Vũ khí hạt nhân 'hiệu suất thấp' của Mỹ: Tăng hay giảm nguy cơ chiến tranh?

Thu Giang 05/02/2020 08:45

(Baonghean) - Quân đội Mỹ vừa triển khai bổ sung cho kho vũ khí hạt nhân của nước này một tên lửa tầm xa được trang bị đầu đạn hạt nhân có sức hủy diệt đã được giảm thiểu. Loại tên lửa được khẳng định là “hiệu suất thấp” này sẽ gia nhập với các vũ khí khác có sức mạnh lớn hơn hiện đã được trang bị trên các tàu ngầm tàng hình của Mỹ, đang ngày đêm qua lại trên các đại dương.

“Dấu mốc mới”

Theo nhận định của hãng thông tấn AP, việc lần đầu triển khai loại vũ khí này trên các tàu ngầm hạt nhân tầm xa là một dấu mốc trong chính sách của Mỹ về vũ khí hạt nhân. Đây là động thái bổ sung lớn đầu tiên đối với kho hạt nhân chiến lược của xứ cờ hoa trong những thập niên gần đây, đồng thời dần xa rời chính sách dưới thời chính quyền Obama là giảm lệ thuộc vào vũ khí hạt nhân nhằm theo đuổi một thế giới vắng bóng hạt nhân.

Tên lửa Trident D5 trong một đợt phóng thử nghiệm. Ảnh: US Navy
Tên lửa Trident D5 trong một đợt phóng thử nghiệm. Ảnh: US Navy

Xác nhận việc triển khai tên lửa mới với báo giới, quan chức chính sách cấp cao của Lầu Năm Góc quả quyết rằng, vũ khí này sẽ giúp người dân Mỹ được an toàn hơn, thông qua hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

John Rood - Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc trong cuộc phỏng vấn hôm 3/2 cho biết, việc thêm đầu đạn “hiệu suất thấp” W76-2 cho các tàu ngầm mang theo các tên lửa đạn đạo Trident II sẽ hạ thấp khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân. Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đã tuyên bố là sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ trong “các trường hợp bất thường”. Ông cũng nói rằng, đầu đạn mới sẽ giúp Mỹ khiến Nga không mạo hiểm phát động một cuộc xung đột hạt nhân có giới hạn.

“Năng lực bổ sung này tăng cường sự răn đe và cung cấp cho Mỹ một vũ khí chiến lược hiệu suất thấp có tính tức thời, khả năng sống còn cao hơn”, Rood khẳng định, cho biết thêm rằng vũ khí này hậu thuẫn cho cam kết của Mỹ là ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại các đồng minh, và “thể hiện cho các đối thủ tiềm tàng rằng triển khai hạt nhân hạn chế sẽ chẳng có lợi thế gì vì nước Mỹ có thể đáp trả trước bất kỳ kịch bản đe dọa nào một cách đáng tin cậy và dứt khoát”.

Tàu ngầm USS Wyoming mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP
Tàu ngầm USS Wyoming mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ông Rood đã từ chối cung cấp chi tiết về động thái triển khai, bao gồm thời gian, địa điểm; và ông nhấn mạnh toàn bộ thông tin chi tiết đều tuyệt mật. Báo chí Mỹ đến thời điểm này chỉ nắm được rằng, thông tin triển khai vũ khí mới được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ thông tin hồi tuần trước, viện dẫn các nguồn giấu tên và cho rằng việc triển khai vũ khí mới đã khởi động trong những tuần lễ cuối của năm 2019, cùng với việc triển khai tàu khu trục USS Tennessee trên Đại Tây Dương.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra bình luận nào về vũ khí này, song giới quan sát cho rằng, việc bổ sung W76-2 phù hợp với mối quan tâm mà ông chủ Nhà Trắng từng đề cập, đó là tăng cường vũ khí hạt nhân. Chính quyền của Trump vốn dĩ luôn muốn hiện đại hóa quy mô hơn dẫu tốn kém sức mạnh hạt nhân của xứ cờ hoa.

Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ảnh: AP

Tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân?

Không ngoài dự liệu, giới chỉ trích, bao gồm một số thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội, xem đây là bước đi thái quá một cách nguy hiểm, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh. Cốt lõi lập luận của họ khi phản bác vũ khí hiệu suất thấp này là nó khiến thế giới kém an toàn hơn, bởi trao cho các nhà quyết sách thêm một lựa chọn khác là sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột, từ đó có thể leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân tổng lực. Không chỉ vậy, họ còn cho rằng, các vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp phóng từ trên không hiện có trong kho vũ khí của Mỹ sẽ khiến W76-2 trở nên thừa thãi. Tuy vậy, ông Rood lại nói rằng, loại tên lửa hiệu suất thấp phóng từ tàu ngầm có vai trò quan trọng, vì có thể xâm nhập tốt hơn vào các hệ thống phòng không so với máy bay trang bị vũ khí hạt nhân.

W76-2 được xem là câu trả lời của chính quyền Trump trước điều mà họ gọi là quan niệm sai lầm của Nga về một “khoảng trống” có thể khai thác trong năng lực hạt nhân của Mỹ. Bằng việc triển khai các tên lửa trên biển với hiệu suất hạt nhân, hay sức hủy diệt thấp hơn, chính quyền tại Washington muốn Moskva ngừng cho rằng họ có thể “chiến thắng” một cuộc chiến tại châu Âu, chẳng hạn, bằng cách phóng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp của mình trước, buộc Washington và các đồng minh NATO hoặc phải bước vào cuộc chiến hạt nhân toàn diện hoặc đầu hàng.

Đầu đạn hạt nhân W76 do hãng Pantex Plant ở bang Texas sản xuất. Ảnh: Pantex Plant
Đầu đạn hạt nhân W76 được Mỹ triển khai. Ảnh: Pantex Plant

Sức hủy diệt của W76-2 đã được phân loại. Các chuyên gia nói rằng có thể vào khoảng 5 kilo tấn, hay khoảng 1/3 sức hủy diệt của quả bom hạt nhân “Little Boy” mà Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản trong những ngày cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến hàng vạn người thiệt mạng.

Trên thực tế, tên lửa được triển khai trên các tàu ngầm chiến lược của Mỹ nhiều thập kỷ qua mang đầu đạn W76 có sức hủy diệt cỡ 90 kilo tấn và W-88 có sức hủy diệt 475 kilo tấn. Đầu đạn mới được triển khai được ra đời dựa trên W76, tương thích với số lượng chưa rõ tên lửa đạn đạo Trident trên các tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ.

Động thái bổ sung kho vũ khí mới nhất này diễn ra trong bối cảnh đang có những thay đổi hệ trọng trong mối quan hệ chiến lược Mỹ-Nga. Đó là việc ngày càng có nhiều hoài nghi xoay quanh khả năng chính quyền Trump sẽ chấp thuận đề nghị từ Moskva nhằm gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí New START trước khi hết hạn vào tháng 2 năm tới. Đây là bản hiệp ước duy nhất còn hiệu lực, hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ.

Một hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga được diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images
Hiệp ước kiểm soát vũ khí New START là hiệp ước duy nhất còn hiệu lực hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ. Ảnh minh họa: Một hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga được diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images

Từ Lầu Năm Góc, họ quả quyết rằng triển khai tên lửa hiệu suất thấp mới không làm tăng tổng số vũ khí của Mỹ theo giới hạn mà New START đề ra, bởi mỗi đầu đạn thay thế cho một phiên bản có sức công phá cao hơn từng được triển khai trước đây trên tàu ngầm. Nhưng với những quan điểm thận trọng hơn, chẳng hạn Bruce Blair - cựu sỹ quan vũ khí hạt nhân trong Không quân Mỹ và đồng sáng lập tổ chức Global Zero ủng hộ xóa bỏ vũ khí hạt nhân, dẫu đánh giá cao việc giảm sức hủy diệt của kho hạt nhân, song ông vẫn nhấn mạnh: “Chúng ta không được phép để bản thân nghĩ rằng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp hơn có thể được sử dụng nhiều hơn trong một cuộc xung đột. Bất kỳ động thái nào sử dụng vũ khí phóng từ biển này, dù là lần thứ nhất hay thứ hai, sẽ đặt ra nguy cơ châm ngòi lửa xung đột và leo thang thành cuộc chiến hạt nhân toàn diện”.

Mới nhất

x
Vũ khí hạt nhân 'hiệu suất thấp' của Mỹ: Tăng hay giảm nguy cơ chiến tranh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO