Vĩnh biệt Trung tướng Lê Nam Phong - huyền thoại về một chiến tướng xứ Nghệ còn lưu mãi
(Baonghean.vn) - Trung tướng Lê Nam Phong là một chiến tướng có 44 năm có mặt trên tất cả các chiến trường trong nước và nước bạn trong 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc; tham dự gần hết các chiến dịch lớn, quyết định chiến thắng của Quân đội ta.
Trung tướng Lê Nam Phong. Ảnh tư liệu |
Trung tướng Lê Nam Phong sinh năm 1927, tên thật là Lê Hoàng Thống, quê ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu. Ông tham gia hoạt động cách mạng khi chưa đầy 17 tuổi với vai trò là chiến sĩ "giao thông liên lạc " của Huyện ủy Quỳnh Lưu. Tháng 2/1948, ông được kết nạp vào Đảng và nhập ngũ vào Sư đoàn 308 (Quân Tiên phong).
Lê Nam Phong là một chiến tướng có 44 năm có mặt trên tất cả các chiến trường trong nước và nước bạn trong 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc; tham dự gần hết các chiến dịch lớn, quyết định chiến thắng của Quân đội ta.
Năm 1954, ông là Đại đội trưởng Đại đội 225, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Đây là Đại đội dùng bộc phá cảm tử đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ và tham gia bắt sống tướng De Castries.
Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi ngày 7/5/1954. Ảnh tư liệu |
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông là người chỉ huy can trường cấp trung đoàn của chiến trường Đông Nam bộ. Ông được cán bộ chiến sĩ suy tôn: Trung đoàn trưởng đánh đâu thắng đó. Kẻ địch khiếp sợ gọi ông là "Hùm xám Đông Nam bộ". Năm 1975, ông là Tư lệnh Sư đoàn 7 - Sư đoàn chủ công đập nát "cánh cửa thép Xuân Lộc" để đại quân tiến vào Sài Gòn, làm nên huyền thoại Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Quân giải phóng tiến vào đập tan cánh cửa Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu |
Năm 1979, ông là Tư lệnh Quân đoàn 1 bảo vệ Biên giới phía Bắc. Năm 1980, ông là Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 của Bộ Quốc phòng Việt Nam sát cánh cùng quân đội và nhân dân Campuchia đánh tan bè lũ Pôn pốt, Iêngxari giải phóng Phnôm Pênh, cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Năm 1984, ông về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 Bộ Quốc phòng. Ông là vị tướng có nhiều biệt danh và mỗi biệt danh đều gắn với bao chiến công của quân đội.
Những ngày "mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non" trên chiến trường Điện Biên Phủ, thấy chiến sĩ lúc nào đầu cũng bê bết bùn, ông cạo trọc tóc rồi vận động anh em cùng cạo. Biết chuyện, một lần gặp ông giữa chiến hào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi lý do cạo trọc đầu cả đại đội ? Ông thưa: - Cạo để hạ quyết tâm đánh thắng giặc Pháp ạ! Đại tướng cười rất vui: - Từ nay mình gọi cậu là "Phong đầu trọc", đừng giận nhé! Và từ đó cái tên "Phong đầu trọc" cả mặt trận ai cũng biết.
Chiến trường Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cực kỳ gian lao, ác liệt nhưng bên hông Trung đoàn trưởng Lê Nam Phong lúc nào cũng kè kè chiếc bình tông. Mấy sĩ quan tác chiến bên ông nhắc nhau: Khi nào thấy Trung đoàn trưởng nhấp một ngụm là xung phong, là giờ G đến! Chẳng hiểu vì sao chuyện đến tai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong một lần xuống thăm Trung đoàn, Đại tướng tặng ông một bình toong rượu và lời nhắn gửi: “Hùm Xám” nhấp liên tục nhé! Và cũng từ đó ông có biệt danh mới "Phong bình toong”.
Trung tướng Lê Nam Phong - người gắn liền với nhiều chiến công huyền thoại. Ảnh tư liệu |
Trong trận Xuân Lộc, cuộc đọ sức quyết liệt cuối cùng của ta và Mỹ - ngụy, giữa một trận đánh cam go, bỗng dưng hệ thống liên lạc VTD của địch lạc vào VTD của ta. Bên kia máy tướng Ngụy là Lê Minh Đảo hùng hổ thét lên, giọng kẻ cả:
- Thằng nào chỉ huy bên Việt cộng?
Tư lệnh sư đoàn Lê Nam Phong không kìm được cơn giận cũng hét lên:
- Tao Lê Nam Phong đây! Tao sẽ đập nát đầu mày ngay trên đất Xuân Lộc.
Lê Minh Đảo gầm lên:
- Việt Nam cộng hòa sẽ đánh một trận cho thế giới biết oai hùng!
Tư lệnh Lê Nam Phong cũng gầm lên:
- Chúng tao cũng đánh cho mày không còn mảnh giáp.
Sau câu chuyện "vô tiền khoáng hậu này" (suýt Tướng Nam Phong bị kỉ luật), Đại tướng Văn Tiến Dũng gọi ông là "Phong lửa".
Tổng kết chiến tranh, cấp trên gợi ý ông làm bản thành tích để tuyên dương Anh hùng. Ông không nói gì, chỉ cảm ơn, nhưng về đơn vị ông mới nói:
- Dân phong Anh hùng, lính phong Anh hùng mới oai phong lẫm liệt chứ ngồi viết thành tích dài dằng dặc để phong thì tao xin kiếu!
Và người anh hùng của nhân dân và đồng đội đã thanh thản ra đi cùng bao đồng đội vào ngày 26/3/2022 trên thành phố mang tên Bác, thượng thọ 95 tuổi, để lại bao tiếc thương cho đồng chí, đồng đội. Ông ra đi còn để lại những huyền thoại về một vị tướng với nhiều chiến công vang dội gắn với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Lê Nam Phong tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh năm 1927 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo. Trong cuộc đời binh nghiệp huyền thoại của mình, ông đã tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và Chiến tranh biên giới phía Bắc.
Trung tướng Lê Nam Phong nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 (hay còn gọi là Binh đoàn Cửu Long), thời chống Mỹ; Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc; Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; Giám đốc Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Xuất thân là con nhà võ, tháng 3/1944, khi 16 tuổi, ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng. Ông vào Đảng tháng 2/1948, chính thức ngày 4/9/1948 và liên tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu.
Trung tướng Lê Nam Phong là vị tướng có nhiều biệt danh như Nam “lửa”, Nam “bình toong”, Nam “hỏa lực”, “hùm xám Đông Nam bộ” và “bố Năm” do cán bộ, chiến sĩ tặng.