Vua Lê Thái Tông giữ nghiêm pháp luật
Nhà vua trẻ được ca ngợi là người sáng suốt, đất nước dưới thời của ông thịnh trị nhất đời Hậu Lê.
Sau khi Lê Thái Tổ qua đời (1433), thái tử Lê Nguyên Long lên kế vị, lấy tên Lê Thái Tông. Lên ngôi lúc đó mới 11 tuổi nhưng với tư chất thông minh, ông không cần Thái hậu nhiếp chính mà tự mình quyết định công việc triều đình. Rất nhiều câu chuyện được ghi trong sử sách, thể hiện thái độ giữ nghiêm pháp luật của vị vua trẻ.
Đại Việt sử ký toàn thư viết, năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), triều đình xử chém tên ăn trộm Trình Đường. Viên quan Chính sự viện kiêm tham nghị Nguyễn Hân tâu rằng: "Tên Đường trộm cắp giữa ban ngày, nhưng theo luật không đáng xử tử, không nên giết", tuy nhiên nhà vua không nghe.
Nhiều đầu bếp của các nhà quyền quý hay lấy cớ là người trong cung để ức hiếp người bán, mua rẻ hàng hóa ở chợ làm dân chúng rất sợ. Có tên đầu bếp ở thái miếu Nguyễn Chú bị buộc tội ức hiếp mua rẻ hàng hóa. Vua Thái Tông liền sai trị tội Chú, đánh 80 trượng, thích chữ vào gáy, chuyển xuống làm lính nuôi voi và còn cho rao ba ngày để mọi người biết.
Triều đình có lệnh cấm quan lại và dân chúng không được mua bán vụng trộm hàng hóa nước ngoài. Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa (Java, tức Indonesia ngày nay) đến trấn Vân Đồn, hai viên Tổng quản là Nguyễn Tông Từ và Lê Dao quản việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, đã thông đồng báo sai số lượng hàng hóa. Họ vụng trộm bán đi thu hơn 900 quan tiền, mỗi người chiếm hơn 100 quan. Việc bị phát giác, cả hai đều bị hạ ba cấp bậc, bãi chức.
Một câu chuyện khác thể hiện tính công bằng của Lê Thái Tông là việc Phan Thiên Tước dâng sớ hặc tội Tiền quân tổng quản Lê Thự về các việc: đang có quốc tang vua Lê Thái Tổ mà lấy vợ, làm nhà cao cửa rộng, sai người nhà xuất cảnh mua bán vụng trộm với nước ngoài.
Thời vua Lê Thái Tông trị vì đất nước thịnh trị. Ảnh minh họa: Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh. |
Vua hỏi: "Các đại thần đều không có chuyện đó hay sao? Sao khanh chỉ tâu có một mình Thụ?". Thiên Tước trả lời: "Đô đốc Tư khấu, Tư mã đều là bậc cố mệnh đại thần, phải giữ mình ngay thẳng để còn dẫn dắt trăm quan, làm việc đều phải theo lễ, Bọn thần không thể không nói được. Vả lại, thần thấy Thụ có mấy việc nên nói gồm một thể".
Hay tin nhiều đại thần lợi dụng quân lính để làm nhà cao cửa rộng cho mình, vua sai Phan Thiên Tước đi tìm hiểu. Thiên Tước mới dâng sớ kể ra hơn 20 cái tên.
Vua không hỏi ai, chỉ sai khám xét một mình Lê Thụ. Các vị Đô đốc Lê Vấn, Tư mã Lê Ngân nghĩ Lê Thụ là bậc công thần nên cố xin giúp. Vua sau đó tha các tội khác cho Thụ, chỉ tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc do mua bán vụng trộm với nước ngoài mà có. Theo lệnh vua, người thiếp mới cưới của Thụ là Trình Thị phải rút khỏi hộ tịch của Thụ, cho chuộc lại làm người ngoài.
Dù giữ pháp luật nghiêm minh, vua Lê Thái Tông cũng có quyết định thể hiện lòng nhân ái. Năm 1436 có bảy tên trộm tái phạm, chiếu luật đáng xử chém. Đại tư đồ là Lê Sát thấy giết người nhiều quá nên trong lòng ngần ngại.
Vua đem việc ấy hỏi Thừa chỉ Nguyễn Trãi và được trả lời: "Một lúc giết bảy người, e không phải là hành vi của bậc đại đức. Người làm vua, phải để lòng nơi nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng không thể như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần".
Dù các đại thần Lê Sát, Lê Ngân bài bác Nguyễn Trãi, nhưng vua Thái Tông cũng quyết định chỉ xử chém 2 tên, còn lại xử đi đày.
Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét vua Lê Thái Tông là người "thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng". Tiếc rằng trong chuyến tuần thú phương Đông tháng 8 năm 1442, nhà vua bất ngờ qua đời tại Lệ Chi viên khi mới 20 tuổi, gây lên vụ án oan khiến gia đình công thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Dù vậy, thời kỳ trị vì của ông được đánh giá là thời thịnh trị nhất của đời Hậu Lê, được nhân dân ca ngợi qua câu thơ: "Thời vua Thái Tổ, Thái Tông, thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn".