Vốn chính sách tạo sinh kế thoát nghèo cho đồng bào dân tộc ở Nghệ An
(Baonghean) - Vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An gồm có 11 huyện, thị xã, trong đó 3 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bằng nhiều chương trình chính sách, đặc biệt là vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ được vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả.
Tạo "cần câu” cho người nghèo
Ông Vũ Đức Quý (SN 1950) trú tại bản Mới, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại các chiến trường Nam Lào và Thượng Lào, là bệnh binh 1/4. Kết thúc chiến tranh, năm 1986, ông trở về quê lập nghiệp trên mảnh đất núi rừng xã Châu Phong.
Trở về quê hương, ông trăn trở với quyết tâm làm ăn để làm gương cho con cháu. Năm 2011 ông được bình xét cho vay 20 triệu đồng từ chương trình sản xuất, kinh doanh cùng với một ít vốn tích lũy trong quá trình sản xuất hàng năm. Từ số tiền đó, ông mua 2 con dê, đào ao thả cá, trồng keo trên rừng nhà.
Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất chăn nuôi nên đàn dê sinh sản liên tục, ao cá cũng cho thu nhập tốt, rừng keo lớn nhanh, trung bình mỗi năm trừ chi phí cho lãi 80 triệu đồng, giúp nuôi sống cả gia đình và cho các con ăn học. Đến năm 2015, khi khoản nợ vay đến hạn ông trả đầy đủ và xin vay thêm 20 triệu đồng từ Chương trình sản xuất, kinh doanh cùng với số tiền tích lũy của gia đình để mua 4 con bò giống. Đến nay, đàn bò của gia đình đã sinh sản được 8 con, mang lại thu nhập cao.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (phải) kiểm tra các thông tin tín dụng được Ngân hàng CSXH công bố tại trụ sở UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Huyền |
Hoàn cảnh gia đình ông Hà Xô Viết ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch cũng rất khó khăn. Năm 2004, với nguồn vốn 4 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện, ông mua 1 con trâu sinh sản để chăn nuôi. Đến hạn ông trả nợ theo quy định. Sau đó ông mạnh dạn vay vốn Chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn số tiền 30 triệu đồng, mua thêm 2 con trâu. Hiện nay, ông Hà Xô Viết đã có tổng đàn trâu trên 20 con; ông còn có 1 ha rừng trồng keo và cây quế; vườn sản xuất rau màu 2 ha; đào 3 ao thả cá trên 600m2, đưa thu nhập bình quân hàng năm từ 70 - 100 triệu đồng.
Được biết, tại Quế Phong, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp cho 5.663 hộ nghèo được vay vốn vượt qua ngưỡng thoát nghèo; số hộ cận nghèo, thoát nghèo được vay vốn và thực sự thoát nghèo bền vững trở thành hộ khá, giàu là 2.745 hộ; số lao động được thu hút, tạo được việc làm mới và thoát nghèo là 460 lao động; số lao động được vay vốn đi XKLĐ ngoài nước là 105 lao động; số HSSV được vay vốn là 170 học sinh, sinh viên; số hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở là 475 hộ; 1.218 hộ dân được vay vốn để xây dựng công trình nước sạch.
Gia đình anh Vy Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn vay vốn đầu tư trang trại hiệu quả. Ảnh: Thu Huyền |
Ở huyện Quỳ Hợp, qua vay vốn chính sách ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20,92% (năm 2015) xuống 15,76% năm 2017, giúp cho 2.291 hộ thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho 216 lao động; tạo điều kiện cho 118 lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ chi phí học tập cho 532 học sinh, sinh viên, xây dựng được 490 ngôi nhà cho hộ nghèo, xây dựng mới và nâng cấp 2.376 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...
Mục tiêu giảm nghèo bền vững
Đến nay, với việc triển khai cho vay 20 chương trình tín dụng trong toàn tỉnh, tổng nguồn vốn chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang quản lý là 8.157 tỷ đồng. Tổng số dư nợ các chương trình vay tại các huyện miền núi là 4.282 tỷ đồng với tổng số gần 155.000 khách hàng dư nợ, chiếm trên 50% dư nợ toàn tỉnh.
Ngân hàng CSXH làm việc với các tổ vay vốn ở Tà Cạ, Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Huyền |
Công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng hàng năm được Ngân hàng CSXH tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao; việc cho vay được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng. Cơ bản đa số hộ nghèo và các đối tượng đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ thoát nghèo. Chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã có sự tham gia của toàn xã hội hướng tới giúp đỡ người nghèo với sự chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH, đã giúp cho hàng ngàn lượt hộ nghèo có vốn để phát triển chăn nuôi đại gia súc (như trâu, bò, dê...), xây mới, sửa chữa, cải tạo hàng ngàn m2 chuồng trại chăn nuôi, đầu tư mua sắm vật tư, máy móc, dụng cụ sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ, làm nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường…
Anh Lương Hữu Phương ở xóm Tân Thọ, xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Việt Phương |
Các tổ chức hội thu hút hội viên, phối, kết hợp với chính quyền, hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên của mình tạo mối đoàn kết trong nhân dân, các hộ nghèo tương trợ, giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau cùng phát triển. Nguồn vốn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu các đối tượng thụ hưởng chính sách, tăng trưởng theo kế hoạch đã được phân bổ hàng năm, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều mô hình hiệu quả từ vốn vay Ngân hàng CSXH như hỗ trợ cho vay học sinh, sinh viên, vay vốn sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở... tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Quế Phong.
Các chương trình vay vốn từ Ngân hàng CSXH đã giúp hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn miền núi từng bước thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, tích cực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ngày càng ổn định cuộc sống. Giám sát thực tế cho thấy việc triển khai các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có đóng góp to lớn đối với công tác giảm nghèo và cải thiện đời sống của người dân, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đồng thời làm thay đổi diện mạo của các thôn, bản, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Giảm nghèo bền vững là chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm, tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn, “không ai bị bỏ lại phía sau”, vùng núi tiến kịp vùng xuôi.