Việt Nam kiên định đường lối 'ngoại giao cây tre'

Vân Thắng 28/02/2023 12:04

(Baonghean.vn) - Ngày 23/2, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về xung đột Nga - Ukraine; qua kết quả thông qua nghị quyết, một số diễn đàn, mạng xã hội, một số cá nhân lại cố tình tái diễn những luận điệu xuyên tạc, suy diễn quan điểm của Việt Nam về cuộc xung đột này...

Những luận điệu sai trái, xuyên tạc đó cho rằng: Quan điểm của Việt Nam là “chung chung”, “không rõ ràng”, “tránh đối đầu”, là Việt Nam đã không đi theo số đông, một lần nữa cố tình tìm cách lựa chọn quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine; rằng quan điểm của Việt Nam về xung đột Nga - Ukraine đã “thụt lùi” thêm một lần nữa (?!).

Với những luận điệu trên, ở đây cần phải khẳng định lại: Quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga - Ukraine là rất khách quan và rõ ràng, đó là: Việt Nam kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters

Đáng tiếc hiện nay còn có nhiều người vẫn mơ hồ cho rằng: trong kỷ nguyên hiện đại phải biết và chọn cho mình một nước lớn để dựa vào mới có thể đảm bảo có người bảo vệ khi cần. Nhưng thực tế, thế giới luôn vận động và mọi mối quan hệ quốc tế cũng luôn biến đổi khó lường, khó đoán định; chỉ lợi ích quốc gia là vĩnh cửu trường tồn, vĩnh hằng bất biến. Bởi vậy, các nước lớn luôn nỗ lực thúc đẩy sự vận động đó theo chiều hướng lợi cho mình mà không quan tâm đến lợi ích của các quốc gia đồng minh - điều này là bản chất.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã khôn khéo cân bằng và trung hòa được mối quan hệ với tất cả các nước để không bị rơi vào vòng xoáy của bất cứ một quốc gia nào khác, ngược lại còn khẳng định vị thế vốn có của mình, đồng thời nêu bật những giá trị của hòa bình và công lý. Việt Nam trước sau luôn kiên định chính sách ngoại giao cây tre: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường và tuỳ cơ ứng biến, “lạt mềm (nhưng) buộc chặt”.

Từ chính sách ngoại giao đó, Việt Nam đã xây dựng chính sách về quân sự - kiên định quan điểm:

1. Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự.

2. Không liên kết với nước này để chống nước kia.

3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác.

4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Như vậy, rõ ràng, Việt Nam chỉ sử dụng quân đội của mình với một mục đích duy nhất là bảo vệ Tổ quốc. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Liên Hợp quốc về nhân đạo, bảo vệ hoà bình, giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá vì sự tiến bộ của nhân loại.

Từ chính sách đối ngoại kiên định sự trung lập về chính trị và quân sự, đề ra chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, theo phương châm “thêm bạn bớt thù” với tuyên bố: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” nên trong lĩnh vực kinh tế Việt Nam đã cân bằng hoàn hảo và xây dựng mối quan hệ kinh tế với rất nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại. Ảnh: Tư liệu

Đặc biệt nhất, Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận sau chiến tranh, nhưng nhờ thực hiện đường lối ngoại giao “cây tre” mà Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có "quan hệ đặc biệt", 17 nước "đối tác chiến lược" và 13 nước "đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế, như: LHQ, ASEAN, APEC, ASEM, WTO; CPTPP... Hiện nay, kinh tế đang ngày càng khởi sắc khi GDP năm 2022 tăng cao ở mức 8,02% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022.

Những siêu cường như: Mỹ, Nga, Trung hay cường quốc như: Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Pháp vốn sở hữu tiềm lực vượt trội về kinh tế, ngoại giao, khoa học và đặc biệt là quân sự. Những quốc gia nói trên có khả năng tạo ảnh hưởng, chi phối và định hình chính sách đối với các nước khác trên thế giới, cũng như chi phối sự vận động của các xu thế quốc tế và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Tuy nhiên trong quan hệ ngoại giao với họ, Việt Nam luôn đảm bảo tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào tình hình nội bộ của nhau, không liên minh quân sự, luôn giữ mối quan hệ hoà bình, thống nhất, cùng phát triển...

Tranh minh họa.

Việt Nam đã và đang đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả quan hệ đa dạng hoá, đa phương với các nước trên thế giới. Việt Nam không thực hiện việc lựa chọn quan hệ với nước này xem nhẹ mối quan hệ với nước khác. Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy với các nước trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam kiên định đường lối 'ngoại giao cây tre'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO