Vựa cam 'tiến vua' ở Nghệ An đối mặt với khó khăn kép trong vụ Tết

Q.A - 14/11/2023 11:11
(Baonghean.vn) - Nếu như các vựa cam lớn trên địa bàn tỉnh như Quỳ Hợp, Con Cuông… đang dần bị thoái hoá, phải chặt bỏ thì cam Xã Đoài trên đất Nghi Diên, huyện Nghi Lộc vẫn còn diện tích khá lớn. Mặc dù vậy, giống cam quý này hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng.

Về xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc những ngày tháng 11, người trồng cam nơi đây như chộn rộn hơn vì đã bước vào mùa “ăn cả năm” nên ai cũng tất bật chăm sóc những gốc cam quý, là nguồn thu nhập chính sau cả năm dài đầu tư, chăm chút. Mặc dù vậy, theo bà con chia sẻ thì vụ cam năm nay vẫn nhiều khó khăn.

bna_aNhững vườn cam tại xã Nghi Diên được trồng theo quy trình an toàn sinh học ảnh Quang An.jpg
Xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc vẫn duy trì được dòng cam Xã Đoài qua hàng năm. Ảnh: Q.A

Vừa nhặt xong khoảng 10 quả cam rụng để gọn vào góc vườn, bà Nguyễn Thị Liễu, xóm Phượng Sơn, xã Nghi Diên cho biết: Thời điểm cam ra hoa, đậu quả, ai cũng phấn khởi vì thấy số lượng quả trung bình mỗi cây năm nay cao hơn so với các năm trước. Những tưởng bà con sẽ có một mùa bội thu thì những trận mưa lớn cuối tháng 9 vừa rồi đã khiến các vườn cam bị úng nước, đặc biệt là những vườn ở khu vực trũng. Sau khi nước rút xuất hiện tình trạng cam rụng dù vỏ vẫn còn xanh mởn. Đến nay, dù số lượng quả rụng đã giảm bớt nhưng nguồn thu của bà con cũng giảm mạnh.

Clip: Quang An
bna_Cam xã Đoài tại Nghi Diên bị rụng nhiều sau đợt mưa lớn vừa qua ảnh Quang An.JPG
Cam Xã Đoài tại xã Nghi Diên rụng nhiều sau các đợt mưa lớn vừa qua. Ảnh: Q.A

Nói rồi, bà Liễu chỉ tay vào một gốc cam nằm sát cạnh tường rào, ngậm ngùi: Như gốc này ước tính cũng gần 200 quả, cho thu nhập cả chục triệu đồng. Vậy mà sau những trận mưa, ngày nào cũng có quả rụng, đến nay chỉ còn khoảng 80 quả đang treo trên cây, không biết có duy trì được đến Tết hay không…

Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Thắm ở xóm Phượng Sơn cũng trong tình cảnh tương tự. Nhà bà Thắm có 120 gốc cam Xã Đoài lòng vàng từ 4 - 6 năm tuổi, dù đã chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, đào rãnh thoát nước cạnh ao gần vườn nhưng vườn cam của bà Thắm cũng không tránh khỏi thiệt hại.

bna_rụng 3.jpg
Người dân xã Nghi Diên thường xuyên phải thu gom cam rụng. Ảnh: Q.A

Bà Thắm chia sẻ: “Đặc tính của cây cam là không chống chịu với ngập úng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, bà con trồng cam xã Nghi Diên phải đối mặt với thời tiết bất lợi trong mỗi vụ cam… Riêng gia đình tôi, số lượng cam bị rụng ước tính hàng trăm quả kể từ đợt mưa cuối tháng 9 đến nay”.

bna_ruôi vàng ăn cam.jpg
Ruồi vàng hiện là côn trùng gây bệnh nhiều nhất trên địa bàn; sau khi đục vỏ, cam bị các vết chấm đen, sau đó rụng nhanh. Ảnh: Q.A

Không chỉ khó khăn về thời tiết mà hiện nay, những gốc cam Xã Đoài tại Nghi Diên lại bị tấn công bởi côn trùng, trong đó nhiều nhất là ruồi vàng. Côn trùng này xuất hiện từ thời điểm quả còn non, dùng ống hút của mình đục xuyên qua lớp vỏ của cam, làm cho quả bị hư hỏng và rụng sớm. Vết bị đục có màu đen, mềm, ứ nhựa kích thước nhỏ, khó phát hiện. Chỉ khi nhìn kỹ trên mặt vỏ quả xuất hiện vết thâm đen thì việc phòng trừ đã muộn.

Mặc dù vậy, cách phòng tránh loại côn trùng này rất khó vì nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cam, đối với các biện pháp thủ công như bọc quả lại, hay chong đèn để thu hút ruồi bay xa khỏi vườn cam cũng chưa đạt được hiệu quả cao. Do đó, người trồng cam Xã Đoài năm nay đang gặp "khó khăn kép" khi vừa lo quả rụng, vừa đối phó với côn trùng phá cam.

bna_long nhãn.jpg
Bà con treo các gói long não để xua đuổi côn trùng, không phun thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ làm ảnh hưởng chất lượng cam. Ảnh: Q.A

Được biết, trên địa bàn xã Nghi Diên hiện nay có hàng chục hộ trồng cam Xã Đoài lòng vàng với diện tích khoảng 30ha. Để duy trì sự phát triển ổn định, phòng trừ các loại sâu bệnh, gìn giữ giống cam quý, chính quyền địa phương đang khuyến cáo bà con chăm sóc theo hướng hữu cơ, vừa giúp cây phát triển tốt vừa bảo vệ môi trường lâu dài.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO