Vụ cô lập ngoại giao: Mỹ cố gắng dàn hòa giữa Qatar và Saudi Arabia
Qatar là một nước nhỏ cả về diện tích và dân số nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng về chính trị và ngoại giao đối với cường quốc Mỹ.
Hôm 5/6 các quan chức Mỹ đương nhiệm và đã nghỉ hưu tiết lộ, Mỹ sẽ cố gắng làm dịu tình hình căng thẳng giữa 2 quốc gia Hồi giáo láng giềng vùng Vịnh là Saudi Arabia và Qatar. Theo họ, vai trò “quá quan trọng” của Qatar đối với các lợi ích quân sự và ngoại giao của Mỹ khiến Mỹ không thể để yên cho nước này bị cô lập.
Bản đồ Qatar. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức nói trên cho biết, Mỹ đã bị đánh đúng chỗ hiểm khi đồng thời với Ai Cập và UAE, đồng minh Saudi Arabia đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Khi công bố quyết định cắt đứt quan hệ, Saudi Arabia tố cáo Qatar đã hỗ trợ nước Iran theo dòng Hồi giáo Shiite - quốc gia cạnh tranh ảnh hưởng khu vực với Riyadh. Saudi Arabia cũng tố Iran hỗ trợ các chiến binh Hồi giáo cực đoan thánh chiến.
Lợi ích của Mỹ khi bảo vệ Qatar
Washington có nhiều lý do thúc đẩy sự hòa hợp bên trong khu vực này. Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân lớn nhất của họ ở Trung Đông, đó là căn cứ Al Udeid, nơi Mỹ lấy làm bàn đạp mở các cuộc không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq.
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định một trong các ưu tiên trong nhiệm kỳ là đánh bại IS.
Mặt khác Qatar sẵn sàng cho các tổ chức như Hamas và Taliban có mặt tại đây. (Hamas bị Washington gọi là tổ chức khủng bố, còn Taliban là lực lượng chiến đấu chống quân Mỹ ở Afghanistan trong hơn 15 năm). Điều này tạo điều kiện cho Mỹ có thể dễ dàng liên hệ với các nhóm trên khi cần thiết.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói: “Chắc chắn là hữu ích. Có nơi để chúng tôi gặp đại diện của Taliban. Hamas cũng vậy, họ có nơi để vừa bị cô lập vừa có thể tìm gặp để thương thảo”.
Các quan chức được Reuters phỏng vấn cho biết họ không nhận diện được chính xác điều gì đã khiến các nước Arab nói trên cùng phối hợp với nhau trong việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Yemen, Libya và Maldives sau đó cũng thực hiện hành động tương tự.
Saudi ỷ Mỹ để cô lập Qatar
Họ cho biết, có thể Saudi Arabia cảm nhận rõ sự nồng ấm mà Tổng thống Mỹ Trump dành cho họ khi ông thăm Riyadh vào tháng 5 vừa qua và đây là cơ sở để Saudi quyết định thực thi hành động cứng rắn chống lại Iran (Qatar là chỗ thân thiết với Iran).
Một cựu quan chức Mỹ nói: “Nghi ngờ của tôi là họ đã trở nên táo bạo nhờ vào chuyến công du của ông Trump... Họ cảm thấy là mình đã nhận được một động thái giống như hậu thuẫn...”.
Tại Riyadh, ông Trump đã kêu gọi lãnh đạo Arab và Hồi giáo “đánh bật các phần tử khủng bố”.
Tổng thống Trump chỉ nêu riêng Iran là nguồn cung cấp tiền và hỗ trợ cho các nhóm thánh chiến.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ không nhận được tín hiệu nào từ phía Saudi Arabia và UAE về điều sắp xảy ra.
Hôm 5/6 Nhà Trắng nói rằng họ cam kết sẽ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ở Vùng Vịnh.
Tìm cách hòa giải
Các quan chức Mỹ thuộc nhiều cơ quan khác nhau nhấn mạnh mong muốn hòa giải giữa Qatar và nhóm do Saudi Arabia đứng đầu.
Qatar có khoảng 2,5 triệu người và sở hữu các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên. Một quan chức giấu tên trong chính quyền ông Trump nói: “Chúng tôi không muốn chứng kiến tình trạng rạn nứt kéo dài”.
Theo quan chức nói trên, Mỹ sẽ cử một đại điện tham gia nếu các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) này gặp gỡ để thảo luận mối quan hệ căng thẳng với Qatar... Chúng tôi muốn đưa họ đi đúng hướng”.
Việc Qatar hậu thuẫn cho các phần tử Hồi giáo chủ nghĩa có từ thời cha của lãnh đạo Qatar hiện nay đưa ra quyết định chấm dứt truyền thống quy phục Saudi Arabia và xây dựng các đồng minh mới càng rộng rãi càng tốt.
Trong nhiều năm Qatar đã thể hiện mình là một trung gian hòa giải cho nhiều tranh chấp trong khu vực.
Nhưng, Ai Cập và các quốc gia Vùng Vịnh bất mãn với việc Qatar ủng hộ các phần tử Hồi giáo chủ nghĩa, đặc biệt là tổ chức Anh em Hồi giáo mà họ xem là kẻ thù chính trị./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|