Xã hội

Vỡ nợ tín dụng đen hàng trăm tỷ đồng chấn động làng quê Nghệ An

Tiến Hùng 19/10/2024 11:53

Đường dây huy động vốn của người dân ở hàng loạt xã tại huyện Quỳnh Lưu hoạt động trong suốt thời gian dài, với quy mô lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, ít ngày trước, những người đứng ra huy động vốn bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, khiến hàng trăm người dân trót gửi tiền điêu đứng.

Làng quê xao xác

Tối 18/10, hàng trăm người dân tập trung trước căn nhà của bà Bùi Thị Nhưng (56 tuổi, thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long) để gây áp lực đòi tiền. Người phụ nữ này là một trong những đầu mối của đường dây tín dụng đen, huy động vốn của hàng trăm người dân nhưng bất ngờ tuyên bố vỡ nợ.

Để đòi được tiền, người dân mang loa tới trước cổng nhà, phát nhạc, hò hét ầm ĩ… Tuy nhiên, cánh cổng sắt của nhà bà này vẫn đóng kín mít.

Bất lực, người dân tiếp tục kéo đến nhà của một đầu mối khác là Trần Thị Hoan (57 tuổi, xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu). Chính quyền địa phương đã phải cắt cử lực lượng chức năng để đảm bảo an ninh trật tự, tránh xảy ra xô xát.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đường dây huy động vốn này do một nhóm người có họ hàng với nhau cầm đầu. Với số tiền huy động của người dân lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Hàng trăm người dân bao vây trước cổng nhà bà Trần Thị Hoan tối 18.10
Hàng trăm người dân bao vây trước cổng nhà bà Trần Thị Hoan tối 18/10. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Bùi Hạm (61 tuổi, xã Quỳnh Long) cho biết, mấy ngày gần đây, vợ chồng ông mất ăn, mất ngủ vì tiếc tiền. Không chỉ rót hết toàn bộ gia tài vào đường dây tín dụng đen, ông Hạm còn đi vay mượn bên ngoài để gửi vào đây hưởng chênh lệch lãi suất.

Ông Hạm kể, trước đây vợ chồng ông làm ăn ở miền Nam. “Mấy năm trước, đất ở trong đó lên cao, nên tôi bán hết cũng kiếm được số tiền kha khá, rồi chuyển về quê sinh sống”, ông Hạm kể và cho hay, trở về quê, thấy nhiều người dân gửi tiền lấy lãi suất, ông cũng gửi theo. Đầu năm 2023, ban đầu ông gửi thử 500 triệu đồng cho bà Trần Thị Hoan, với lãi suất 1,5%/tháng. Thấy người này trả lãi đều đặn, vợ chồng ông tin tưởng, dần gửi thêm số tiền lớn hơn. Ngoài bà Hoan, ông Hạm còn gửi tiền cho bà Bùi Thị Nhưng và Trần Thị Vin (47 tuổi, thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long), với lãi suất tương tự. Đến nay, số tiền mà gia đình ông Hạm gửi vào 3 đầu mối này lên đến hơn 9 tỷ đồng. Với số tiền đi gửi này, trước đây mỗi tháng ông Hạm sẽ nhận đến khoảng 135 triệu tiền lãi suất.

Ông Hạm gửi vào 3 đầu mối của đường dây tín dụng đen với số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Ông Hạm gửi vào 3 đầu mối của đường dây tín dụng đen với số tiền hơn 9 tỷ đồng. Ảnh: Tiến Hùng

“Thật ra thì lãi suất cũng cao thật, cao hơn so với đi gửi ở ngân hàng. Lại rất thuận tiện khi rút và gửi, không cần thủ tục phức tạp nên cũng hấp dẫn. Ngoài ra, những người này cũng tạo một vỏ bọc rất hoàn hảo để chúng tôi tin tưởng. Họ sống cuộc sống rất thành đạt, thường xuyên đi phát cháo từ thiện khắp nơi, được vinh danh liên tục. Cứ tưởng họ cần vốn để đầu tư bất động sản, ai ngờ là lừa đảo”, ông Hạm nói với giọng ấm ức.

Ít ngày trước, dân làng bắt đầu râm ran về chuyện đường dây tín dụng đen vỡ nợ, ông Hạm mới hay tin. Khi tìm đến 3 người mà ông Hạm đã gửi tiền thì nhận được câu trả lời “không còn khả năng chi trả”. Kể từ đó, ông Hạm như “ngồi trên đống lửa”, bởi trong số tiền 9 tỷ đồng ấy, còn có tiền của vợ chồng con ông và cả tiền ông đi vay mượn. “Chiếc ô tô tôi mới mua hơn 600 triệu đồng, nhưng hôm qua đã phải chấp nhận bán rẻ 480 triệu đồng để còn trả cho người ta. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đấy hết rồi”, ông Hạm nói.

Căn nhà của bà Trần Thị Hoan đóng cửa kín mít suốt nhiều ngày qua.
Căn nhà của bà Trần Thị Hoan đóng cửa kín mít suốt nhiều ngày qua. Ảnh: Tiến Hùng

Hàng trăm nạn nhân

Không chỉ nhận tiền của những người được xem là khá giả như nhà ông Hạm, đường dây tín dụng đen này còn nhắm đến cả những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Bà Bùi Thị Trọn (74 tuổi), là một trong số đó. Chồng mất cách đây không lâu, bà Trọn phải một mình nuôi cậu con trai mắc bệnh tâm thần. Ít năm trước, bà Trọn phải bán mảnh đất để trả nợ. Sau khi trang trải xong, còn dư 150 triệu đồng, cũng như những hàng xóm khác, bà mang hết tiền để gửi cho bà Trần Thị Hoan nhằm lấy lãi suất, lo cho cuộc sống của 2 mẹ con hàng tháng.

“Cứ mỗi tháng, tôi nhận tiền lãi được 2,1 triệu đồng để mua gạo, mua thức ăn cho 2 mẹ con. Giờ hết tuổi lao động rồi, cũng không có trợ cấp gì nên chỉ trông chờ vào khoản tiền ấy. Không ngờ lại ra nông nỗi này”, bà Trọn kể và cho hay, khi đường dây tuyên bố vỡ nợ, bà cũng tới nhà khóc lóc, chỉ xin bà Hoan thương tình là hàng xóm lâu đời, viết giấy cam kết khi nào sẽ trả lại tiền, nhưng cũng bị từ chối.

Bà Nhọn mất ăn, mất ngủ suốt nhiều ngày qua vì tiếc tiền.
Bà Trọn mất ăn, mất ngủ suốt nhiều ngày qua vì tiếc tiền. Ảnh: Tiến Hùng

Còn bà Nguyễn Thị Mơi (70 tuổi, xã Quỳnh Thuận), cho biết, gia đình làm nghề muối, sau nhiều năm dành dụm được 90 triệu đồng cũng gửi vào tín dụng đen này. Ngoài ra, vợ chồng người con gái bà cũng gom được hơn 1 tỷ đồng, trong lúc chờ xây nhà cũng gửi vào đây để kiếm chút lãi suất. Kể từ khi nghe tin đường dây tín dụng đen bị vỡ, bà cũng chẳng còn tha thiết với ruộng muối, suốt ngày quanh quẩn trước nhà của người vay tiền nhưng cũng không được tiếp chuyện.

Một nạn nhân khác là ông Trần Văn Dũng (56 tuổi), thì cho rằng, đường dây tín dụng đen này có dấu hiệu liên kết với nhau để lừa đảo. “Những đầu mối huy động vốn từ người dân đều là chị em ruột hoặc là anh em họ hàng với nhau cả. Trước khi tuyên bố vỡ nợ, họ ráo riết gọi điện rồi tìm đến nhiều nhà dân để huy động. Gửi bao nhiêu tiền họ cũng nhận. Thậm chí, có những bà làm nghề cào ngao, cào hến mỗi ngày kiếm vài chục nghìn, họ cũng không tha. Thật là nhẫn tâm”, ông Dũng bức xúc nói.

Bà Mơi khóc nức nở vì khoản tiền làm muối dành dùm suốt nhiều năm.
Bà Mơi khóc nức nở vì khoản tiền làm muối dành dụm suốt nhiều năm. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ở xã Quỳnh Long, những người chị em khác của bà Trần Thị Hoan lấy chồng về sinh sống ở các xã như Quỳnh Thạch, Sơn Hải, Quỳnh Hồng… cũng đứng ra huy động với số tiền rất lớn từ người dân ở những địa phương này. Rồi cùng lúc cũng tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, bà Trần Thị Vin – một trong những đầu mối huy động vốn cho biết, trước đây gia đình vốn làm nghề đi biển. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đánh bắt ngày càng khó khăn, vợ chồng quyết định bán tàu cá, chuyển qua làm nghề đáo hạn ngân hàng. Vì công việc thường xuyên cần số tiền lớn, nên bà bắt đầu nhận tiền gửi của người dân rồi trả lãi cho họ với mức lãi suất từ 1,5% đến 2%/tháng. Bà Vin và bà Trần Thị Hoan là con chị, con em.

“Cách đây không lâu, chị gái đầu của bà Trần Thị Hoan là chị Trần Thị Hoài (lấy chồng về xã Quỳnh Thạch), liên hệ với tôi và bảo có tiền thì cứ gửi cho chị ấy, hưởng lãi suất 3%/tháng. Vì là chị em họ với nhau, nên tôi cũng tin tưởng, nhận tiền của người dân trong làng rồi gửi cho chị ấy để hưởng lãi suất chênh lệch”, bà Vin kể và cho hay, ngoài ra, gần đây một người em họ khác trong gia đình là Bùi Quang D. (trú TP HCM), cũng liên hệ cho bà để huy động vốn làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng”. Bố của D. là em trai ruột của mẹ bà Vin và mẹ của bà Hoan, bà Hoài…

“Thật ra, tôi cũng là nạn nhân. Khoảng đầu tháng 10, cậu D. có điện thoại cho tôi bảo là cần huy động số tiền lớn, nên tôi gửi vào đó 14 tỷ đồng. D. có hứa là đến muộn nhất ngày 16/10 này sẽ chuyển lại hết cho tôi, nhưng đến ngày 15/10 thì người dân trong đó phát hiện vợ chồng cậu ấy đã chết trong quán café rồi. Tôi vội vã bay vào trong đấy thì mới biết cậu D. bị vỡ nợ”, bà Vin kể và cho hay, ngoài ra, bà cũng đang còn khoảng 13 tỷ đồng gửi cho bà Trần Thị Hoài (xã Quỳnh Thạch), chưa lấy lại được.

“Tính cả khoản tiền tôi gửi cho cậu D. và chị Hoài là 27 tỷ đồng, toàn bộ số tiền ấy là tôi huy động của người dân trong làng, giờ có bán hết gia sản cũng không đủ để trả cho người dân. Còn chị Hoài thì cho biết, chị ấy cũng thê thảm hơn tôi, huy động được hơn 100 tỷ đồng gửi cho cậu D., vì thế tôi cũng chưa thể đòi lại được tiền từ chị”, bà Vin nói thêm.

Người dân tập trung trong đêm để gây áp lực đòi tiền.
Người dân tập trung trong đêm để gây áp lực đòi tiền. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Trần Văn Nguyện – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết, thông tin đường dây tín dụng đen vỡ nợ đã gây chấn động cả xã suốt những ngày qua.

“Họ huy động vốn một cách rất bí mật, nên xã cũng rất khó nắm bắt. Qua nắm tình hình ban đầu thì ít nhất hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã gửi tiền vào đường dây tín dụng đen này, với số tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể, còn có nhiều nạn nhân khác ở khắp các xã khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Ở xã Quỳnh Long thì có ít nhất 4 đầu mối huy động tiền, những người này lâu nay đều có vỏ bọc thành đạt”, ông Nguyện nói và cho hay, những ngày qua, chính quyền địa phương cũng rất vất vả trong việc đảm bảo an ninh trật tự khi người dân kéo đến nhà của những đầu mối trong đường dây tín dụng đen này.

Ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, lãnh đạo huyện cũng đã nắm được thông tin vỡ đường dây tín dụng đen liên quan đến nhiều xã trên địa bàn. “Hiện nay, chúng tôi đã giao cho Công an huyện nắm tình hình. Nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ khởi tố vụ án, xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Thưởng nói.

Mới nhất
x
Vỡ nợ tín dụng đen hàng trăm tỷ đồng chấn động làng quê Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO