Vũ khí giúp Mỹ “bẻ gãy” sát thủ diệt hạm Trung Quốc
Với sự xuất hiện của các siêu tên lửa diệt hạm có tầm bắn lên tới gần 1300km (nhiều hơn 400km so với tầm hoạt động của 1 hạm đội tàu sân bay), những tưởng quân đội Trung Quốc có thể bẻ gẫy “móng vuốt” của hải quân Mỹ ngoài biển khơi. Tuy nhiên, đấy là trên lý thuyết bởi trong thực tế, người Mỹ còn có “chiến thần” của mình: F-35B
F-35B thử nghiệm cất cánh-hạ cánh thẳng đứng
Theo chiến lược chống tiếp cận - chống xâm nhập, quân đội Trung Quốc giả định rằng Mỹ sẽ phải triển khai máy bay chiến đấu từ các căn cứ hoặc tàu sân bay. Tuy nhiên F-35B – biến thể F-35 dành riêng cho Thủy quân Lục chiến Mỹ - lại có cách hoạt động linh hoạt hơn Bắc Kinh nghĩ.
“F-35B có thể hạ cánh ở bất kỳ nơi nào”, ông David Berke – trung tá về hưu của Thủy quân Lục chiến Mỹ khẳng định. “Nếu khu vực chiến dịch truyền thống (căn cứ không quân hoặc tàu sân bay – PV) không có sẵn hoặc đã bị phá hủy bởi tên lửa Trung Quốc, F-35B vẫn có thể hoạt động được”.
Biến thể F-35B dành riêng cho Thủy quân Lục chiến Mỹ. |
Bằng tính năng cất cánh – hạ cánh thẳng đứng, F-35B sẽ giúp lực lượng Thủy quân Lục chiến không còn phải lo lắng về việc thiết lập các căn cứ quân sự lớn vốn dễ bị tấn công bởi các lực lượng quân sự đối xứng.
Tàu sân bay: Trung Quốc nhằm vào, Mỹ “giấu đi”
Được biết, quân đội Mỹ đã bắt đầu huấn luyện cách tác chiến mới này ở Thái Bình Dương. Vào giữa tháng 1 vừa rồi, trong 1 cuộc thử nghiệm, phi công đã hạ cánh được máy bay F-35B của mình trên một khu vực dốc. Điều này cho thấy trong tương lai, F-35B có thể hạ cánh ở bất cứ đâu.
Còn trong suốt năm 2017, các phi công F-35B cũng đã tham gia huấn luyện các chiến thuật như “vũ trang nhanh” và “tiếp dầu nhanh”. Các kiểu huấn luyện này hứa hẹn sẽ rút ngắn thời gian “tân trang” lại máy bay trước khi xuất kích xuống khoảng vài phút. Sau đó, chỉ cần 1 khoảng trống nhỏ tạm thời, những chiếc F-35B sẽ lập tức cất cánh để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Trung Quốc sở hữu nhiều tên lửa diệt hạm có tầm bắn xa hơn cả tầm hoạt động của hạm đội tàu sân bay Mỹ |
Do đó, khi mà Trung Quốc tập trung vào chiến thuật đẩy các tàu sân bay Mỹ ra khỏi vùng chống tiếp cận - chống xâm nhập, Mỹ hoàn toàn có thể gửi các tàu sân bay cỡ nhỏ vào để thay thế. Không chỉ có vậy, Washington hoàn toàn có thể sử dụng các trực thăng vận tải hạng nặng như V-22 Osprey hay CH-53 để thiết lập các căn cứ không quân “mini” di động bên trong không gian do đối phương kiểm soát.
Từ những “căn cứ” này, máy bay tàng hình F-35B hoàn toàn có thể triệt hạ những mối đe dọa với tàu sân bay chính, phá vỡ thế chống tiếp cận-xâm nhập của quân đội Trung Quốc.
“Họ không thể thắng trong 1 trận đấm bốc chỉ vì có tay dài hơn. Tất cả còn phụ thuộc vào đầu óc chiến thuật”, ông Berke tuyên bố.