Vốn đối ứng cho các dự án ODA: Bài toán khó!

18/12/2013 16:54

(Baonghean) - Thiếu nguồn vốn đối ứng, trong khi nhà tài trợ lại yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm đúng theo kế hoạch…, là những khó khăn của Dự án Khôi phục, nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An và Tiểu dự án Phát triển đô thị Vinh. Nếu không có phương án giải quyết nguồn vốn kịp thời, những dự án quan trọng này sẽ gặp nhiều khó khăn về tiến độ.

(Baonghean) - Thiếu nguồn vốn đối ứng, trong khi nhà tài trợ lại yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm đúng theo kế hoạch…, là những khó khăn của Dự án Khôi phục, nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An và Tiểu dự án Phát triển đô thị Vinh. Nếu không có phương án giải quyết nguồn vốn kịp thời, những dự án quan trọng này sẽ gặp nhiều khó khăn về tiến độ.

Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng trong thập niên 30 của thế kỷ trước, nhiệm vụ là cấp nước tưới cho 34.500 ha đất canh tác và phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân 4 huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt và tiêu úng cho vùng trũng Yên Thành – Diễn Châu.

Thi công hạng mục nâng cấp, cải tạo kênh Bắc – TP Vinh.
Thi công hạng mục nâng cấp, cải tạo kênh Bắc – TP Vinh.

Sau thời gian dài khai thác sử dụng, và chịu sự tàn phá của chiến tranh, hầu hết các hạng mục công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, gây thất thoát lãng phí nước rất lớn. Đặc biệt trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình hạn hán rất gay gắt, xâm nhập mặn ngày một lớn, nhu cầu dùng nước lại ngày càng tăng, vì vậy sản xuất nông nghiệp không ổn định, cuộc sống của người dân trong vùng rơi vào cảnh khó khăn. Việc sớm đầu tư khôi phục, nâng cấp Hệ thống Thuỷ lợi Bắc Nghệ An là rất cần thiết, nên năm 2009 dự án này được đưa vào danh sách sử dụng vốn ODA, sau đó Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA – Nhật Bản) đã hỗ trợ dự án “Khôi phục, nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An” với tổng mức đầu tư hơn 5.705.456 triệu đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản (JICA), vốn đối ứng trung ương và địa phương. Theo đó, hợp phần 1 là đầu tư xây dựng khôi phục, nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An (do ngành Nông nghiệp làm chủ đầu tư) có tổng mức đầu tư là 5.205.582 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Ban quản lý NN&PTNT (NAPMU) cho biết: “Mục tiêu của dự án là khôi phục, nâng cấp toàn bộ hệ thống để đảm bảo an toàn công trình lâu dài, tưới ổn định 27.656 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu; Cấp nước sinh hoạt cho 969.000 người và 934.000 con gia súc; Cấp nước 1,89 m3/s cho các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (trong đó có Nhà máy thép Kobelco VietNam do Nhật Bản đầu tư) và các nhà máy công nghiệp khác trong vùng dự án; tiêu úng 1.405 ha cho vùng trũng Yên Thành – Diễn Châu; Ngăn mặn giữ ngọt để tạo nguồn cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt. Thời gian thực hiện các hạng mục công trình rất cấp thiết, tuy nhiên, hiện nay dự án đang gặp rất nhiều khó khăn do sự chậm trễ của công tác thiết kế, thiếu nguồn vốn đầu tư”.

Được biết, gói thầu thiết kế chi tiết và giám sát thực hiện dự án lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế nên kế hoạch cho dự án có nhiều thay đổi, đặc biệt thời gian thực hiện dự án chậm so với kế hoạch. Đặc biệt trong công tác GPMB sẽ gặp nhiều khó khăn, do triển khai trên địa bàn rộng và phải đảm bảo đúng chính sách an toàn của nhà tài trợ... Nguyên tắc thực hiện GPMB là phải có hồ sơ thiết kế chi tiết, cắm mốc biên GPMB mới có thể triển khai lên phương án, tổ chức kiểm đếm… Tuy nhiên, thời gian hoàn thiện hồ sơ thiết kế chi tiết dự kiến sớm nhất là 31/12/2014 mới hoàn thành dẫn đến chậm tiến độ trong GPMB, tiến độ thực hiện dự án là khó tránh khỏi.

Một công trình quan trọng khác là Dự án Phát triển các đô thị loại vừa thuộc Tiểu dự án Phát triển đô thị Vinh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 128,434 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới 98 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 30,43 triệu USD. Thông qua nguồn vốn đó để thực hiện 4 hợp phần là cải thiện dịch vụ và nâng cấp cơ sở hạ tầng; Cải thiện vệ sinh môi trường; Xây dựng cầu và đường đô thị; Tăng cường năng lực kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật. Dự án khởi động từ năm 2012, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường GPMB tại kênh Bắc đoạn 1 – 3 và khu tái định cư phường Quán Bàu, xã Nghi Phú, đồng thời bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Công tác thiết kế và tổ chức thi công cũng thực hiện đúng tiến độ. Hiện gói thầu xây dựng vệ sinh trường học đã thi công 24/32 trường học, trong đó đã thi công xong phần thô 19 trường học. Tại công trình xây dựng kênh Bắc 1 – 3, các nhà thầu đã tiến hành vớt bèo, phát cây, làm đường công vụ... Điển hình là gói thầu xây dựng kênh Bắc đoạn 1, nhà thầu đã thi công xong phần xử lý nền, đổ bê tông phần đáy của 2 cốt cống hộp... Do thực hiện tốt các hạng mục công trình, nên hiện nay nguồn vốn ODA đã cấp là hơn 5,844 triệu USD (lũy kế giải ngân là hơn 4,060 triệu USD) và nguồn vốn đối ứng đã cấp 206.820 triệu đồng (đã giải ngân 204.866 triệu đồng), trong đó ngân sách Trung ương cấp 128 tỷ đồng, ngân sách địa phương 178 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thạc Chính – Trưởng Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cho biết: “Do nguồn vốn đối ứng của địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nên để bảo đảm tiến độ của dự án, các cấp, ngành liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi để cơ cấu, phân bổ lại nguồn vốn đối ứng cho dự án và theo đó, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 70% và ngân sách địa phương là 30%. Với việc cơ cấu lại nguồn vốn đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai dự án”. Tuy vậy, nguồn vốn đối ứng của địa phương cũng rất khó khăn và chính vì vậy, một số gói thầu còn lại của giai đoạn 1 là khu tái định cư phường Quán Bàu và kênh Bắc đoạn 3 phải giãn tiến độ đấu thầu (dự kiến, nguồn vốn đối ứng để bồi thường, GPMB cho 2 gói thầu còn lại này là 270 tỷ đồng).

Sẽ khó tìm được lời giải bài toán vốn đối ứng cho dự án và hơn nữa theo kế hoạch, trong quý 1//2014 sẽ cần đẩy nhanh tiến độ của một số hạng mục công trình như: Phê duyệt quy hoạch 4 khu tái định cư còn lại tại xã Hưng Đông và lựa chọn nhà thầu để lập quy hoạch tại xã Hưng Tây. Triển khai công tác khảo sát, thiết kế, cắm mốc thực địa GPMB, khu tái định cư giai đoạn 2. Tiếp tục chi trả dứt điểm tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng hoàn chỉnh các hạng mục của giai đoạn 1 và đấu thầu để lựa chọn các nhà thầu thi công các hạng mục của dự án... Như vậy, trong thời gian tới, nhu cầu nguồn vốn là rất lớn và với thực tế như hiện nay là rất khó đáp ứng được yêu cầu đó.

Do thiếu nguồn vốn đầu tư, nên nhiều dự án trên địa bàn tỉnh không bảo đảm tiến độ và nếu không có phương án giải quyết kịp thời nguồn vốn cho dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An, Tiểu dự án Phát triển đô thị Vinh sẽ bị ngưng trệ, chậm tiến độ.

Hoàng Vĩnh

Mới nhất

x
Vốn đối ứng cho các dự án ODA: Bài toán khó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO