Vựa mật xứ Lường vào vụ Tết

An Nam 27/12/2022 09:42

(Baonghean.vn) - Những ngày này, người dân xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) đang bước vào mùa ép mía, nấu mật Tết. Năm nay, năng suất mía không cao, nhưng mật khá được giá.

Tranh thủ những ngày nắng ấm, nhiều gia đình trồng mía ở xã Giang Sơn Đông đang tích cực thu hoạch mía, ép mía, nấu mật. Ông Nguyễn Trọng Nhật (51 tuổi) ở xóm Nam Tân cho biết, nhà ông trồng khoảng 6 sào mía, năm trước nấu được 10 phi mật (2.000 lít). Năm nay, do mía bị rầy, cây nhỏ, độ đường thấp, nên sản lượng mật dự kiến sẽ không bằng năm trước. Ảnh: Huy Thư
Số hộ trồng mía và diện tích mía ở xã Giang Sơn Đông năm nay giảm nhiều. Ngoài ruộng, không còn những đồng mía tít tắp, thay vào đó là những ruộng mía “nhỏ giọt” xen lẫn giữa nhiều loại hoa màu. Dịch vụ ép mía cũng “thoái trào”, nhiều hộ có máy ép đã bán máy hoặc không hoạt động. Ảnh: Huy Thư
Cả xóm Nam Tân hiện chỉ còn 1 hộ duy trì nghề ép mía, nên mùa mía khá “khan” máy. Cỗ máy ép gắn với máy nổ được di chuyển bằng xe trâu đến các hộ có mía để ép. Ảnh: Huy Thư
Ông Phạm Hồng Nam – xóm trưởng xóm Nam Tân cho biết, cả xóm có hơn 200 hộ dân, trong đó khoảng 40 hộ còn duy trì nghề trồng mía, nấu mật, hộ ít thì trồng 2 – 3 sào, hộ nhiều thì 5 – 6 sào. Trong ảnh: Người dân địa phương phơi bã mía để nấu mật. Ảnh: Huy Thư
Các gia đình làm nghề trồng mía nấu mật ở Giang Sơn Đông thường xây trong nhà một hệ thống lò nấu mật kiên cố gồm 2 - 3 chảo. Đến vụ mía, người dân lại chùi chảo, vệ sinh bếp lò để chuẩn bị nấu mật. Ảnh: Huy Thư
Bà Nguyễn Thị Hoài (44 tuổi) ở xóm Nam Tân cho biết, vụ mía này, nhà bà trồng hơn 3 sào, mới thu hoạch được gần 1 sào. Thửa mía trong vườn năm ngoái ép được 13 chảo nước mía, nhưng năm nay chỉ ép được 8 chảo. Mỗi chảo, bà trả cho chủ máy ép 50.000 đồng. Ảnh: Huy Thư
Công đoạn nấu mật khá quan trọng. Khi nấu, phải vớt cho sạch bọt bẩn. Mía càng bẩn thì bọt càng nhiều, vớt càng kỹ thì mật thành phẩm sẽ càng sáng, đẹp. Khi chảo mật sôi trào, người dân thường dùng 1 cái vanh làm bằng tre để đóng khung mật ở trên chảo, khỏi tràn ra ngoài. Ảnh: Huy Thư

Theo bà con địa phương, để nấu được một mẻ mật ngon, phải có nguyên liệu tốt “Mía có độ đường cao thì nấu mật lợi thành”, phải giữ lửa trong lò cháy ổn định, phải đảo mật đều, lóng mật kỹ… Ảnh: Huy Thư

Sau khi đun khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ, nước mật sẽ cạn dần, đổi sang màu cánh gián và tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, công việc nấu mật coi như đã hoàn thành. Mỗi chảo nước mía thường nấu được 20 lít mật. Ảnh: Huy Thư

Người dân ở Giang Sơn Đông thường múc mật thành phẩm vào phi để cất, mỗi phi chứa khoảng 200 lít. Giá mật đầu mùa bán tại nhà từ 25.000 - 30.000 đồng/lít, tăng 5.000 – 10.000 đồng/lít so với năm 2021. Vụ mía này, những gia đình trồng nhiều mía, nấu được vài tấn mật, thu về hàng chục triệu đồng. Ông Lê Thanh Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Giang Sơn Đông chia sẻ: Hiện toàn xã có 6/9 xóm còn duy trì nghề trồng mía, cả mía nấu mật và mía cây phục vụ giải khát. Do những năm trước, việc trồng mía, nấu mật khó tiêu thụ, nên năm nay diện tích mía giảm, cả xã có 25 ha. Năm nay mật được giá, nên bà con khá phấn khởi. Ảnh: Huy Thư

Ép mía nấu mật phục vụ dịp Tết ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương). Video: Huy Thư

Mới nhất
x
Vựa mật xứ Lường vào vụ Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO