Việt Nam, Malaysia thiệt hại nhất châu Á vì dầu

17/02/2016 21:54

Giá dầu giảm lại khiến chi phí ròng mà Việt Nam phải chi cho các sản phẩm từ dầu tăng lên, do xuất khẩu suy yếu.

Từ tháng 6/2014, giá dầu thô thế giới đã mất 70%, ảnh hưởng lên nhiều quốc gia châu Á. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá Thái Lan là nước có lợi nhất. Còn Việt Nam và Malaysia là những nước ảnh hưởng tiêu cực nhất.

Châu Á là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất toàn cầu, với tổng nhập gần tương đương những nước còn lại trên thế giới. Các nước châu Á được xếp hạng tín nhiệm đều là nước nhập khẩu ròng, trừ Malaysia. Chi phí ròng (số tiền phải chi cho nhập khẩu trừ đi số thu được nhờ xuất khẩu) cho dầu đã giảm đáng kể từ năm 2013. Trong đó, Thái Lan, Hàn Quốc và Sri Lanka là những nước có lợi nhất, với chi phí dầu thô giảm hơn 3% GDP so với năm 2013.

Giá dầu thế giới đã giảm hai phần ba từ giữa năm ngoái. Ảnh: Bloomberg
Giá dầu thế giới đã giảm hai phần ba từ giữa năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Với Malaysia - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất châu Á, nguồn thu ròng từ dầu mỏ tăng 0,2% GDP so với năm 2013. Còn với Việt Nam, chi phí ròng cho dầu thô lại tăng 1% GDP, do xuất khẩu suy giảm mạnh.

Chi phí dầu thô giảm đã giúp cải thiện cán cân vãng lai tại hầu hết các nền kinh tế châu Á, trừ Việt Nam và Malaysia. Trong đó, cán cân vãng lai của Việt Nam được đánh giá đã suy yếu kể từ năm 2013, chủ yếu do nhu cầu trong nước tăng mạnh. Một phần nguyên nhân là xuất khẩu dầu đi xuống.

Trong khi đó, cán cân vãng lai của Malaysia cũng giảm, bất chấp nguồn thu từ dầu tăng. Nguyên nhân chủ yếu là các khoản đầu tư của nước này trong Chương trình Chuyển đổi Kinh tế, nhằm kích thích tăng trưởng trong dài hạn.

Khi giá dầu đi xuống, rất nhiều quốc gia đã giảm trợ cấp nhiên liệu, Tháng 1/2015, Indonesia bãi bỏ trợ cấp xăng và đặt trần trợ cấp dầu diesel. Ấn Độ cũng có chính sách tương tự từ tháng 10/2014. Chiến dịch này của Malaysia khởi động từ cuối năm 2014, giúp chi phí trợ cấp nhiên liệu giảm khoảng 1,1% GDP. Thái Lan và Việt Nam cũng có một số chính sách, nhưng theo Fitch, ảnh hưởng kinh tế của chúng vẫn còn hạn chế.

Fitch nhận xét việc giảm trợ cấp nhiên liệu, nếu được dùng để giảm thâm hụt ngân sách, thì có thể cải thiện tài chính các nước. Nhưng với các quốc gia xuất khẩu ròng phụ thuộc vào dầu, giá thấp lại mang tác động tiêu cực.

Dù vậy, Fitch cho rằng nhu cầu từ Trung Quốc không có dấu hiệu chậm lại. Đây là thị trường đóng góp 27% kim ngạch dầu nhập khẩu tại châu Á. Nhập khẩu của nước này sẽ tiếp tục tăng 8% mỗi năm.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Việt Nam, Malaysia thiệt hại nhất châu Á vì dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO