Vovinam sẽ vắng mặt ở SEA Games 2025
Đưa tới 44 môn vào chương trình thi đấu SEA Games 2025, nhưng chủ nhà Thái Lan vẫn kiên quyết loại Vovinam của Việt Nam.
Hôm 25/10 vừa qua, Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đã có phiên họp lần 2 tại Thái Lan, nội dung chủ yếu để thảo luận về những vấn đề xoay quanh Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 2025 ở Thái Lan). Đại hội sẽ tổ chức ở Bangkok, Chonburi và Songkhla từ ngày 9 tới 20/12 năm sau. Đại hội có 44 môn thi đấu, tranh tài ở 567 bộ huy chương.
Đây là kỳ Đại hội có nhiều môn thi đấu nhất kể từ SEA Games 2019 ở Philippines (56 môn). Dù vậy, bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của một loạt quốc gia, người Thái đã quyết định không đưa Vovinam vào chương trình thi đấu.
Quyết định của nước chủ nhà gây ngỡ ngàng cho đoàn Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. Theo thông lệ, một môn thi đấu sẽ được đưa vào chương trình khi có 4 nước ủng hộ. Ở SEA Games 33, Vovinam có hơn 5 nước ủng hộ. Chính Liên đoàn Vovinam Thái Lan cũng không phản đối việc đưa môn võ này vào chương trình thi đấu của Đại hội. Tuy nhiên, chủ nhà đã nói không.
Quyết định của người Thái Lan khép lại quá trình vận động dài hơi, tốn nhiều công sức của Việt Nam. Trên hành trình đó, phía Việt Nam đã dành rất nhiều ưu ái để đầu tư phát triển Vovinam ở Thái Lan. Nhiều VĐV, chuyên gia đã được cử sang Thái, giúp Thái xây dựng được đội Vovinam rất mạnh. Lãnh đạo Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Cục TDTT đã nhiều lần tác động ở cả cấp độ Liên đoàn lẫn cấp quản lý thể thao.
Lý do người Thái đưa ra là thiếu kinh phí, nhưng dường như đây là lý do không thật sự thuyết phục. Khác với các môn như bóng đá hay điền kinh đòi hỏi đầu tư lớn, các môn võ trong nhà như Vovinam thường tận dụng được cơ sở vật chất có sẵn, không đòi hỏi xây mới. Thực tế SEA Games cho thấy chỉ với một khu Liên hợp, chủ nhà thường có thể tổ chức 4 tới 6 môn thi đấu trong nhà tương tự Vovinam. Các quốc gia tham dự cũng phải đóng 50 USD/người/ngày nên chi phí thực tế của chủ nhà còn thấp hơn.
Việc không thể đưa Vovinam vào chương trình SEA Games sẽ làm chậm sự phát triển của Vovinam ở khu vực. Theo quy định, nếu một môn thể thao có mặt ở Đại hội thể thao Đông Nam Á 3 lần liên tiếp, nước chủ nhà kỳ kế tiếp có thể ưu tiên chọn ngay mà không cần tham khảo ý kiến các nước thành viên trong khu vực. Trong lịch sử, Vovinam Việt Nam đã 2 lần được chọn 2 kỳ liên tiếp (SEA Games 26, 27 và 31, 32). Không được chọn lần này đồng nghĩa với việc sẽ phải có thêm những quá trình vận động dài hơi và mệt mỏi hơn trong tương lai.
Điều đó cũng phần nào tác động tới sự phát triển đang lên của Vovinam trên thế giới.
Vovinam hiện có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước phát triển như Mỹ, Đức, Nga, Anh, Pháp... với hơn 2,5 triệu người chơi. Giải vô địch thế giới Vovinam tương đối có truyền thống, được tổ chức lần đầu hồi 2002.
Năm 2023, giải thế giới tổ chức ở TP.HCM có 650 VĐV, HLV, quan chức... từ 35 nước và vùng lãnh thổ tới tham gia, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ về chiều rộng. Nhiều chuyên trang thể thao đánh giá Vovinam thậm chí nằm trong nhóm có thể hướng tới hiện diện tại Asian Games hay Olympic. Nhưng ngay tại quê nhà Đông Nam Á, môn võ của Việt Nam cũng chưa chinh phục xong SEA Games.
Trở lại với SEA Games 2025, cơ hội cho Vovinam vẫn còn le lói khi Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam Nguyễn Bình Định cho biết trong tuần tới, Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Thái Lan sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Thể thao Thái Lan. Do SEA Games vẫn còn 1 năm, hy vọng là vẫn còn.