|
Tại các chợ dân sinh ở Vinh, thị trường hàng hóa cho ngày lễ truyền thống này đã bắt đầu rục rịch từ trước chính lễ một vài ngày. Tuy nhiên, hoạt động mua bán nhộn nhịp, náo nhiệt nhất là vào sáng sớm ngày chính lễ Tết Đoan ngọ. Ảnh: Quang An |
|
Theo quan niệm, việc ăn thịt vịt tượng trưng cho việc xả xui và muốn được may mắn hơn. Mặt khác, từ ngày 5/5 trở đi, vịt đã bắt đầu vào mùa. Lúc đó, những con vịt trở nên béo hơn và có thịt ngon, chắc hơn và đây cũng là thời điểm nắng nóng gay gắt (thuộc tiết Đại Thử) nên nhiều người chọn những món ăn được chế biến từ vịt. Do đó, giá vịt trong ngày này tăng cao. Vịt sống có giá từ 140.000 – 150.000 đồng/con, vịt trời có giá 150.000 - 170.000 đồng/con; vịt bầu giá 240.000 đồng/con (trung bình tăng từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/con so với ngày thường). Ảnh: Quang An |
|
Dịch vụ làm thịt vịt cũng rất đông khách, giá cũng nhích hơn ngày thường. Mỗi con vịt làm sạch có tiền công 20.000 - 25.000 đồng/con (tăng 5.000 - 10.000 đồng/con tùy chợ). Chị Nguyễn Thị Hà, một tiểu thương kinh doanh và chuyên dịch vụ giết thịt gà vịt ở chợ Hưng Dũng (TP.Vinh) cho biết: Từ hôm qua đến nay, lò mổ của chị nhận làm khoảng 500 con vịt; bán ra khoảng 500 - 700 con vịt trong dịp Tết Đoan ngọ. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Giá cả các mặt hàng khác phục vụ Tết Đoan ngọ như: các loại trái cây có tính chua (vải, mận, đào, dứa…) tăng giá nhẹ, riêng mận do cuối mùa nên giá tăng gấp đôi (dao động 80.000 – 85.000 đồng/kg mận); hoa cúc các loại tăng thêm 2.000 đồng/cành so với trước. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Hàng mã cũng rất đông người lựa chọn. Ảnh: Quang An |
|
Không chỉ các chợ dân sinh sôi động mà tại các trang Facebook của các cửa hàng thực phẩm sạch và của các cá nhân từ trước đó đã đăng bán các mâm cúng Tết Đoan ngọ với mức giá từ vài trăm nghìn đồng – 1 triệu đồng/mâm. Trong ảnh: Một mâm cúng có giá 250.000 đồng. Ngoài ra, các món như bánh trôi, xôi ngũ sắc… làm sẵn cũng được rao bán và khá nhiều người đặt mua. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người Việt thường chuẩn bị lễ cúng, thắp hương tạ ơn trời đất ban cho mùa màng bội thu và bày tỏ mong ước sâu bọ không phát triển để cây cối ra hoa, kết quả tươi tốt.