Vụ hỏa hoạn làm 3 cảnh sát PCCC hy sinh: Chủ quán karaoke lĩnh án 10 năm tù
Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện hành vi phạm tội của bị cáo Hùng, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Sau một ngày xét xử vụ hỏa hoạn tại quán karaoke ISIS, phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến ba chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh, chiều 7/8, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Duy Hùng (SN 1983, ở Tòa B, Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Trước đó, khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát kết luận, ngày 19/3/2018, bị cáo Hùng thuê lại căn nhà số 231, phố Quan Hoa để kinh doanh karaoke. Đến tháng 2/2022, bị cáo Hùng thuê người cơi nới thêm 2 phòng tại tầng 7 của ngôi nhà bằng khung sắt, quây tôn, mái tôn, trần thạch cao, gắn các lớp cách âm, lắp đặt hệ thống điện để phục vụ việc kinh doanh karaoke nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng.
Từ ngày 1/5/2022, bị cáo Hùng bắt đầu sử dụng phòng 702 làm phòng hát, còn phòng 701 làm nhà kho. Trong khi đang làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng xin phê duyệt về tiêu chuẩn an toàn PCCC, bị cáo Hùng vẫn cho quán hoạt động khi chưa đủ điều kiện.
Khoảng 13h ngày 1/8/2022 đã xảy ra cháy lớn tại quán karaoke ISIS. Trong quá trình làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn tại quán karaoke, ba chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hùng đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ngoài ra, bị cáo Hùng đã tác động gia đình bồi thường cho các bị hại một phần hậu quả nên không có tình tiết tăng nặng.
Tuy nhiên, việc cháy nổ tại quán karaoke thời gian gần đây diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội, do đó cần xử lý bị cáo bằng bản án nghiêm khắc để răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội
Từ quan điểm trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hùng từ 10 đến 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy”. Về dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Hùng bồi thường tổn thất cơ bản cho mỗi gia đình bị hại 180 triệu đồng.
Được quyền nói lời sau cùng trước khi nghị án, bị cáo Hùng xin lỗi các gia đình bị hại, mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Hội đồng xét xử nhận thấy, bị cáo Hùng đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, bị cáo không có tình tiết tăng nặng, tích cực bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại. Ngoài ra, bố bị cáo bị nhiễm chất độc da cam là những tình tiết có thể giảm nhẹ.
Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện hành vi phạm tội của bị cáo Hùng, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Về dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Hùng phải bồi thường cho mỗi gia đình bị hại số tiền 230 triệu đồng. Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình bị cáo Hùng đã khắc phục hậu quả đối với gia đình liệt sĩ Đặng Anh Quân 130 triệu đồng; gia đình liệt sĩ Đỗ Đức Việt 100 triệu đồng và gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc 130 triệu đồng nên được khấu trừ vào số tiền bồi thường.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên buộc bị cáo Hùng phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi mẹ của liệt sĩ Đặng Anh Quân mỗi tháng 2 triệu đồng đến khi bà mất. Đối với hai con nhỏ của liệt sĩ Đặng Anh Quân, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hùng phải có trách nhiệm cấp dưỡng mỗi người 2 triệu đồng một tháng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.