Vĩnh biệt Thầy - nhà "Nghệ học"
(Baonghean) - Tin PGS Ninh Viết Giao - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng của xứ Nghệ ra đi ở tuổi 82 đã khiến người thân, bạn bè, những người làm văn nghệ cả nước bàng hoàng. Dẫu biết ông tuổi đã cao, sức đã yếu sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhưng khoảng trống mà ông để lại cho văn hóa xứ Nghệ là khó có thể bù lấp.
(Baonghean) - Tin PGS Ninh Viết Giao - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng của xứ Nghệ ra đi ở tuổi 82 đã khiến người thân, bạn bè, những người làm văn nghệ cả nước bàng hoàng. Dẫu biết ông tuổi đã cao, sức đã yếu sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhưng khoảng trống mà ông để lại cho văn hóa xứ Nghệ là khó có thể bù lấp.
Với người Nghệ, PGS Ninh Viết Giao là một người đặc biệt. Đặc biệt đến mức, dân gian đặt vè cho ông: “Nực cười cho bác Viết Giao/ Quê hương Thanh Hóa lại vào Nghệ An/ Sưu tầm văn học dân gian/ Bàn chân trải khắp trên ngàn, dưới sông/ Dạo chơi Nam, Bắc, Tây, Đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng cách xa”. Những câu vè tưởng chừng như để cười vui ấy, song đã khái quát được hết chặng đời của ông: Sinh năm 1933, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1956, Ninh Viết Giao được phân công về dạy học tại Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (Vinh).
Kể từ năm 1956 ấy, ông gắn bó với mảnh đất xứ Nghệ ở cả 2 vai: người thầy, người sưu tầm - nghiên cứu văn hóa. Bàn chân ông đã in dấu khắp các nẻo đường xứ Nghệ. Gần 50 tác phẩm với hàng ngàn trang viết đề cập tới mọi khía cạnh của vùng đất xứ Nghệ đã khiến ông trở thành nhà “Nghệ học”, là người được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao huy chương và bằng xác lập kỷ lục “Người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ”. Cả một quãng đời dài công tác và ở tại Nghệ An, nhưng vợ chồng ông vẫn “cách xa” vì bà ở Thanh Hóa. Sau này, bà mới theo ông về Vinh và ở tại căn phòng nhỏ của khu chung cư Quang Trung cũ. Căn phòng nhỏ, nhưng sách vở nghiên cứu của ông, có người nói “chỉ thua Thư viện tỉnh mà thôi”.
Phó Giáo sư Ninh Viết Giao. Ảnh Internet |
Gần 60 năm ở đất Nghệ, những người dân phố Quang Trung quen gọi ông là “thầy Giao”. Một ông già giản dị, tóc bạc trắng, giọng nói từ tốn mà sau này vì bệnh tật, mỗi lần ông cất tiếng là một lần khó nhọc, nhưng luôn nở nụ cười hiền. Ông luôn nhận mình là “một kẻ may mắn” khi được sinh ra ở làng Kẻ Sài (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tuy rất nghèo của nả nhưng luôn giàu tiếng hát, sự lạc quan. Ông nội thông tuệ Hán Nho, bố mê chèo, mẹ thuộc nhiều ca dao, dân ca. Cái chất “dân gian” ngấm vào ông từ đó. May mắn nữa là khi đi học, ông được gặp, được học những nhà giáo ưu tú bậc nhất bấy giờ: Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đặng Thai Mai…
Chính thầy Trương Tửu đã khuyên ông khi ông về Nghệ An dạy học: “Bây giờ về địa phương, anh nên đi sâu vào mảng văn học dân gian. Trong văn học dân gian có một loại hình chưa ai khai phá, đó là câu đố. Anh nên dành thời gian sưu tầm và tìm hiểu nó.” Theo lời thầy, khi về làm thầy giáo của Trường Huỳnh Thúc Kháng, ông bắt tay sưu tầm câu đố. Và lại may mắn khi ông đã tìm thấy “kho” câu đố vô tận bắt đầu từ chính các em học sinh. Ông nhờ học sinh sưu tầm từ ông bà, cha mẹ, xóm làng được một lượng câu đố lớn đến bất ngờ.
Sau đó, ông đích thân đi tìm hiểu, ghi chép thêm để đến năm 1958, ông đã có được đứa con tinh thần đầu tiên “Câu đố Việt Nam” do NXB Văn Sử Địa ấn hành. Từ câu đố, ông đã mở rộng tìm hiểu để bước chân vào cả thế giới văn hóa dân gian đồ sộ, bao la. Và ông nhận thấy, mình đã đắm chìm vào nó, say mê nó để từ đó “yêu xứ sở này”. Điều may mắn nữa của ông, ông đã luôn nhắc đến với tất cả sự trân trọng, ấy là những người dân xứ Nghệ chất phác, phóng khoáng, sẵn sàng giúp đỡ ông, đặc biệt là những lãnh đạo tỉnh có “con mắt xanh” và tấm lòng độ lượng đã “nhìn” ra ông, tạo điều kiện cho ông làm việc, nghiên cứu và cống hiến cho mảnh đất này.
Tất nhiên, nói tất cả là may mắn cũng không phải. Ông cũng đã phải trải qua rất nhiều khó nhọc trong quá trình đi điền dã, tìm hiểu, đã phải chịu đựng những thói tỵ hiềm thường thấy, đã đứng trước một mảnh đất mới rộng lớn mà không biết mình sẽ bắt đầu từ đâu. Và trên hết, là tự chính bản thân mình, phải tự rèn, tự đọc, tự học và nuôi lấy đam mê. Vì vậy, từ chỗ chỉ là người sưu tầm, tìm hiểu, ông đã trở thành nhà nghiên cứu, một nhà địa phương học. Ngay khi ở những ngày tháng cuối cùng, ông vẫn dành tâm sức cho những bản thảo sau những trận chiến với bệnh tật, với các đợt xạ trị nhọc nhằn. Gần 50 đầu sách về xứ Nghệ, những tưởng rằng đã gần hết vốn liếng dân gian, nhưng với ông, văn hóa dân gian và văn hóa dân gian xứ Nghệ còn bao la lắm, nó như “niêu cơm Thạch Sanh” vậy, ngỡ hết mà mãi còn.
Vẫn còn nhiều điều độc đáo về ông chưa nói hết: ông được phong Phó Giáo sư từ năm 1984, là một trường hợp đặc cách (chiếu theo quy định thì ông không phải là giảng viên đại học hay thuộc viện nghiên cứu nào mà chỉ là một giáo viên cấp 3), được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được giải thưởng Nhà nước năm 2001 và trên 30 giải thưởng dành cho các công trình. Xin mượn lời của Giáo sư Nguyễn Đình Chú để kết thúc bài viết này, đó cũng là lời nói của những người xứ Nghệ với “thầy Giao”, nhà “Nghệ học” của chúng ta: “Tôi chỉ muốn nhân danh một người Nghệ để cảm ơn một người Thanh có cái tên Ninh Viết Giao này. Tôi tự thấy xấu hổ vì mình là người Nghệ mà chưa làm được gì cho thật xứng với quê hương trăm quý ngàn yêu của mình…”
T.V