Vũ khí Israel chiếm tỷ trọng lớn trong biên chế quân đội Việt Nam
Israel đang xây chắc vị trí nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ sau đối tác truyền thống là nước Nga.
Như đã thông tin trước đó, Tập đoàn công nghiệp hàng không Israel - IAI mới đây đã cho biết họ đang tiến rất gần tới hợp đồng cung cấp 3 máy bay không người lái trinh sát - tấn công Eitan cho Việt Nam trong gói thầu có trị giá tới 160 triệu USD.
Vậy là sau những khẩu súng trường tấn công Tavor 21, Galil ACE 31/32; hệ thống pháo phản lực phóng loạt EXTRA, AccuLAR hay tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER-SR/MR thì sản phẩm quốc phòng do Israel sản xuất ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong biên chế Quân đội Việt Nam.
Ngoài các loại vũ khí đã nêu trên thì theo giới phân tích tình hình quân sự quốc tế, rất có khả năng trong tương lai không xa chúng ta sẽ đặt hàng cả tên lửa không đối đất Nimrod hay tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS.
Bên cạnh đó, còn một phương tiện khác cũng từng được đánh giá là có tiềm năng cao chính là tiêm kích hạng nhẹ Kfir Block 60, liệu với mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng thì chiếc chiến đấu cơ này có thể xuất hiện tại "dải đất hình chữ S".
Tiêm kích Kfir TC.10 của Không quân Colombia |
Hiện nay nhu cầu về một loại tiêm kích hạng nhẹ của Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp thiết, chúng ta cần máy bay một động cơ có giá thành khai thác và bảo dưỡng rẻ hơn Su-30MK2 để giao vai trò xương sống, thực hiện chức năng tuần tra bảo vệ bầu trời.
Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới TsAMTO của Nga từng dự báo trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 Việt Nam có thể bỏ ra tới 1,5 tỷ USD để mua sắm chiến đấu cơ có nguồn gốc phương Tây.
Các ứng viên từng được nhắc tới gồm có JAS 39 Gripen hay F-16 Fighting Falcon, nhưng loại đầu tiên quá đắt trong khi chiếc thứ hai lại vướng mắc nhiều điều khoản chưa dễ giải quyết trong tương lai gần.
Tiêm kích Kfir do Israel nâng cấp có tính năng kỹ chiến thuật tương đương với F-16 Block 52. |
Liệu đây có phải là cơ hội lớn đối với Kfir, nhất là trong tương lai khi Việt Nam sẽ sử dụng UAV Eitan cho nhiệm vụ tuần tra trinh sát, khi phát hiện các mối đe dọa trên không thì chiếc "Sư tử non" sẽ cất cánh hỗ trợ, bộ đôi máy bay có nguồn gốc Israel sẽ tạo ra sự đồng nhất cao.
Ngoài giá thành rẻ và tính năng chiến đấu cao, tiêm kích Kfir còn có thể sử dụng ngay tên lửa Python 5 và Derby mà Việt Nam đang có trong trang bị, không đòi hỏi phải sửa đổi phần mềm như khi chúng ta mua F-16 hay JAS 39.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng không thể bỏ qua việc các khung thân máy bay Kfir có độ bền khá thấp, kể cả khi được gia cố lại cũng khó mà phục vụ quá 12 - 15 năm, thua xa các dòng tiêm kích hạng nhẹ khác của phương Tây và trái ngược với yêu cầu đơn giản trong bảo trì mà Việt Nam rất coi trọng.
Tiêm kích Kfir chỉ có một nhược điểm duy nhất nhưng lại là quá lớn, cho nên cơ hội để nó góp mặt cùng UAV Eitan trong biên chế Không quân Việt Nam vẫn rất mờ mịt.