tượng này chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả; thấy sai đã sửa, giúp cơ quan chức năng điều tra làm rõ các vụ án thì chỗ này áp dụng miễn, giảm, tha. Tuy nhiên, đối với luật hiện hành đang vướng.
Đồng chí dẫn chứng vụ Việt Á đã được nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền phân hóa thành 3 loại: xử lý nghiêm, giảm nhẹ và không xử lý hình sự (xử lý kỷ luật Đảng, xử hành chính).
Toàn cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đó là trong từng vụ án cụ thể với tính chất đặc biệt nghiêm trọng thì các cơ quan chức năng tham mưu đề xuất; còn tổng thể áp dụng cho các vụ án chưa có. Do đó, đồng chí đề nghị rà soát, sửa điều luật cụ thể về việc xử lý hình sự các trường hợp nêu trên.
Đồng thời, Đảng có Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, nêu rõ khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà sai thì không kỷ luật. Do đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị cần cụ thể hóa nội dung này bằng các quy định của pháp luật.
Liên quan đến giải pháp để cán bộ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu giải pháp gồm 3 điểm:
Trước hết, để không thể tham nhũng thì cần có cơ chế quản lý và hệ thống pháp luật chặt chẽ; có quy định chế tài trách nhiệm về quản lý Nhà nước, hiệu lực quản lý Nhà nước tốt để không bị lợi dụng.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Để không dám tham nhũng, đồng chí Lê Minh Trí cho hay, hiện nay, các cơ quan chức năng như Công an, Kiểm sát, Tòa án điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi nên có tác dụng răn đe rất lớn.
“Tôi tin rằng, chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã có tác động đáng kể vào tư tưởng những người có ý đồ vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Để không muốn tham nhũng, đồng chí Lê Minh Trí bày tỏ rằng, mặc dù thời gian qua có nhiều cố gắng nhưng với chế độ, chính sách cho cán bộ ở các cấp nói chung hiện nay thì để tự sống bằng đồng lương của mình còn khó khăn.
“Chúng ta đòi hỏi làm việc tốt, nhưng cũng phải nghiên cứu có lộ trình, giải pháp để có được chế độ, chính sách có thể đảm bảo được mức tối thiểu mà cán bộ an tâm công tác”, người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội, Chính phủ.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SẼ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VỀ CHẤT VẤN
Sau phiên trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực kiểm sát, phiên chất vấn đã tiến hành bế mạc sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao.
Trước đó, trong sáng 20/3, có 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi, 6 đại biểu phát biểu tranh luận đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chịu trách nhiệm trả lời chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, các vị ĐBQH từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã nêu câu hỏi phản ánh sát với diễn biến thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cùng các Bộ trưởng và trưởng ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã nghiêm túc, cầu thị và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các ĐBQH, thẳng thắn giải trình, làm rõ nhiều vấn đề.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị ĐBQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn; tán thành và ghi nhận các giải pháp cam kết của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các Bộ trưởng ngành tại phiên chất vấn. Căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn.