Vua Bảo Đại từng 6 lần đến Nghệ An

Phạm Xuân Cần 22/10/2018 10:52

(Baonghean.vn) - Theo thống kê của tác giả Phạm Xuân Cần, nguyên Phó Giám đốc Sở KHCN, đương thời, từ khi hồi loan vào tháng 9/1932, đến khi trở thành công dân Vĩnh Thụy (8/1945), vua Bảo Đại đã có ít nhất 6 lần đến Nghệ An.

Những lần đến Nghệ An của nhà vua Bảo Đại đều gắn với những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, kinh tế và văn hóa - xã hội của tỉnh và các địa phương khu vực Bắc Trung bộ.

Chuyến tuần du tháng 11/1932

Sau sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Nghệ Tĩnh trở thành địa phương được nhà nước bảo hộ Pháp và chính quyền Nam triều dành cho sự chú ý đặc biệt. Chỉ chưa đầy hai tháng sau khi về nước, ngày 14/11/1932, Hoàng đế Bảo Đại đã tổ chức chuyến tuần du ra Bắc miền Trung lần thứ nhất. Cùng đi với nhà vua có Khâm sứ Trung Kỳ Châtel, Viện trưởng viện cơ mật Nguyễn Hữu Bài, Hoàng thân Vĩnh Cẩn và đoàn tùy tùng. Trong chuyến đi này, nhà vua đã thăm Thanh Hóa, sau đó đến Nghệ An, Hà Tĩnh và vào Quảng Bình, Quảng Trị.

Vua Bảo Đại trước Hành Cung Vinh năm 1932. Ảnh PCN sưu tầm.
Vua Bảo Đại trước Hành Cung Vinh năm 1932. Ảnh PXC sưu tầm.

Nhà vua cùng đoàn tùy tùng từ Thanh Hóa vào đến Nghệ An trưa ngày 17/11/1932. Lễ Bái khánh đã được tổ chức trọng thể tại Hành cung trong thành Nghệ An. Chiều cùng ngày, nhà vua đi thăm một số nơi ở Vinh, như: Trại lính khố xanh; trường thành chung; thăm trại lính tây đóng ở trường College Vinh cũ; thăm Nhà thương Vinh, sau đó vua thăm trường học “Nguyễn Trường Tộ” và cuối chiều đến thăm Nhà máy Xe lửa Trường Thi.

Ngày 18/11/1932, nhà vua đến các phủ huyện trong tỉnh gồm: huyện Nghi Lộc, phủ Diễn Châu; ngược đường (QL) 7, dừng thăm đồn Thịnh Đức (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành), thăm công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Đô Lương, vào phủ lỵ Anh Sơn. Buổi trưa vua đến ăn trưa tại đồn Chợ Rạng (Thanh Chương). Buổi chiều, nhà vua đến Thanh Chương, Nam Đàn rồi về huyện Hưng Nguyên.

Nhà máy xe lửa Trường Thi. Ảnh tư liệu PXC sưu tầm
Nhà máy xe lửa Trường Thi. Ảnh tư liệu PXC sưu tầm

Sáng hôm sau, ngày 19/11/1932, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi thăm Hà Tĩnh. Chiều hôm đó nhà vua trở lại Vinh. Buổi tối, nhà vua dự dạ hội, xem phim tại rạp chiếu bóng Vinh.

Điều đặc biệt là trong chuyến đi này, ngoài các cử chỉ và lời nói mang tính biểu tượng hay xã giao, hầu như Vua Bảo Đại không có phát ngôn chính thức nào. Người thay mặt vua để phủ dụ (thực chất là răn đe) thân hào và dân chúng chính là Viện trưởng Viện Cơ mật Nguyễn Hữu Bài.

Lần thăm năm 1934

Năm 1934, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An bị một trận lụt rất lớn, gây thiệt hại rất nặng nề. Vua Bảo Đại cùng một số quan chức của Pháp và chính quyền Nam Triều đã ra thăm và trao tiền cứu trợ. Lần này nhà vua mặc thường phục, đoàn tùy tùng gọn nhẹ và có yêu cầu trước cho các địa phương là không được đón tiếp linh đình.

Theo báo chí đương thời đây là chuyến đi thăm, cứu trợ lũ lụt đầu tiên của nhà vua, chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Sau khi đi thăm và trao tiền cứu trợ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, khoảng ba giờ chiều ngày 28/11/1934, vua Bảo Đại cùng Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil, Thanh tra Dupuy, Thượng thư Bộ Lại Thái Văn Toản đã đến Vinh.

Tại Tòa sứ Vinh, nhà vua gắn Đệ tam Long đẩu bội tinh cho Tổng đốc Nghệ An Nguyễn Khoa Kỳ và ban 200 đồng để phát chẩn cho các nạn nhân lũ lụt. Toàn bộ chuyến thăm chỉ diễn ra trong vòng một giờ. Đến bốn giờ chiều nhà vua và tùy tùng lại lên xe về thẳng kinh đô Huế.

Dự khánh thành hệ thống nông giang Bắc Nghệ An năm 1937

Công trình thủy lợi dẫn thủy nhập điền Bắc Nghệ An là một công trình được báo chí đương thời ca ngợi là “vĩ đại”. Được thiết kế bởi chánh kỹ sư người Pháp Desplanque và cộng sự, công trình được khởi công xây dựng từ năm 1930. Bao gồm đập ngăn nước sông Cả ở Đô Lương (dân ta vẫn gọi là bara Đô lương), hầm xuyên núi dài 500 mét và một hệ thống sông cái, sông con dài 240 km và hàng chục km kênh mương, 1.200 mét cầu lớn nhỏ qua sông.

Công trường xây dựng Bara Đô Lương. Ảnh PXC sưu tầm
Công trường xây dựng thủy lợi dẫn thủy nhập điền Bắc Nghệ An (Bara Đô Lương). Ảnh PXC sưu tầm

Công trình đã đào 9 triệu mét khối đất; 30.000 m3 đá; đổ 64.000 m3 bê tông; dùng đến 9.700.000 ngày công, tổng chi phí hết 3 triệu 800 ngàn franc. Công trình đảm bảo dẫn thủy nhập điền, tưới tiêu cho trên 35.000 ha của các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

Ngày 2/6/1937, Toàn quyền Đông Dương, vua Bảo đại và Khâm sứ Trung Kỳ đã chủ trì lễ khánh thành. Vua Bảo Đại đã gắn huy chương cho các kĩ sư Pháp, các viên chức An Nam, các nhà thầu khoán đã tận tâm góp vào công trình này. Sau đó, Nhà vua dự lễ xướng danh và phát thưởng cho cuộc thi văn thơ về “Dẫn thủy nhập điền ở Nghệ An”

Chuyến thăm ngày 9/6/1938

Ngày 9/6/1938, vua Bảo Đại cùng Khâm sứ Trung Kỳ M. Graffeuil đã ra Nghệ An. Chuyến đi này nhà vua giành sự quan tâm cho các công trình thủy lợi nhỏ và các chợ mới xây dựng.

Sáng 9/6 nhà vua đi lên Đô Lương theo con đường đường số 7. Lúc 7 giờ rưỡi vua dự lễ khánh thành đập Yên Trạch, 7 h 45 đến thăm đập Long Thái (cả hai đập này đều thuộc xã Thái Sơn, huyện Đô Lương). 8h rưỡi vua về lại Đô Lương, đi thăm chợ mới và bến đò.

Công trình đập thủy lợi Thái Sơn (Đô Lương). Ảnh PXC sưu tầm
Công trình đập thủy lợi Thái Sơn (Đô Lương). Ảnh PXC sưu tầm

Sau đó nhà vua đi qua Phủ Quỳ. Tại đây nhà vua đi thăm các công trình thủy lợi, chợ mới xây dựng. Lúc 11 h, vua ban thưởng cho các gian hàng trưng bày trong Hội chợ Kẻ Bọn. 11 h 30, vua đến thăm làng Cao Hậu Đoài (thuộc xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu ngày nay) và ăn cơm trưa tại đình làng đó. 14 h 30, dự lễ khánh thành chợ mới Cầu Giát. Ở đây nhà vua có trao thưởng huy chương cho những người có công. 16 h, nhà vua về Vinh và nghỉ tại nhà nghỉ mát của Tòa sứ ở Cửa Lò.

Trong chuyến đi ngắn ngủi này, nhà vua đã ra lời huấn dụ đối với dân chúng. Điều đáng lưu ý là phần lớn nội dung của Lời Huấn dụ là giành cho tầng lớp trí thức. Ông đề nghị trí thức phải biết dấn thân để phát triển kinh tế từ nông nghiệp, đến công nghiệp, thương mại, góp phần tạo sinh kế cho người dân.

Dự lễ hội ở Quỳ Châu ngày 24/2/1939

Vào dịp lễ hội đầu xuân của người Thái ở Quỳ Châu, năm đó địa phương mở thêm một triển lãm về hàng thủ công mỹ nghệ. Vua Bảo Đại, cùng Nam Phương Hoàng hậu và Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil cùng phu nhân đã dự lễ. Tại đây nhà vua và hoàng hậu cùng quan khách đi thăm các gian hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là các mặt hàng tơ lụa, thổ cẩm và đồ mây tre đan. Sau đó nhà vua đi thăm hang Bua và xem các trò chơi, biểu diễn văn nghệ.

Cửa Rào (Tương Dương). Ảnh PXC sưu tầm
Cửa Rào (Tương Dương). Ảnh Võ An Ninh, PXC sưu tầm

Thăm Phủ Tương Dương ngày 9/4/1940

Lần này nhà vua và Khâm sứ Trung Kỳ cùng tùy tùng đi từ Huế ra Vinh trên chuyến tàu Sài Gòn - Hà Nội. Ngay sau khi xuống ga Vinh, lúc 7 h, nhà vua cùng tùy tùng khởi hành lên Cửa Rào (Tương Dương). Dọc đường vua đi được canh phòng rất cẩn mật.

10 h, đoàn đến Tương Dương. Đồng bào các dân tộc nghe tin vua lên đã kéo đến rất đông. Tại Cửa Rào nhà vua dự lễ hội của người Mẹo.

Theo các nguồn thông tin khác, tại Cửa Rào dân đã làm một chiếc cầu tre rất dài và đẹp để nhà vua vào đền Cửa Rào làm lễ. Tối hôm đó nhà vua cùng tùy tùng nghỉ lại phủ Tương Dương. Sáng hôm sau lại trở về Vinh và đi Thanh Hóa.

Lần cuối cùng Bảo Đại đến Nghệ An

Ngày 2/9/1945, với tư cách công dân Vĩnh Thụy từ Huế ra Nghệ An, nghỉ lại Vinh để hôm sau ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính quyền cách mạng tỉnh Nghệ An đã đón tiếp ông, cùng với Hoàng thân Lào Xuvanuvong tại khách sạn Grand (trên đường Lê Hồng Sơn, TP Vinh ngày nay).

Đây là lần đầu tiên ông đến Nghệ An không phải với tư cách nhà vua, mà chỉ với tư cách công dân của một nước độc lập. Và, đó cũng là lần cuối cùng ông đến Nghệ An.

Mới nhất

x
Vua Bảo Đại từng 6 lần đến Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO