VOV cần đổi mới theo xu thế cá nhân hóa, di động hóa
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong bối cảnh công nghệ cũng như ngành TT&TT thế giới phát triển mạnh, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đứng trước yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, phù hợp xu thế cá nhân hóa, di động hóa.
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 – 7/9/2015) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2 vừa diễn ra sáng nay 7/9 tại Hà Nội.
Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương... và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba cho Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến. (Ảnh: B.M) |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ôn lại 70 năm hình thành và phát triển của Đài.
Theo đó, đúng 11h30' ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng (theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đài phát thanh quốc gia) với lời khẳng định “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” trên nền nhạc hiệu là bài “Diệt phát xít” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.
Từ 90 phút phát sóng ngày đầu tiên đến nay, mỗi ngày, VOV đã phát sóng trên 600 giờ với hơn 250 chương trình, phục vụ mọi đối tượng trong xã hội, phủ sóng rộng khắp trong nước và quốc tế ở 7 Hệ chương trình phát thanh, 2 kênh truyền hình (Kênh Truyền hình VOV và Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam), 1 tờ báo in (Báo Tiếng nói Việt Nam), 1 báo điện tử vov.vn; phủ sóng phát thanh 97,43% địa bàn dân cư trong nước, một vùng rộng lớn trên biển Đông và trên thế giới. Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông quốc gia đầu tiên hội đủ 4 thể loại báo chí: phát thanh, truyền hình, báo viết và báo điện tử.
Hiện VOV đã ứng dụng công nghệ hiện đại, phát thanh qua Internet, vệ tinh, từ đó nối dài cánh sóng vượt qua mọi giới hạn của không gian, mang tiếng nói của Tổ quốc đến mọi miền đất nước cũng như ra thế giới..
Hệ thống thiết bị kỹ thuật truyền dẫn phát sóng của VOV đã có trên 50 đài trạm phát sóng khu vực, tổng công suất phát sóng lên tới gần 8.000kw phát sóng 24/24h hàng ngày. Đài cũng đã ứng dụng công nghệ phát thanh kỹ thuật số, sử dụng phần mềm chuyên dụng trong sản xuất chương trình, đầu tư hệ thống lưu trữ thông tin, hệ thống truyền hình camera ở 63 tỉnh thành và hệ thống truyền dẫn truyền hình số mặt đất.
“Trước sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, Đài đang thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành tổ hợp truyền thông đa phương tiện tiên tiến, hiện đại hàng đầu của quốc gia. Đặc biệt, mới đây, Đài VTC chính thức sáp nhập vào VOV, đây là thời cơ và thách thức lớn trong việc mở rộng hơn mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện có tính tương tác cao và sự thống nhất trong đa dạng của VOV”, Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Tiến chia sẻ thêm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba cho Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến. (Ảnh: B.M) |
Đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Đài Tiếng nói Việt Nam trong 70 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý: “Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ cũng như ngành TT&TT thế giới phát triển rất mạnh mẽ. Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những bước đi năng động, sáng tạo, đột phá. Mới đây vừa được bàn giao thêm Đài VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam đứng trước thời cơ và yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt, phù hợp xu thế cá nhân hóa, di động hóa. Đài cần tăng cường hợp tác, vươn ra khu vực và thế giới, xứng đáng với vinh dự “Đây là Tiếng nói Việt Nam”, tiếng nói non sông, tiếng nói của một dân tộc anh hùng, một dân tộc văn hóa”.
Theo Infonet