Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự ủng hộ của Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Đức-ASEAN
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, Nhóm nghị sỹ hữu nghị là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội Đức với ASEAN và Quốc hội các nước thành viên ASEAN.
Nhân dịp dự Hội nghị Hamburg về Phát triển bền vững (HSC), ngày 10/10, tại trụ sở Quốc hội Liên bang Đức, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Đức-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà Gabriele Katzmarek và nhóm nghị sỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao vai trò và sự ủng hộ tích cực của bà Gabriele Katzmarek và Nhóm nghị sỹ hữu nghị trong việc thúc đẩy quan hệ Đức-ASEAN nói chung, quan hệ với Việt Nam nói riêng; khẳng định Nhóm nghị sỹ hữu nghị là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội Đức với ASEAN và Quốc hội các nước thành viên ASEAN, vì hòa bình và thịnh vượng của hai khu vực; đề nghị các nghị sỹ thúc đẩy Quốc hội Đức ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU; thúc đẩy Quốc hội Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm tạo động lực mới cho hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước; đồng thời, đề nghị các nghị sỹ ủng hộ hai Chính phủ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, công nghệ cao, y tế, hợp tác lao động.
Bà Gabriele Katzmarek và các nghị sỹ bày tỏ đánh giá tích cực về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế cũng như vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực; cho rằng quan hệ Đức-Việt Nam có bề dày lịch sử; tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực, hiệu quả trong quan hệ hai nước; khẳng định phía Đức hết sức coi trọng quan hệ với các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, với Việt Nam nói riêng, thể hiện qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức (năm 2022) và Tổng thống Đức (năm 2024).
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực như thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm, đặc biệt là đào tạo nghề song hành theo tiêu chuẩn Đức và hợp tác lao động trong bối cảnh Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào và Đức đang thiếu hụt nhiều lao động.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì hòa bình, ứng phó các thách thức toàn cầu, phát triển bền vững và thịnh vượng trên thế giới.
Về tình hình Biển Đông, hai bên nhất trí cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực./.