Viết từ tình yêu thương

19/08/2011 17:19

Khi đọc những dòng văn trong tác phẩm "Ông Bụt của đời con" của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hoa (Học sinh khuyết tật Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách huyện Thanh Chương), nhiều người không cầm nổi nước mắt. Bằng tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc và những kỷ niệm khó phai mờ về người cha, em đã viết nên những dòng văn hết sức cảm động và giành giải Nhì cuộc thi "Nét bút tri ân"do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, Báo Tuổi trẻ, VTV6, VOH, Ngân hàng Đông Á tổ chức vào tháng 6/2011...

"Ông Bụt của đời con"


Biết tin em đạt giải Nhì cuộc thi "Nét bút tri ân" qua chương trình Lễ trao giải được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV6, sau nhiều lần hẹn gặp, cuối tháng Bảy, sau khi đã hoàn tất kỳ thi ĐH, CĐ, Hoa hẹn chúng tôi đến nhà. Không khó để tìm đến nhà Hoa, vì dường như cô bé bị liệt hai chân này đã trở thành niềm tự hào của người dân xã miền núi Ngọc Sơn (Thanh Chương).


Nguyễn Thị Thanh Hoa (sinh năm 1992) trong một gia đình nông dân ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Lên 2 tuổi, sau cơn sốt do viêm não Nhật Bản, em bị liệt hai chân. Nhà nghèo, để có tiền chạy chữa cho con, bố mẹ Hoa phải bán đi những thứ có giá trị nhất trong nhà, phải vay mượn khắp nơi, đưa em đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. "Nhà có bốn chị em nhưng con lại là gánh nặng lớn nhất của bố mẹ vì đôi chân tật nguyền - di chứng của cơn sốt viêm não Nhật Bản khi con mới lên hai. Nhà mình lúc ấy thuộc vào dạng nghèo nhất làng. Mẹ phải oằn lưng gánh thúng lúa, mớ khoai ra chợ bán kiếm từng đồng lẻ lo bữa ăn cho gia đình. Bố thì ai cần việc gì là nhận làm lấy: phụ hồ, sửa xe đạp, sửa điện, bán nước chè... Cả bố và mẹ làm quần quật, vất vả suốt ngày đêm nhưng gia đình mình vẫn không thể khấm khá lên được, bởi tất cả những gì nhà mình có và vay mượn được đều phải dồn lại để đưa con ra Hà Nội điều trị. Giờ nghĩ lại con vẫn không thể tưởng tượng nổi khi đó bố mẹ đã làm cách nào để xoay xở được khoản tiền "to bằng trời" đưa con đi chữa bệnh ngoài thủ đô đến bảy lần như thế được" (Trích "Ông Bụt đời con"-Tác phẩm đạt giải)...

Nguyễn Thị Thanh Hoa và mẹ cùng kỷ niệm chương giải thưởng
"Nét bút tri ân"


Nhưng mọi cố gắng, nỗ lực của gia đình vẫn không thể cứu vãn được đôi chân bị liệt của Hoa. Không thể tự đi lại được, mọi sinh hoạt của em đều dựa vào bố mẹ. Đến tuổi, nhìn bạn bè tung tăng cắp sách tới trường, Hoa cũng ao ước được đi học. Em nói nguyện vọng của mình với bố mẹ. Nhìn đôi chân tật nguyền của em, mẹ Hoa ái ngại lắm. Thương con, không đành lòng nhìn con đã tật nguyền về thể xác lại chịu thiệt thòi về trí tuệ nên anh Nguyễn Công Sáu, bố Hoa quả quyết: "Bằng mọi giá phải để con đến trường". Và khi đã quyết định để con theo học cái chữ, cũng là lúc anh gánh vác trách nhiệm đưa đón con đến trường. Suốt 5 năm học Tiểu học, Hoa đến trường trên tấm lưng gầy của người bố. Từ sáng sớm tinh mơ, bố Hoa đã lọ mọ dậy thu xếp việc nhà, soạn sửa sách vở và cõng em đến trường.

Trong tác phẩm dự thi của mình, Hoa đã viết: "Quãng đường khá dài, lại gập ghềnh khó đi nên khó khăn lắm bố mới đưa con tới lớp kịp giờ. Ngày nắng, con đường nghi ngút bụi. Bụi bay tứ tung và bám cả vào áo quần, vào khuôn mặt của bố. Mùa mưa, bố phải cõng con trên lưng, ghì chặt bàn chân, bước chậm trên con đường trơn mỡ. Có đôi lúc nhìn lưng bố còng xuống, lòng con lại quặn thắt vì cõng con mà bố mới thế!". Lên lớp 7, Hoa may mắn được phẫu thuật đôi chân theo chương trình từ thiện của Mỹ. Sau phẫu thuật là quãng thời gian tập luyện vật lý trị liệu. Hoa đau đớn với những bài tập, còn bố em lại vất vả hỗ trợ em, lòng quặn thắt khi thấy con vấp ngã.

Bốn tháng trời kiên trì, Hoa đã bước đi được những bước đầu tiên. Nhìn con bỏ nạng, tự đi bằng chính đôi chân của mình, không kìm nổi hạnh phúc, vui sướng, người bố òa khóc. "Lúc em bỏ nạng, bước đi bằng đôi chân của mình. Bố đã khóc. Bố khóc vì vui mừng và hạnh phúc. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má xạm đen của bố. Hình ảnh đó hằn sâu trong tâm trí em cho tới bây giờ...". Hoa chia sẻ. Sau lần phẫu thuật đó, Hoa đã tự đi lại được nhưng chỉ đi quãng đường ngắn, không thể tự mình đến trường. Hàng ngày, bố Hoa vẫn làm nhiệm vụ đưa đón con.

Đến kỳ nghỉ hè năm lớp 8, bố Hoa đưa ra một quyết định "táo bạo": tập cho Hoa đi xe đạp để đôi chân cứng cáp hơn. " Khỏi phải nói, lúc đó em đã sửng sốt đến nhường nào. Bước đi trên mặt đất em còn chưa vững huống chi... Nhưng bố đã trấn tĩnh em: "Đừng sợ con gái. Con không thể để chân mình yếu thế này mãi được. Phải cố gắng kẻo mọi nỗ lực từ trước tới giờ đổ xuống sông hết. Bố sẽ bên con mà!". Được bố động viên, giúp đỡ, Hoa bắt đầu quá trình tập luyện với chiếc xe đạp cà tàng."Cứ tầm 3h sáng, bố lại thức giấc rồi gọi con dậy. Phải tập vào giờ đó vì ban ngày bố bận đi làm. Mọi việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi bố chỉ giữ xe thôi để con tự đạp thì quả là một cực hình. Đôi chân con vừa mới tập tễnh những bước đi đầu tiên, giờ lại phải ghì xuống nhấn pêđan. Trời đất như tối sầm lại mỗi làn con cố gắng rướn chân. Đôi bàn chân xoãi dài, mềm nhũn, không hề có chút sức lực gì. Nỗi đau và sự bất lực cùng lúc ập về nặng trĩu trong lòng con. "Không gì là không thể cả con ạ. Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp mà. Con đã làm hết sức mình chưa mà lại bỏ cuộc?". Lời của bố vang lên xóa tan mọi suy nghĩ tiêu cực trong con. Gạt bỏ nỗi đau, con lại rướn, lại ghì, lại nhấn bàn đạp. Một vòng, hai vòng, ba vòng... Cứ thế, ngày này qua ngày khác, bố con mình đi hết con đường làng dài và hẹp. Hơn ba tháng sau con đã có thể tự mình đi được xe đạp, cùng bạn bè tới trường vào ngay năm học sau đó..." (Trích tác phẩm "Ông Bụt của đời con").


Bằng lòng yêu thương của người bố, từ một đứa trẻ tật nguyền, Hoa đã đứng lên để đi bằng chính đôi chân của mình, theo học hết cấp 3, và sắp sửa bước vào giảng đường Đại học. "Con đã biết đi xe đạp, và con cũng sẽ biết tự đi chiếc xe đạp ấy khi không có bố ở bên, trên con đường dài và rộng hơn - đường đời! Con tin thế và bố cũng hãy tin ở con gái bố, bố nhé! Nhưng cho dù thế nào đi nữa thì bố vẫn mãi là người bố tuyệt vời nhất của đời con!"


Và giải Nhì cuộc thi "Nét bút tri ân"


Cuộc thi "Nét bút tri ân" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, Báo Tuổi trẻ, VTV6, VOH, Ngân hàng Đông Á tổ chức. Các tác phẩm dự thi"viết về những kỷ niệm, cảm nhận, suy nghĩ về một tấm gương mà chính bản thân tác giả đã được học hoặc biết đến. Tấm gương đó có thể là thầy, cô giáo, là cha, mẹ, là anh, chị, là bạn bè... - người đã để lại trong tác giả những bài học làm người quý báu, sâu sắc, khó quên, là tấm gương để tác giả học hỏi và noi theo".


Nguyễn Thị Thanh Hoa bên góc học tập của mình.

Sau khi Đoàn trường THPT Nguyễn Sỹ Sách phát động, Hoa đã viết tác phẩm "Ông Bụt của đời con". Tác phẩm của em viết về người bố Nguyễn Công Sáu- ông Bụt biến những ước mơ của cô con gái thành hiện thực. Nhà nghèo, bố Hoa phải bươn chải kiếm sống. Cật lực quanh năm với ruộng đồng, không đủ tiền nuôi con ăn học, anh phải vào miền Nam xa xôi làm thuê. Sự vất vả, lam lũ của người cha là động lực để em vươn lên. Chính tình yêu thương, sự sẻ chia, quan tâm của cha đã tiếp cho em sức mạnh, nghị lực vượt qua bất hạnh trong cuộc sống. Những năm học Tiểu học, Hoa luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập; lên cấp 2, em đạt học sinh giỏi huyện môn Sinh, học sinh giỏi tỉnh môn Văn và học sinh giỏi Văn cấp tỉnh lớp 12.


Tác phẩm của em đăng trên báo bảng của Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, được mọi người động viên, Hoa gửi bài dự thi. Tác phẩm được đăng trên báo Tuổi trẻ, phát trên VOH, được bầu "Tác phẩm hay nhất của tháng", lọt vào vòng chung kết và giành giải Nhì cuộc thi. Trên các Com-ment bình luận về tác phẩm của em, các độc giả đều bày tỏ sự xúc động chân thành về tình cảm cha con, cảm phục nghị lực vượt khó của bản thân em.


Hôm nhận được tin báo đạt giải, bố Hoa vẫn đang làm phụ hồ ở Long An, gọi điện cho bố, đọc cho bố nghe bài viết của em về bố, đầu dây bên kia, người bố lặng đi vì xúc động, rồi cả hai bố con cùng bật khóc, khóc vì hạnh phúc...

Hôm trao thưởng, vì điều kiện đi lại khó khăn, Hoa không thể ra Hà Nội nhận giải, bố em xin nghỉ làm, ra nhận giải thay con. Trong suốt buổi giao lưu tại lễ trao giải, người bố xúc động không nói nên lời, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má. Ở nhà, qua kênh truyền hình VTV6, Hoa, gia đình và những người hàng xóm cũng lặng đi vì xúc động. "Em không mất nhiều thời gian để hoàn thành tác phẩm. Đặt bút xuống là viết. Vì đó là cảm xúc thật của em, là những kỷ niệm gắn chặt với tuổi thơ em, là hình ảnh về người bố thân thương của em...

Chính sự chân thật trong cảm xúc, trong sáng và giản dị về câu từ đã tạo nên thành công của tác phẩm"... Kỷ niệm chương của Ban tổ chức, Bằng khen của T.Ư Đoàn, đặc biệt tác phẩm của em được nhiều người biết đến là món quà ý nghĩa em giành tặng cho người bố thân yêu của mình, người mà em luôn xem đó là "ông Bụt": "Tự bao giờ, trong trái tim con, bố đã chiếm một góc thật lớn, không gì có thể sánh bằng. Bởi lẽ tuổi thơ con đầy ắp những kỷ niệm chan chứa thương yêu của bố, mà con nghĩ suốt đời này mình không thể quên! Đó là những tháng ngày rất đỗi gian nan mà bố đã phải vất vả bươn chải vì con, để mỗi lần nghĩ đến con lại nghẹn ngào và thấy mình có thêm sức mạnh để bước tiếp giữa cuộc đời." (Trích tác phẩm "Ông bụt của đời con).


Hôm chúng tôi đến nhà, bố em vẫn đang làm thuê ở tận Long An. Qua cuộc điện thoại đường dài, khi được hỏi về cảm xúc nhận được tin tác phẩm của cô con gái đạt giải mà nhân vật chính trong đó là mình, anh Sáu đáp lại với giọng đầy xúc động: "Khi Hoa viết xong, nó có đọc bài viết cho tôi nghe qua điện thoại, sau đó tôi được nghe lại trên đài phát thanh, qua tivi... lần nào cũng chung cảm xúc: cảm động, hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào. Hạnh phúc của những người làm cha, làm mẹ là được con cái yêu quý, kính trọng, xem mình là tấm gương..."Rồi đây, khi Hoa bước chân vào giảng đường ĐH thì gánh nặng sẽ tiếp tục oằn lên vai anh, nhưng điều đó chẳng hề gì với một người bố hết lòng vì con như anh... "Tôi sẽ làm việc gấp hai, gấp ba để nuôi con ăn học, tạo điều kiện tốt nhất để con thực hiện ước mơ của mình...". Anh chia sẻ.


Ngoài giải thưởng "Nét bút tri ân" em còn đạt giải "Cây bút Tuổi Hồng" do Báo Thiếu niên Tiền phong trao tặng, hiện em đang cộng tác với các báo: Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong, Bút Hoa, Hoa Học Trò... Các tác phẩm của em viết về những tấm gương nghị lực vượt khó, về vùng quê bình dị nơi em sống, về những người sống quanh em với tình cảm chân thành, trong sáng...


Chia tay Hoa, đọng lại trong tôi là hình ảnh cô bé với bước đi tập tễnh, có ánh mắt cương nghị, nụ cười thường trực trên môi. Qua lần tiếp xúc với em, để thấy yêu hơn cuộc đời này, quý trọng những gì mình có, biết nâng niu những yêu thương mà những người ruột thịt dành cho mình. "Không có gì là không thể nếu có một chỗ dựa, có tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống."


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Viết từ tình yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO