Vừa mừng vừa lo: Phản ứng của EU trước chính sách Ukraine mới của ông Trump
Khối Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh sự thay đổi trong luận điệu của Mỹ về Ukraine nhưng cũng đồng thời gây áp lực, yêu cầu Washington phải đóng góp tài chính. Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, EU lại thất bại trong việc thông qua một vòng trừng phạt mới đối với Nga.
Kế hoạch lớn, nhưng "ai sẽ trả tiền?"

Theo DW, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, dường như đang có một khoảnh khắc theo kiểu "tôi đã nói rồi mà" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược những lời khen ngợi trước đây dành cho ông Vladimir Putin và tuyên bố sẽ tăng cường sức ép lên Moskva.
"Chúng tôi thấy từ phía Mỹ rằng họ cũng đã nhận ra Nga không thực sự muốn hòa bình", bà Kallas nói với các phóng viên tại Brussels hôm 15/7.
Nữ cựu Thủ tướng Estonia này đã tạo dựng bản thân là một trong những người ủng hộ chính trị trung thành nhất của Ukraine, và đã cảnh báo tại các cuộc đàm phán của EU tuần này rằng chiến dịch ném bom của Nga đã "đạt đến mức kỷ lục".
Bà Kallas và nhiều người đồng cấp EU đã hoan nghênh sự thay đổi trong luận điệu của Washington. "Những gì chúng tôi trải nghiệm ngày hôm qua với các thông điệp mới từ ông Trump là rất, rất quan trọng", Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU cũng có những lưu ý cho Mỹ về các thông báo mới nhất, bao gồm cả lời đe dọa của Washington về việc áp đặt thuế quan thứ cấp 100% đối với Nga và các quốc gia giao thương với họ trừ khi đạt được một thỏa thuận hòa bình với Ukraine vào đầu tháng 9.
"Khoảng thời gian 50 ngày mà ông Trump đã thông báo là khá dài", Ngoại trưởng Đức Caspar Veldkamp phát biểu bên lề các cuộc đàm phán hôm 15/7.
Ông Trump cũng gây chú ý hôm 14/7 với thông báo rằng ông sẽ bật đèn xanh cho việc bán các hệ thống phòng không Patriot và các loại vũ khí khác cho các nước châu Âu để gửi đến Ukraine, chỉ 2 tuần sau khi Washington tạm dừng một số chuyến hàng vũ khí tới Kiev.
Tuy nhiên, ông Trump đã nhanh chóng mô tả thỏa thuận mới này như một cơ hội kinh doanh béo bở cho Mỹ, nhấn mạnh rằng châu Âu sẽ phải thanh toán hóa đơn. Và điều đó dường như đang gây ra một số sự hoài nghi từ các đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Sau cuộc họp hôm 15/7, bà Kallas nói với các phóng viên rằng bà muốn thấy châu Âu và Mỹ "chia sẻ gánh nặng" trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine.
"Nếu chúng tôi trả tiền cho những vũ khí này, đó là sự hỗ trợ của chúng tôi — vậy nên đó là sự hỗ trợ của châu Âu — và chúng tôi đang làm nhiều nhất có thể để giúp Ukraine. Và do đó, lời kêu gọi là mọi người cũng nên làm như vậy", bà nói.
Bà nói thêm một cách gay gắt: "Nếu bạn hứa sẽ cho vũ khí rồi lại nói rằng người khác sẽ trả tiền cho nó, thì thực sự nó không phải do bạn cho, đúng không?"
Ông Rasmussen của Đan Mạch cũng có một ám chỉ tương tự. "Chúng tôi đang cung cấp rất nhiều kinh phí cho Ukraine để mua bất kỳ vũ khí và đạn dược nào họ cần... Nhưng ý tôi là, tôi rất muốn thấy tất cả các đối tác của chúng tôi thực sự cũng đóng góp nếu chúng ta muốn cuộc chiến này dừng lại", ông nói.
Dữ liệu từ Viện Kiel cho thấy, mặc dù Mỹ là nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất của Ukraine, nhưng Liên minh châu Âu nói chung đã chi một số tiền gần tương đương với Washington trong cùng kỳ. Con số này còn lớn hơn nếu tính cả chi phí tiếp nhận và hỗ trợ người tị nạn Ukraine.
Thách thức cho chính sách "Mua hàng châu Âu"
Các quốc gia EU có thể đang thở phào nhẹ nhõm sau sự thay đổi chính sách của Mỹ, nhưng nhà phân tích chính sách Torrey Taussig cho rằng còn quá sớm để đánh giá liệu lập trường của ông Trump đã thay đổi vĩnh viễn hay chưa.
"Đã có một cách tiếp cận bấp bênh trong mối quan hệ này trong suốt những tháng qua của chính quyền này, và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu mối quan hệ Mỹ - Ukraine vẫn còn có nhiều ngã rẽ nữa", cựu quan chức chính phủ Mỹ hiện là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương nói với DW.
Trong bối cảnh các nước châu Âu đang chạy đua để tăng cường năng lực quốc phòng của chính mình trước áp lực từ Mỹ và một sự suy tính lại rộng lớn hơn về sự mong manh địa chính trị của EU, các chính phủ đã tranh luận về việc bao nhiêu trong kế hoạch chi tiêu quân sự khổng lồ nên dành cho vũ khí của Mỹ.
Việc mua sắm vũ khí, đặc biệt là những hệ thống vũ khí lớn, có xu hướng ràng buộc người mua vào một mối quan hệ kéo dài nhiều năm với người bán, từ sản xuất, giao hàng đến sửa chữa trong tương lai. Các chuyên gia cho rằng việc chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào vũ khí, hậu cần và năng lực tình báo do Mỹ sản xuất có thể mất ít nhất một thập kỷ – và với chính sách đối ngoại của Mỹ tỏ ra khó đoán, điều đó khiến một số người lo lắng.
Pháp, một cường quốc của EU, đã thúc đẩy việc mua sắm nhiều hơn các sản phẩm chỉ của châu Âu, điều này đã làm thất vọng một số quốc gia khác cho rằng điều này chỉ làm chậm quá trình đưa vũ khí đến tay châu Âu và Ukraine. Kế hoạch mới do Mỹ dẫn đầu có thể bị một số người coi là một đòn giáng vào nỗ lực của Pháp, với khả năng nhiều tiền hơn của châu Âu sẽ chảy về các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.
Trong khi châu Âu thúc giục Mỹ làm nhiều hơn, những nỗ lực của chính khối này lại đang chững lại. Bà Kallas cho biết bà "thực sự buồn" khi các bộ trưởng đã thất bại trong việc thông qua gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Moskva vào ngày 15/7 do trở ngại từ Slovakia.
Quốc gia Trung Âu không giáp biển này đã phản đối các kế hoạch của EU về việc cấm hoàn toàn việc bán khí đốt của Nga. Thủ tướng Slovakia Roberto Fico cho biết nước này đã yêu cầu EU hoãn cuộc bỏ phiếu về các lệnh trừng phạt trong khi chính phủ của ông cân nhắc phản ứng của mình.
Dù vậy, bà Kallas cho biết bà "lạc quan" rằng một thỏa thuận có thể đạt được giữa các quốc gia EU trong những ngày tới.