Virus bị xóa sổ 40 năm 'trỗi dậy' ở Anh

Theo Thục Linh (VnExpress)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Giới chức y tế cảnh báo bệnh bại liệt tái xuất sau khi ghi nhận dấu vết của virus trong các mẫu nước thải tại London.

Giới chức y tế cảnh báo bệnh bại liệt tái xuất sau khi ghi nhận dấu vết của virus trong các mẫu nước thải tại London.

Dù chưa chính thức phát hiện ca nhiễm, giới chức gọi đây là "sự cố cấp quốc gia", kêu gọi người dân tiêm phòng để ngăn ngừa virus lây lan.

Các nhà khoa học đã phát hiện một chủng virus bại liệt trong nước thải sinh hoạt tại Bắc và Đông London hồi tháng 2. Đây là nguồn nước thải từ 4 triệu người.

Ban đầu, họ không quá lo ngại. Tuy nhiên, đến tháng 4 và tháng 5, các chuyên gia ghi nhận phiên bản đột biến cùng dòng của virus, cho thấy có sự lây lan liên tục giữa nhiều cá thể trong vài tháng. Điều này cho phép virus tiến hóa. Giới chức đã thực hiện nhiều cuộc xét nghiệm cục bộ tại 6 khu vực ở thủ đô để xác định ổ dịch.

Tại Anh, người dân được chủng ngừa bằng loại vaccine bất hoạt đường tiêm, không thể thải ra ngoài qua phân hoặc nước tiểu. Tuy nhiên, một số quốc gia trên thế giới sử dụng vaccine bại liệt đường uống chứa 3 chủng virus sống đã suy yếu. Họ có thể thải virus qua phân trong thời gian ngắn.

Các nhà khoa học suy đoán 1 du khách hoặc người nhập cảnh từ nước ngoài đã uống vaccine bại liệt trước khi đến Anh. Vì vậy, virus xuất hiện trong hệ thống nước thải sinh hoạt. Người này có thể sinh sống tại Nigeria, Pakistan hoặc Afghanistan, nơi dịch bệnh còn lưu hành.

Theo Vanessa Saliba, chuyên gia tư vấn Dịch tễ học tại Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), virus bại liệt nguồn gốc từ vaccine có khả năng lây lan, đặc biệt tại các cộng đồng nơi mức độ tiêm chủng thấp.

"Trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể gây bệnh ở người chưa được tiêm chủng. Vì vậy, nếu con bạn chưa tiêm vaccine bại liệt, hãy liên hệ ngay với bác sĩ đa khoa để làm điều này", bà cho biết.

Bệnh nhân bại liệt được lắp máy thở ở ngực để có thể hô hấp bình thường. Ảnh: Hulton Archive
Bệnh nhân bại liệt được lắp máy thở ở ngực để có thể hô hấp bình thường. Ảnh: Hulton Archive

Các chuyên gia y tế cũng lo ngại các bác sĩ không còn nhận ra những triệu chứng của bệnh bại liệt, bởi nó đã không còn lưu hành trong nhiều thập kỷ, nghĩa là các trường hợp có thể bị chẩn đoán sai. Giới chức yêu cầu bác sĩ đa khoa lưu ý biểu hiện bất thường và báo cáo những ca nghi nhiễm virus kịp thời.

Bệnh bại liệt lây lan chủ yếu do người nhiễm virus rửa tay không đúng cách, sau đó chạm vào đồ ăn hoặc thức uống của người khác. Virus phát triển mạnh ở đường ruột và xuất hiện trong phân. Ở khoảng 1% các bệnh nhân, virus có thể lây nhiễm vào cột sống và gây tê liệt.

Tiến sĩ David Heymann, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng.

UKHSA cho biết, nếu phát hiện ổ dịch cụ thể, giới chức sẽ tổ chức đợt tiêm chủng hàng loạt để bảo vệ cộng đồng.

Jane Clegg - Y tá trưởng của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết: "Phần lớn người dân London an toàn trước bệnh bại liệt, không cần thực hiện thêm bất cứ biện pháp nào. Tuy nhiên, NHS sẽ bắt đầu liên hệ với các bậc phụ huynh có con em dưới 5 tuổi tại London để cập nhật về chương trình tiêm phòng".

Virus bại liệt đã bị loại trừ ở mọi quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên, bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine tiếp tục gây ra các đợt dịch nhỏ, đặc biệt tại những cộng đồng hoặc nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chẳng hạn trẻ em.

Theo các chuyên gia Anh, đợt lây truyền cộng đồng rất có thể là ở trẻ nhỏ. Khả năng ít xảy ra hơn là từ một người suy giảm miễn dịch đã nhiễm virus trong nhiều tháng.

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.