Vừa thử vũ khí mới đã nhượng bộ: Triều Tiên tính toán gì?
(Baonghean) - Theo một nguồn tin ngoại giao cấp cao mới nhất của Triều Tiên, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã đồng ý cho phép thanh sát viên quốc tế đến cơ sở hạt nhân Yongbyon. Đây được đánh giá là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thực hiện những cam kết với Mỹ trong lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Thế nhưng, động thái này dường như rất mâu thuẫn với việc tuyên bố thử vũ khí công nghệ mới chỉ cách đây 1 tuần của nhà lãnh đạo Triều Tiên, khiến dư luận đặt câu hỏi:“Liệu Triều Tiên đang tính toán những gì?”
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa có bước nhượng bộ mới với cộng đồng quốc tế. Ảnh: Reuters |
Thay đổi chóng mặt
Liên tục chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, người ta đã chứng kiến những động thái rất khác nhau của chính quyền CHDCND Triều Tiên. Mới tuần trước, đồng loạt các báo, hãng tin như New York Times, Fox News, Washington Post, NBC News… đều đăng tải các hình ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ chụp được cho thấy, Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo tại các cơ sở bí mật thời gian qua.
Những hình ảnh này nằm trong nghiên cứu chi tiết được chương trình Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CISI) của Mỹ. Theo New York Times, các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Triều Tiên một mặt đề xuất hủy bỏ một địa điểm phóng tên lửa chính nhưng mặt khác vẫn cải tiến khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Thực tế, tình báo Mỹ đã biết đến mạng lưới này từ lâu nhưng những thông tin này đã bị gạt ra bên lề, khi Tổng thống Donald Trump khẳng định đã vô hiệu hóa mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Không những vậy, một phân tích của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury còn mô tả một căn cứ quân sự bí mật nằm sâu trong lòng Triều Tiên có thể có chứa tên lửa với khả năng tiếp cận Mỹ. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sau đó cũng tuyên bố, Triều Tiên dường như vẫn mở rộng các hoạt động tại cơ sở hạt nhân chính của nước này.
Còn trước đó vài ngày, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thăm một bãi thử ở Viện Quốc phòng Triều Tiên và chứng kiến buổi thử nghiệm loại vũ khí công nghệ cao mới tại đây. Thông tin được đưa ra lúc đó đã khiến dư luận một lần nữa dấy lên nghi ngờ về tương lai của quá trình hiện thực hóa phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên. Sau loạt động thái như vậy, đến nay, Triều Tiên lại bất ngờ nhượng bộ khi tuyên bố sẽ cho phép thanh sát viên quốc tế đến cơ sở hạt nhân quan trọng Yongbyon, khiến dư luận có cơ sở tiếp tục hoài nghi về thiện chí của nước này.
Vừa rắn vừa mềm
Thực tế, bước nhượng bộ mới nhất của Triều Tiên được đánh giá vẫn nằm trong chuỗi động thái mềm mỏng của nước này thời gian qua. Như tháng trước, Triều Tiên đã tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri và phá hủy một phần cơ sở Tongchang-ri. Tất nhiên mặt khác như dư luận đã chứng kiến, song song với các bước thiện chí này vẫn là loạt động thái thể hiện sức mạnh, gây sức ép với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc. Như vụ thử vũ khí công nghệ mới, theo giới quan sát, đây là thông điệp “không chấp nhận các điều kiện một chiều” mà Bình Nhưỡng muốn gửi đến Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hướng tới một cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai vào đầu năm 2019. Ảnh: The Hill |
Và rằng, người dân Triều Tiên hãy cứ yên tâm về sức mạnh quân sự của quốc gia. Nhưng bên cạnh đó, động thái này cũng thể hiện sự sốt ruột và bất an của Triều Tiên khi nhiều tháng trôi qua kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6, phía Mỹ vẫn chưa có bất kỳ động thái dỡ bỏ trừng phạt nào cho Bình Nhưỡng.
Có lẽ chính vì thế, một số nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đã muốn các trang web của Mỹ thu thập được thông tin về các cơ sở hạt nhân bí mật, từ đó tạo áp lực trong đàm phán với Washington. Mặc dù vậy, đây được đánh giá là chiến lược “gây sức ép trong giới hạn cho phép” của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bởi ai cũng nhận thấy, Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đặt mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân lên trên hết. Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng theo đuổi mục tiêu tạo dựng hình ảnh thân thiện, sẵn sàng mở cửa đầu tư và hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Tính toán là vậy nhưng có một thực tế là hố sâu nghi kỵ giữa hai bên đến nay vẫn chưa thể gạt bỏ. Trong khi Mỹ vẫn không ngừng lo ngại về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, còn Triều Tiên vẫn chưa từng hết lo lắng về một tương lai đảm bảo an ninh và chính trị từ phía Mỹ, sau khi Triều Tiên chuyển giao kho vũ khí hạt nhân. Dù thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần bênh vực Triều Tiên, như trong việc nước này bị cáo buộc phát triển các cơ sở hạt nhân vừa qua. Thế nhưng, Mỹ cho đến nay vẫn kiên quyết chưa dỡ bỏ một lệnh trừng phạt nào cho Bình Nhưỡng.
Mặc dù một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đang được các bên tích cực xúc tiến để có thể diễn ra vào đầu năm 2019, nhưng có lẽ, Tổng thống Donald Trump vẫn đang phải chuẩn bị kỹ càng và tính toán những “nước cờ” nào có lợi nhất cho Mỹ. Trong khi đó, bài toán khó có lẽ lại đang bị đẩy về phía Triều Tiên. Bởi nước này được đánh giá là cần Mỹ nhiều hơn, để có thể hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang ấp ủ!./.