Vladimir Putin và dấu ấn 17 năm lãnh đạo nước Nga

năm, trải qua 2 nhiệm kỳ làm tổng thống, 1 nhiệm kỳ thủ tướng và trở lại vị trí ông chủ điện Kremlin vào năm 2012 đến nay, Vladimir Putin, 65 tuổi, được giới truyền thông đánh giá là người khôi phục sức mạnh của nước Nga, không chỉ đưa tiếng nói nước Nga trở lại trường quốc tế mà còn làm nó lớn mạnh hơn. Trong thời gian qua, ông đã có nhiều biện pháp cải cách trên nhiều lĩnh vực và có chính sách đối ngoại khẳng định được vị thế của một nước lớn. Điều này khiến Nga trở thành một chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Hơn 17 năm trước, cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố bổ nhiệm Thư ký Hội đồng An ninh và Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Vladimir Putin (khi ấy mới 47 tuổi) làm Thủ tướng và ủng hộ ông ứng cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử tháng 5/2000.

Tuy nhiên, cái tên Putin dường như không mang lại xúc cảm nào với người Nga. Chưa đến 2% người dân – những tầng lớp đang chán chường, mất niềm tin ở một đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, bị xâu xé bởi các nhà tài phiệt và sở hữu vị thế èo uột trên trường quốc tế – đặt niềm tin vào nguyên thủ trẻ tuổi nhất thời bấy giờ.

Nhưng chỉ 3 năm sau, khi Tổng thống thực hiện chính sách cứng rắn trong vụ bắt cóc con tin tại nhà hát Moskva, uy tín của Putin đã tăng lên nhanh chóng. Và từ đó đến nay, tỷ lệ ủng hộ ông chủ điện Kremlin luôn dao động ở mức 70 – 80%, một con số trong mơ đối với các nhà lãnh đạo phương Tây.

Tại sao người Nga vẫn bền bỉ dành trọn tình yêu và niềm tin cho chỉ một con người suốt gần hai thập kỷ qua? Các cuộc thăm dò ý kiến đều mang đến cùng một câu trả lời: Vì Putin đã lấy lại lòng tự hào cho người Nga, vị thế không tầm thường của nước Nga, truyền đến cho họ cảm hứng sống có lý tưởng, yêu nước một cách nhiệt thành và kiên định.

Đã không chỉ một lần người đứng đầu nước Nga thổ lộ: “Tôi luôn cảm thấy mình là một phần của nước Nga, một phần của nhân dân và tôi có trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc!”. Từ cảm hứng ấy, Putin – bằng sự tự tin và quyết đoán hơn người – đã thuyết phục cho người dân Nga thấy rằng ông luôn hành động vi đất nước khi luôn đặt quốc gia lên trên hết.

Chỉ câu chuyện ông kiên quyết giữ vững lập trường sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, bất chấp những phản ứng dữ dội của phương Tây, cũng đủ để người Nga thấy rõ điều đó.

Putin đã làm được cho họ điều mong mỏi ấy và như thế, những người dân Nga đã tự hào và hãnh diện về Tổng thống của họ. Trên hết, họ nhận ra rằng: Giờ đây, niềm hi vọng mới vào đất nước đã xuất hiện. Và bởi người dân Nga thực sự yêu mến và có niềm tin lớn đến vậy, nên trong bão táp của nền kinh tế khủng hoảng hay bao vây cấm vận từ phương Tây, họ vẫn không đổ lỗi hay oán trách Tổng thống Putin.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu công chúng tiến hành gần đây cho thấy: 84% số người được hỏi đều ủng hộ ông Putin và đồng tình với những gì ông đang làm.

Họ đều tỏ ra lạc quan với những gì ông chủ Điện Kremlin đã gửi gắm trong thông điệp Liên bang 2018 “Chúng ta cần phải tập hợp được sức mạnh. Nếu không làm được điều đó thì chúng ta sẽ không có tương lai, con em chúng ta cũng không có tương lai, và đất nước chúng ta cũng không có tương lai”.

Tình yêu của người dân Nga dành cho Tổng thống Putin là minh chứng cho tình yêu của họ đối với đất nước Nga, và bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Putin cũng là nhằm vào nước Nga.

Cử tri Nga từng ngợi khen Tổng thống của họ không dùng cái sự đa tài của mình để làm… màu, mà “áp” nó vào những hành động thiết thực, giàu ý nghĩa. Trong bối cảnh kìm kẹp từ khùng hoảng kinh tế – ngoại giao sau vụ Crimea và Ukraine, ông Putin đã xây dựng một hình ảnh lãnh đạo cứng rắn, có khả năng đương đầu với phương Tây nhưng cũng rất mềm dẻo và linh hoạt để chế ngự mọi thế lực muốn dồn ép Nga vào ngõ cụt.

Vị tổng thống này luôn được bầu chọn là “nhân vật của năm” trong cuộc khảo sát của Quỹ Dư luận Xã hội Nga (FOM). Trong khi đó, nhiều bảng xếp hạng danh tiếng trên thế giới đã nêu tên ông Putin trong các cuộc bầu chọn của mình. Tổng thống Putin từng 4 lần đứng vị trí số 1 ở bảng xếp hạng người quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes; hay như vị trí số 1 ở bảng xếp hạng người có ảnh hưởng nhất thế giới của hãng thông tấn AFP.

Có thể khẳng định, Vladimir Putin những năm trên vũ đài chính trị đã tỏa ra sức hút đầy ma lực đối với công chúng, khiến ông trở thành một trong những chính trị gia giàu sức ảnh hưởng và được nhiều người quan tâm nhất không chỉ ở xứ bạch dương, mà còn trên toàn thế giới.

Ngày 31.12.1999, cố Tổng thống Boris Yeltsin trao nước Nga cho Putin trong tình thế đất nước gặp nhiều khó khăn với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 và những vấn đề nội tại trong chính phủ. Thế nhưng vị tổng thống thứ 2 của nước Nga đã vực dậy, đưa đất nước Nga bước vào Thế kỷ 21 bằng một diện mạo mới.

Suốt 17 năm qua, ở cương vị tổng thống và thủ tướng, Putin đã cùng nước Nga thu được nhiều thành tựu nổi bật. Nước Nga không những vượt qua thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế mà còn thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng, tăng lương cho người lao động, đồng thời đảm bảo được trật tự xã hội của đất nước.

Nước Nga trong thời kỳ ông Putin lãnh đạo cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2011. Nga cũng là một chủ thể quan trọng trong các tổ chức lớn về kinh tế chính trị trên thế giới như nhóm các nền kinh tế lớn (G20), nhóm các cường quốc công nghiệp (G8).

Đặc biệt, Putin cùng với lãnh đạo trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có tham vọng xây dựng nên các hệ thống tài chính cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Thế giới và khẳng định sức mạnh của các cường quốc công nghiệp hoá mới phát triển, nhưng có ảnh hưởng đáng kể về các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Ông Putin cũng là nguyên thủ có nhiều ảnh hưởng trong các vấn đề lớn quốc tế. Điều này có thể thấy rõ trong mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hay như chỉ trong vài năm qua, Nga đã lao vào hai cuộc chiến tranh, tại Ukraine và Syria, mà các đối thủ của họ cho là các “bãi lầy” không thể thoát ra. Nga đã thành công tái lập quyền lực của mình trong các vòng ảnh hưởng cũ.

Nước Nga dưới thời ông Putin cũng được đánh giá là một trong những thế lực mạnh nhất thế giới. Sức mạnh quân sự của Nga đã hiện đại hóa đáng kể, và tại vùng Bắc Cực đang ngày càng tranh cãi, sự hiện diện của Nga sắp đuổi kịp các đối thủ phương Tây.

Trong nhiều lĩnh vực khác, nước Nga của ông Putin cũng thể hiện được năng lực của mình. Tiền lương danh nghĩa trung bình hàng tháng tại Nga tăng gần gấp 11 lần, từ 61 USD lên 652 USD.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 13% xuống chỉ còn 5,2%. Tỷ lệ lạm phát tại Nga đã giảm từ 36,5% xuống còn 2,5% vào cuối năm 2017. Tổng giá trị tài sản của hệ thống ngân hàng Nga tăng gấp 24 lần, lên 1,43 nghìn tỷ USD. Vốn thị trường chứng khoán Nga tăng gấp hơn 15 lần, lên 621 tỷ USD. Lĩnh vực thể thao với ấn tượng Olympic Sochi Mùa đông 2015. Bên cạnh đó, nước Nga cũng dành được quyền đăng cai World Cup 2018, vượt qua nhiều nền bóng đá khổng lồ của thế giới.

Dưới hai tầng sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm mạnh, được cho là điều khiến ông chủ Điện Kremlin e ngại nhất bởi uy tín trong nước của ông được xây dựng trên nền tảng cam kết với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.

Tổng thống Putin từng tuyên bố việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu. Điểm cốt lõi trong lộ trình khôi phục kinh tế của Moskva là nâng cao khả năng thích ứng với sự biến động của giá dầu thế giới, đồng nghĩa với việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên trên.

Ông Putin từng ví nước Nga như “con gấu” mà phương Tây muốn xiềng xích. Phải đối mặt với “một cuộc chiến tranh thời hiện đại”, người đứng đầu Điện Kremlin có khả năng sẽ lựa chọn một cuộc chiến tranh “của riêng mình” để thoát khỏi thế trận bao vây. Nguy cơ này rất dễ xảy ra, chỉ có điều liệu quyết định đó có được đưa ra vào năm 2018 hay không.

Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin dự định sẽ lùi bước ở Ukraine, hay bất cứ đâu, trước sức ép từ phương Tây. Và trong những bài phát biểu gần đây, nhà lãnh đạo Nga đã ám chỉ rằng ông sẽ không bỏ cuộc. Dù các nước khác không muốn công nhận chính thức việc Nga sáp nhập Crimea, nhưng không ai thực sự lên tiếng thách thức Moskva. Hơn thế, liên minh chống Nga trong EU sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang chứng kiến nhiều rạn nứt.

Trong tương lai gần, con đường thành công đối ngoại của Nga dường như vẫn tiếp tục. Sau khi đánh bại IS ở Syria, Nga sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong việc hòa giải tại quốc gia Trung Đông này, cũng như gia tăng vị thế của mình trong khu vực. Nhưng cũng sẽ có những mối nguy mới đang chờ ông Putin. Xét ở mức độ nào đó, ông Putin sẽ phải bắt đầu đối mặt với sức ép thực sự của các điều kiện trong nước. Và ông cần thêm những thành công về đối ngoại để trung hòa các sức ép này.

Dự án quan trọng nhất với Nga sẽ là làm sâu sắc hội nhập và mở rộng liên minh Á – Âu. Về tiềm năng, liên minh này sẽ phải bao gồm cả Ukraine, mà cuộc tranh giành đất nước này sẽ luôn là ưu tiên số một không chỉ của chính sách đối ngoại, mà cả đối nội ở Nga.

Còn về tổng thể, ông Putin sẽ tập trung vào vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là vấn đề nhân sự, có nghĩa là một giai đoạn thay đổi quy mô giới tinh hoa, thúc đẩy các lực lượng mới, tạo điều kiện cho những con người có tư duy, trung thực, thông minh, có tài, có thể phục vụ đất nước và làm việc trong chính quyền.

17 năm qua chúng ta đã chứng kiến chính quyền của ông Putin chuyển thành công từ thế phòng thủ – tức là chiến đấu để bảo vệ cái họ coi là lợi ích của mình – sang duy trì vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Dù nhiều lần bị truyền thông phương Tây đánh giá là nhà lãnh đạo độc tài; tuy nhiên, Vladimir Putin đã làm nước Nga thay đổi.

Người đàn ông 65 tuổi này vẫn giữ một phong thái của lãnh đạo lớn, đã và đang có những biện pháp để giải quyết khủng hoảng trước niềm tin và sự ủng hộ của người dân “xứ sở bạch dương”.