Việt Nam còn 800.000 tấn bom mìn sót lại từ chiến tranh
Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương.
Thông tin tại buổi họp báo ngày 31/3 nhân ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4), ông Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm xử lý bom mìn sau chiến tranh Việt Nam (VBMAC) cho biết: Theo ước tính, số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc.
Ông Nghiêm Đình Thiện thông tin tại buổi họp báo |
Tất cả 63/63 tỉnh thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,8 triệu ha, chiếm 20,7% tổng diện tích cả nước.
Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Chỉ tính riêng ở một số tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 người là nạn nhân của bom mìn, trong đó 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Đội rà phá bom mìn khoanh vùng rà phá trên dọc các sông. Ảnh tư liệu |
Theo đánh giá, nguyên nhân tai nạn chủ yếu xảy ra do người dân và trẻ em không có hiểu biết về xử lý về vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ. Đặc biệt, việc dò tìm lén lút phế liệu từ bom mìn cũng là một phần nguyên nhân chính làm tăng số lượng người tử vong và thương tích.
Thống kê cho thấy tai nạn do thu nhặt kim loại phế liệu chiếm tới 34%; do canh tác, chăn thả chiếm 27%; do đùa nghịch với vật liệu chiếm 21%...
Vừa qua, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động định hướng trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016 – 2020 và thí điểm đợt tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn tại Bình Định.
Mục đích chương trình nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh và cách xử lý khi gặp phải.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, giai đoạn 2016 – 2020 về công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng sẽ tập trung hỗ trợ cải thiện cuộc sống của nạn nhân, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống; phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|