Vụ "cha chém con rể rồi chở đi đầu thú": Đừng để cảm xúc dắt mũi!

19/05/2016 11:52

Đó là quan điểm của các chuyên gia luật pháp, truyền thông liên quan đến câu chuyện đau lòng "cha vợ chém con rể rồi chở đến công an đầu thú".

Ngay từ đầu, người cha vợ đã bị cảm xúc kích động, “dắt mũi” mà có hành động tội phạm gây kinh động xã hội. Rồi đám đông nhiều người lại tỏ ra thương cảm với hành động này và còn có những suy nghĩ đổ lỗi nhiều cho nạn nhân. Chuyên gia luật pháp nhận định, nhìn từ góc độ pháp luật và truyền thông, những suy nghĩ như thế này đều có hại cho xã hội.

Để có cái nhìn từ góc độ luật pháp, và nhìn từ tác động xã hội của sự việc này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư TP. HCM) về vấn đề này.

Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM)
Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM)

Thưa luật sư, mấy hôm nay, cộng đồng vẫn chưa hết sốc về hình ảnh "cha vợ chém con rể rồi chở xác đến công an đầu thú". Từ góc nhìn của luật sư, câu chuyện này khiến chúng ta phải lưu ý điều gì?

Điều đầu tiên là mọi người cần có một kiến thức pháp luật cơ bản, đó là người say rượu phạm vào bất kỳ một hành vi trái pháp luật nào đều không được pháp luật xem xét chiếu cố cho đó là tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội do say rượu”.

Do đó, nếu người bị hại có hành vi sai trái như đe dọa giết người, gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác… như trong câu chuyện này thì luật pháp cũng sẽ không thông cảm cho trạng thái say rượu của nạn nhân.

Tuy nhiên, hành vi phản ứng của “hung thủ” đã dùng dao chém nhiều nhát đến chết người khác để ngăn chặn những hành vi có dấu hiệu trái pháp luật đó không thể được xem là tương thích với hành vi phạm tội của nạn nhân, mà phải chịu sự trừng phạt của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung.

Có những bình luận, có những tâm lý tỏ ra bênh vực hung thủ. Theo luật sư, tâm lý này có nguy hại gì cho xã hội và tính tôn nghiêm của luật pháp?

Với một sự kiện nghiêm trọng xảy ra thì dư luận có quyền thể hiện những ý kiến trái chiều nhau, tùy thuộc vào sự nhận thức, hoặc biết nội dung sự việc của mỗi người.

Do đó, tôi cho rằng, nếu có những ý kiến mang tính kết tội người cha vợ thì cũng có thể có những ý kiến mang tính giải tội của những người tham gia bình luận và phán xét trước khi tòa tuyên án. Suy cho cùng, đó là những bình luận mang tính chất cá nhân nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến phán quyết của Hội đồng xét xử, nhất là những bình luận ấy hiện diện trên các mặt báo.

Vì thế, một số quốc gia trên thế giới có quy định, Hội đồng xét xử không được đọc thông tin về vụ án mà mình đảm trách trên các tờ báo hoặc các diễn đàn.

Phải chăng ý luật sư là: không công dân nào có quyền tước đi mạng sống của người khác, không thể dùng hoàn cảnh để biện minh cho hành động tội phạm?

Đúng vậy! Tính mạng con người là quyền bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo hộ trừ trường hợp một người bị tuyên án tử hình theo một bản án có hiệu lực pháp luật.

Do đó, bạo lực không thể đáp trả bạo lực để tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật.

Trong câu chuyện này, người cha vợ chém chết con rể do bức xúc về hành vi sai trái của con rể cũng vậy.

Nhưng nếu ở hoàn cảnh của người cha nhìn thấy con gái mình bị bạo hành liên tục, theo luật sư nên làm thế nào?

Đây là phạm vi xã hội, không còn là phạm vi pháp lý. Theo tôi, nếu người cha chứng kiến sự bất hạnh trong đời sống hôn nhân và gia đình thì dùng kinh nghiệm sống của mình để xử lý sao cho dung hòa các mâu thuẫn giữa con đẻ với con rể hoặc con dâu.

Câu chuyện này phải chăng là tiếng chuông cảnh tỉnh để các cơ quan nhà nước cần làm tốt hơn trong việc phòng chống bạo lực gia đình- mầm mống của nhiều bất hạnh?

Câu chuyện này là một thông tin sốc nhưng cũng không phải là đầu tiên nói về hậu quả của việc bạo hành trong gia đình để dẫn đến những kết thúc thương tâm.

Trước đây, từng có nhiều vụ bạo hành bị chống trả ngược lại khiến người bạo hành chết như câu chuyện do liên tục bị đánh đập. Trong những cơn say của chồng, trong một lần xô xát, chị NTMN đã không thể kềm chế, cầm dao đâm chồng một nhát dẫn đến kết quả người chồng chết, vợ đi tù, để lại 4 con thơ ở TP. HCM.

Cũng câu chuyện bạo hành ở Quảng Ngãi, sau khi tan tiệc nhậu tại nhà, anh TVT (39 tuổi, công an viên phụ trách thôn Nam Sơn) và vợ xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc lời qua tiếng lại, anh T chửi vợ, đập bể điện thoại, đe dọa sẽ giết vợ. Do đã say rượu nên đêm đó anh T lấy một con dao (loại dùng chặt xương) mang theo vào phòng khách, kê bên cạnh chỗ nằm. Chờ chồng ngủ say, người vợ tắt điện, lấy cái đe bằng sắt có cán, đập mạnh vào đầu chồng. Phát hiện con dao chồng để bên cạnh, người vợ lấy rồi chém thêm 2 nhát vào người chồng khiến nạn nhân chết tại chỗ. Gây án xong, hung thủ mang hung khí cất lại vị trí cũ…

Cũng có những vụ bạo hành dẫn đến những vụ án mạng không phải từ những người dân không hiểu biết pháp luật mà còn ở những người trí thức rất am hiểu pháp luật.

Do đó, không chỉ nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân mà mỗi người cần phải biết tôn trọng pháp luật và có cách xử sự dựa trên nền tảng đạo đức, giáo dục của gia đình thì mới có thể chặn đứng những việc bạo hành dẫn đến những cái chết thương tâm như thế.

Xin cảm ơn luật sư!

“Nếu là luật sư bào chữa cho người cha chém chết con rể, chúng tôi không chọn cách lên án hành vi của người con rể để bào chữa cho người cha, như cư dân mạng đang bày tỏ, thậm chí có sự góp sức của truyền thông...điều đó là phi nghĩa. Hãy tỉnh táo, đừng để cảm xúc mạng dắt mũi”- Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) chia sẻ.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Vụ "cha chém con rể rồi chở đi đầu thú": Đừng để cảm xúc dắt mũi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO