Vụ đông ở Quỳnh Lưu

07/01/2013 17:36

(Baonghean) - Thuở còn học phổ thông trường huyện, tôi đã thấy những người nông dân quê mình chăm sóc những luống khoai, ruộng lạc tốt bời bời. Dì tôi bảo ngoài làm lúa chính vụ thì sản xuất vụ đông là không thể thiếu đối với mỗi gia đình. Những củ khoai đỏ tròn được các bà, các mẹ cắt lát, phơi khô rồi đem cất trong chum sành. Ấy gọi là khoai lát để dành cho những ngày giáp hạt, ngày mưa dầm gió bấc đem khoai lát ra nấu với lạc chín nhuyễn, cho vào ít đường và xéo kỹ… thật ngon không gì bằng.

Từ những năm 1983, 1984, người dân xã Quỳnh Yên đã biết làm vụ đông trên vùng đất màu. Ngày đó người ta chủ yếu trồng khoai nhằm đảm bảo lương thực. Khoai Quỳnh Yên bội thu, không những phục vụ nhu cầu trong xã mà còn cung cấp cho các xã lân cận sang vay ăn trong những ngày giáp hạt. Với hiệu quả kinh tế đem lại, vụ đông dần vượt ra khỏi Quỳnh Yên, lan tỏa ra khắp huyện và nay đã trở thành một trong những vụ sản xuất chính.



Ngô vụ đông ở Quỳnh Yên đã bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Hoàng Văn Đồng - xóm 10 trồng 3 sào ngô và 1 sào khoai trên đất 2 lúa để phục vụ chăn nuôi trâu và lợn nái. Ông Đồng chia sẻ: “Ngày trước làm vụ đông để có lương thực mà ăn, bây giờ không phải ăn độn ngô, khoai nữa, chúng tôi tận dụng sản phẩm phục vụ chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình. Bình quân mỗi năm bán lợn giống cũng có thu hoạch trên 20 triệu đồng".

Ông Ngô Kỳ - Trưởng Ban Nông nghiệp xã Quỳnh Yên cho biết: Toàn xã có 8.600 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Đảng uỷ, UBND xã luôn coi trọng sản xuất vụ đông nhằm tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Toàn xã có 350 ha trồng lúa, trong đó 100 ha vùng sâu trũng không làm được vụ đông. Năm nào cũng vậy, từ khi lúa hè thu bước vào giai đoạn trổ bông, xã đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xóm. Vụ đông 2012, toàn xã sản xuất gần 230 ha, trong đó 84 ha ngô, 110 ha khoai lang và 35 ha rau màu. Làm vụ đông vừa cung cấp lương thực, vừa phục vụ chăn nuôi rất hiệu quả, đem lại giá trị thu nhập khá cho bà con xã nhà.

Rời Quỳnh Yên, chúng tôi ngược lên xã Tân Sơn - địa phương có diện tích sản xuất vụ đông nhiều nhất huyện Quỳnh Lưu. Tân Sơn có truyền thống làm vụ đông hàng hoá đã hơn 30 năm nay, từ năm 1981 khi nhiều địa phương chỉ biết sản xuất độc canh cây lúa thì Tân Sơn đã trồng ngô, khoai, cà chua, su hào, bắp cải cung ứng cho thị trường trong huyện. Tuy là xã vùng bán sơn địa nhưng người dân Tân Sơn khá năng động trong sản xuất, sớm nắm bắt được nhu cầu thị trường. Vụ đông 2012 này, toàn xã sản xuất 405 ha, trong đó 95 ha ngô, 240 ha rau màu các loại và 70 ha khoai lang, khoai tây... Bây giờ đang vào độ thu hoạch các loại cây trồng vụ đông, nào rau, đậu, mướp đắng, dưa chuột, bí xanh, cà xanh… Cả xã có 40 chiếc xe tải chuyên vận chuyển rau màu đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Rau hàng hoá của Tân Sơn chủ yếu cung ứng cho thị trường TP.Vinh, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... Bây giờ nếu bảo người dân nơi đây dừng sản xuất vụ đông, chắc chắn họ sẽ lắc đầu, vì từ nhiều năm nay vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính đem lại thu nhập cao cho người nông dân Tân Sơn.

So với các địa phương khác trong tỉnh, phong trào sản xuất vụ đông ở Quỳnh Lưu hình thành sớm. Trước đây, sản xuất đơn thuần rau, ngô, khoai truyền thống, nặng về tự cung tự cấp. Từ khi có chủ trương chuyển đổi từ giống lúa dài ngày sang ngắn ngày, đã tạo ra quỹ thời gian cho vụ đông. Đến nay, diện tích sản xuất vụ đông của Quỳnh Lưu từ 5.500 – 6.000 ha. Hướng phát triển sản xuất vụ đông gắn với sản xuất rau màu hàng hoá, vụ đông 2012, toàn huyện sản xuất trên 2.000 ha rau, trong đó hơn 800 ha rau trên đất 2 lúa, tập trung nhiều ở xã Tân Sơn, Quỳnh Văn, Quỳnh Giang, Quỳnh Lâm, Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Xuân với đa dạng cây trồng cà chua, đậu leo, bí xanh, cải ngọt, su hào, bắp cải… Ngoài ra, vùng chuyên rau Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên lựa chọn đưa vào sản xuất cây giá trị cao như cải củ, su su, cà rốt, bắp cải… Ngoài việc tổ chức sản xuất hàng hoá, các xã bắt đầu chú trọng tới việc quảng bá thương hiệu sản xuất rau an toàn, sản xuất theo quy trình VietGap. Thành lập HTX rau như ở Quỳnh Lương; xây dựng các website để quảng bá thương hiệu như Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Liên, Tân Sơn. Huyện đang từng bước xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm. Hiện Quỳnh Lưu đang phối hợp với các cơ quan gồm Viện Khoa học nông nghiệp Bắc Trung bộ, Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuẩn bị xúc tiến quy trình gắn nhãn mác hàng hoá cho su su Quỳnh Liên, dưa hấu và bắp cải Quỳnh Lương. Đồng thời mở rộng thị trường, liên kết các tổ sản xuất với các đơn vị thu gom tiêu thụ. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn cho các hộ nông dân. Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… liên quan đến sản xuất rau an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Dinh- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sản xuất rau vụ đông ở Quỳnh Lưu cho năng suất bình quân khoảng 16 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 33.000 tấn rau/vụ đông. Với giá bán bình quân ở mức rẻ 2.000 đồng/kg, cũng đem lại tổng thu nhập 65 – 70 tỷ đồng. Ngoài ra, sản phẩm ngô, khoai lang tuy giá trị thấp hơn nhưng là nguồn thức ăn phục vụ phát triển chăn nuôi trên địa bàn rất hiệu quả. Nét mới trong sản xuất vụ đông năm nay gắn với chuyển đổi ruộng đất, xây dựng nông thôn mới. Hiện huyện mới triển khai chuyển đổi ruộng đất ở 2 xã Quỳnh Thạch và Quỳnh Hậu, chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vận chuyển tiêu thụ hàng hoá. Bước sang năm 2013 huyện Quỳnh Lưu tiếp tục triển khai làm đồng loạt ở các xã còn lại. Định hướng của huyện chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, phấn đấu sản xuất đạt hơn 50% trên đất 2 lúa.

Theo tính toán thì sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập không cao bằng một số ngành nghề khác, song lại có ý nghĩa lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đã phục vụ tốt cho mục tiêu đảm bảo lương thực cũng như an sinh xã hội trên địa bàn. Riêng đối với vùng sản xuất rau màu hàng hoá đóng vai trò tạo thu nhập, phát triển kinh tế từ làm nông một cách hiệu quả. Giá trị kinh tế từ sản xuất rau màu hàng hoá cao gấp hàng chục lần so với cây lương thực truyền thống. Vụ đông đang góp phần thay đổi tập quán, cách nghĩ, cách làm của người nông dân Quỳnh Lưu, hướng tới một cuộc sống thực sự ấm no.


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Vụ đông ở Quỳnh Lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO