Vụ cảnh sát giao thông bị xe tông - một góc nhìn

Thu Phương 11/07/2019 20:18

(Baonghean.vn) - Mặt trận “an toàn giao thông” vô cùng phức tạp, nóng bỏng. Muốn vậy, người chiến sĩ CSGT ngoài “tự trọng, tự ái nghề nghiệp” là điều tối thượng cần phải có; ngoài việc nắm chắc kiến thức pháp luật nghiệp vụ là điều không thể thiếu thì họ cần phải nhạy bén trong xử trí tình huống.

1. Mấy hôm vừa rồi, thực lòng tôi không dám xem clip đối tượng Đỗ Văn Thắng không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao rồi tông xe vào Thượng úy Nguyễn Trọng Quý, khiến Thượng úy Quý bị bị hất văng lên cao, thương tích vùng đầu và mặt, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Sự việc xảy ra ở huyện An Lão, Hải Phòng. Trong lòng tôi trào lên cảm giác xót xa Thượng úy Quý. Khoan hãy nói chuyện “đúng – sai”, “nên hay không nên” ở đây mà hãy đặt mình vào trường hợp của anh Quý, bị xuất huyết não, gãy xương cánh tay và nhiều chấn thương khác. Hãy tạm coi anh ấy là người thân của mình, hãy tạm nhập vai mình là vợ, là con, là bố mẹ anh Quý, để cảm nhận nỗi đau đớn tột cùng mà họ đang phải chịu đựng, liệu ai đó có dám lạnh lùng, vô cảm quay sang phê phán Thượng úy Quý hay không?

Cá nhân tôi cầu mong anh sớm bình phục, sớm trở lại công việc. Và tôi thấy khi sự việc vừa xảy ra, trên mạng xã hội, ai đó đã lên tiếng chê Thượng úy Quý nghiệp vụ kém, thậm chí là ngu xuẩn và hả hê với nỗi đau đớn mà anh Quý và người thân của họ đang phải gánh chịu, thì thật là bất nhẫn, lạnh lùng, thậm chí mất nhân tính.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên CSGT bị “chống người thi hành công vụ”. Đã từng xảy ra nhiều vụ lái xe hất CSGT lên nóc capo. Ở hầu hết các vụ việc này, không có tình trạng đối tượng chạy tốc độ cao. Có vụ CSGT đang lập biên bản thì lái xe nổ máy, rồ vào CSGT, nếu chiến sĩ CSGT không bám được vào cần gạt nước thì có lẽ tính mạng đã bị tước đoạt. Nói như thế để thấy, một khi đối tượng có ý định “chống người thi hành công vụ”, cố ý gây tội ác thì thật khó tránh khỏi.

Một lần ngồi ở một chốt giao thông, tôi hỏi một chiến sỹ CSGT: Vì sao biết đối tượng vi phạm đang chạy tốc độ cao, mà các anh vẫn lao ra chặn? Chiến sỹ này nói luôn: Thấy đối tượng vi phạm mà mình lại “né” sang một bên, cho đối tượng thoát thì tức lắm, làm nghề nào cũng có “tự trọng nghề nghiệp” của nghề đó. Mình tránh được mình nhưng với tốc độ đó, đối tượng có thể gây nguy hiểm cho biết bao người khác. Vậy nên lúc đó phải dừng đối tượng lại bằng được, dù biết có nguy hiểm. Có lúc không kịp nghĩ đến sự nguy hiểm.

Tôi rất đồng cảm với sự chia sẻ của anh CSGT này và tôi tin rằng, còn biết bao chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ cũng vì sự “tự trọng nghề nghiệp”, “tự ái nghề nghiệp” mà không thể khoan nhượng với vi phạm. (Thế nên mới có rất nhiều chiến sỹ cảnh sát hình sự vẫn xông vào đánh trả đối tượng đang lăm lăm dao nhọn trên tay và biết thừa đối tượng nhiễm HIV, nhưng lúc đó, các anh không còn đủ thời gian để toan tính, mình sẽ bị phơi nhiễm HIV ngay lập tức). Một cán bộ CSGT khác tâm sự rằng, nếu chỉ vì sự an toàn cho bản thân mà nhượng bộ, thỏa hiệp thì sẽ mãi nhượng bộ, thỏa hiệp. “Đứng đường” cũng cần phải “đầu gấu”. Thực tế đã xảy ra tình huống CSGT lao lên capo nỗ lực chặn xe, không cho đối tượng thoát. “Trong tình huống khẩn cấp đó, rất khó để áp dụng các bài học trong giáo trình vì nếu để đối tượng thoát thì xấu hổ, tức lắm”, cán bộ CSGT nọ chia sẻ.
Ở bài viết này, tôi không nói nhiều về vất vả của CSGT và tôi cũng biết rằng, trong lĩnh vực tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vẫn còn tình trạng “này nọ”, làm rầu lòng dư luận. Chỉ biết rằng, một ngày đèn đỏ hỏng, không có CSGT đứng ra phân luồng, thì thành phố sẽ hỗn loạn. Không có CSGT làm nhiều vụ trên các tuyến đường giao thông trọng điểm, tai nạn sẽ xảy ra rất nhiều…

2. Trở lại câu chuyện của Thượng úy Nguyễn Trọng Quý. Khi xa xót anh, tôi càng tha thiết mong những sự việc đau lòng tương tự như thế này đừng bao giờ xảy ra, và trên thực tế, CSGT hoàn toàn có thể “phòng, tránh” được. Vì các anh đều được đào tạo chính quy, bài bản. Một Đại tá, Phó Giáo sư, chuyên gia về an toàn giao thông cho tôi biết, anh đã nghiên cứu vụ việc này và nhận định, Thượng úy Quý và tổ công tác ra tín hiệu dừng đối tượng Thắng là đúng quy trình, không có chuyện sai quy trình. Đây là một rủi ro trong công việc. Có vụ, CSGT đứng cách xa 50 m, nhưng đối tượng vẫn cố tình lao vào thì cũng không thể tránh khỏi. Vụ việc đối tượng Thắng tông xe vào Thượng úy Quý là hành vi chống người thi hành công vụ, không thể chấp nhận được và chắc chắn đối tượng này sẽ bị xử lý nghiêm. Vị Đại tá này cho hay, giáo trình trong nhà trường có đề cập tới một số tình huống nhưng thực tế lại xảy ra vô vàn tình huống. Do đó, các nhà trường thường xuyên phải cập nhật các tình huống có thực này, để tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho các sinh viên học chuyên ngành CSGT. Ngay cả chuyện xe CSGT dừng vào lề đường như thế nào, các trường Công an cũng phải đào tạo rất kỹ lưỡng để không xảy ra sai sót về nghiệp vụ. Trường hợp nào “được đuổi theo đối tượng”, thiết nghĩ các cán bộ CSGT cũng phải nhuần nhuyễn, để không để xảy ra những điều đáng tiếc.

Mặt trận “an toàn giao thông” vô cùng phức tạp, nóng bỏng. Muốn vậy, người chiến sĩ CSGT ngoài “tự trọng, tự ái nghề nghiệp” là điều tối thượng cần phải có; ngoài việc nắm chắc kiến thức pháp luật nghiệp vụ là điều không thể thiếu thì họ cần phải nhạy bén trong xử trí tình huống. Phải đảm bảo an toàn cho mình và bảo đảm an toàn cho người dân. Đặc biệt, không được chủ quan, coi thường đối tượng và phải biết kiềm chế, khôn khéo. Không nên rơi vào tâm lý nhìn đâu cũng thấy người tham gia giao thông là đối tượng vi phạm, càng không để xảy ra các tình huống kích động đối tượng (thực tế có những trường hợp, đối tượng nhìn thấy CSGT là bị hoảng loạn, không làm chủ tốc độ…)… Tôi đồng ý các anh “kiên quyết tấn công tội phạm tới cùng”, nhưng sự cương quyết + nhạy bén + mưu trí sẽ là giải pháp tối ưu giúp các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên những cung đường giao thông phức tạp.

Mới nhất

x
Vụ cảnh sát giao thông bị xe tông - một góc nhìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO