Việt Nam tăng cường biện pháp thu thuế bán hàng online
Không chỉ riêng bán hàng online, cơ quan thuế đang xây dựng hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tiền điện tử và các mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab.
Bán hàng online doanh thu hơn 100 triệu/năm phải nộp thuế
Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (Vụ chính sách, Tổng cục thuế), thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Điều này cũng đi kèm với những phát sinh trong vấn đề quản lý thuế. Trong đó, có nhiều vấn đề khác nhau mà cơ quan thuế tại Việt Nam đang tìm cách giải quyết.
Về mặt tổng quan, đối tượng tham gia hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (nhà thầu nước ngoài) và các hộ, nhóm, cá nhân kinh doanh.
Các hộ kinh doanh sẽ phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN trong trường hợp doanh thu mỗi tháng lớn hơn 100 triệu đồng/năm. |
Các quy định về thuế giữa doanh nghiệp TMĐT và các doanh nghiệp khác đều bình đẳng như nhau. Đối với doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam, các đơn vị này phải nộp thuế GTGT và thuế TNDN.
Đối với các nhà thầu nước ngoài, nếu người mua sản phẩm TMĐT là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế mà nhà thầu phải nộp.
Nếu người mua là tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Trong đó, trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế. Riêng với các hộ kinh doanh, nhóm đối tượng này sẽ phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN trong trường hợp doanh thu mỗi tháng lớn hơn 100 triệu đồng/năm.
Trừ thuế Grab, Uber ngay khi thanh toán qua ngân hàng
Theo đại diện Tổng cục thuế, hiện có rất nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thu thuế đối với các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam. Một trong số đó là việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh một số ngành nghề còn gặp nhiều vướng mắc.
“Ví dụ như kinh việc doanh tiền ảo, tiền điện tử, chưa được xếp trong các loại hình kinh doanh nên gây khó khăn trong việc thu thuế. Việc Uber hay Grab là doanh nghiệp vận tải hay doanh nghiệp công nghệ hiện cũng còn đang có nhiều tranh cãi. Chính vì vậy cần phải xác định đúng bản chất của các giao dịch để xếp loại ngành nghề, đặc biệt là với các doanh nghiệp trong ngành kinh tế chia sẻ”, đại diện Tổng cục thuế chia sẻ.
Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, cơ quan thuế cũng đang gặp phải khó khăn trong việc thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch xuyên biên giới. “Với hoạt động bán hàng hóa trên mạng, các tổ chức, cá nhân chủ yếu sử dụng website để quảng cáo, việc bán hàng được thực hiện qua inbox và trao hàng qua shiper. Chính vì những đối tượng này không thực hiện thanh toán trên mạng, do đó việc quản lý gặp nhiều khó khăn”, bà Mai cho biết.
Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho biết cơ quan thuế sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để hoạt động quản lý thuế được thực thi. Ảnh: Trọng Đạt |
Để triển khai thu thuế các hoạt động kinh doanh trên mạng, cơ quan thuế đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế và có văn bản hướng dẫn nộp thuế đối với các doanh nghiệp như Uber Hà Lan, Agoda, Booking,...
Cục thuế Hà Nội và Cục thuế Tp.HCM cũng phối hợp với các nhà mạng gửi tin nhắn đến tất cả các cá nhân kinh doanh trên Facebook nhằm hướng dẫn việc kê khai và nộp thuế. Sắp tới, cơ quan thuế sẽ trình Quốc hội Luật quản lý thuế sửa đổi, trong đó có một chương dành riêng cho các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Để việc quản lý thuế được thực thi, Tổng cục thuế đã đề xuất Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước giúp kiểm soát thuế ngay từ khâu thanh toán. Theo đó, các ngân hàng thương mại trước khi chuyển trả tiền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh xuyên biên giới sẽ khấu trừ thuế nhà thầu trước khi chi trả.
Ngoài ra, các hoạt động thanh toán qua thẻ quốc tế có thể giao dịch qua một cổng thanh toán trung gian của Ngân hàng nhà nước. Bắt đầu từ năm 2019, các hoạt động giao dịch thẻ quốc tế sẽ phải thanh toán qua một tổ chức trung gian là trung tâm NAPAS.