Vui cùng Diễn Bích

(Baonghean) - Sau 3 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại vùng biển Diễn Bích (Diễn Châu). Diễn Bích bây giờ không còn cảnh chợ lấn đường, rác ngập về ngõ xóm; không còn cảnh cãi vã, xô đẩy vì ổ trứng vỡ, nải chuối hay chuyện đổ rác bừa bãi ra chân cầu Diễn Bích, mỗi lần gió thổi bao nilon bay khắp ngõ xóm... Lại nhớ lời ao ước của cụ Cao Bá Thọ đã qua tuổi 90, là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất của xã Diễn Bích: Không biết tôi còn sống đến ngày Diễn Bích có chợ, có bãi rác mới, có nếp sống mới hay không?

Người đầu tiên chúng tôi tìm đến khi về Diễn Bích là nhà cụ cố Thọ. Sức khỏe cụ đã yếu đi nhiều, nhưng niềm vui thì ánh lên trong mắt: “Con à, quê biển của ta đã có nhiều cái mới lắm rồi. Chợ mới này, bãi rác mới này, đường mới nữa... Thế là điều ao ước xưa đã kịp thành sự thật trước khi già này nhắm mắt”. Rồi, câu chuyện của người già lại dẫn chúng tôi về với một thời Diễn Bích chưa xa: “Trước đây, cả làng, cả xã khổ vì cái chợ Hải Trung, khổ vì chuyện rác không có chỗ mà đổ. Khách xa mô có dám mời về thăm. Cả làng ngập rác mà lại bốc mùi từ chợ ni. Dừ về đây rồi, nhất định các con phải ghé chợ mới một thoáng đấy nhá”.

Thuyền về bến Diễn Bích.

Anh Thạch Đình Nghĩa- Phó Chủ tịch xã dẫn chúng tôi trên những con đường phong quang ra thăm chợ mới ở thôn Quyết Thắng. Có thể cảm nhận rất rõ niềm hứng khởi theo từng bước chân các mẹ, các chị quẩy gánh bún trắng đến từ Diễn Quảng, gánh rau xanh đến từ Diễn Hạnh, gánh mía mật ngọt lừng heo may đến từ Diễn Đồng, Diễn Thái... tụ về “Chợ Diễn Bích”  rộng gần 3000 m2 được Nhà nước đầu tư cho xã nghèo với kinh phí 5,6 tỷ đồng (có phần nhỏ ngân sách xã và đóng góp của bà con). Mới hôm nào, chợ Hải Trung ở một rẻo nhỏ hẹp chỉ khoảng 1000 m2, lại là đầu mối giao thương của cả vùng. Bà con đổ về từ Diễn Ngọc, Diễn Kim, Diễn Kỷ, Diễn Hạnh, Diễn Xuân, Diễn Đồng, Diễn Thái, Diễn Trung... rồi cả bà con huyện Quỳnh Lưu nữa. 1/4 km đường lúc nào cũng chật cứng người. Nào xe ô tô chở cá, kéo theo bao nhiêu lao động bốc cá đứng chen chúc, nào người bán lá thông thui thuyền, người đứng bên những sọt rau chênh ềnh...

Chợ kéo dài cả ngày, từ sớm tinh mơ đến chiều tối mịt.  Nhất là dịp lễ, Tết, ngày Rằm, mồng Một, nhiều khi học sinh đi học phải đứng khóc vì muộn giờ, cán bộ xã lên huyện họp cũng muộn, toát mồ hôi chật vật mới qua được “cửa ải” này.  Chưa kể chợ còn không có hệ thống kênh thoát nước, cống nước thải cứ điềm nhiên chảy ra đường. Đã hàng chục năm, chợ Hải Trung cứ “nghiễm nhiên” gây phiền toái như vậy, mất cả mỹ quan, ô nhiễm môi trường, đôi khi mất cả tình nghĩa khi bà bán rau chen vỡ trứng của bà bán trứng, hàng bà bán thịt lấn sang hàng bà bán hoa quả... Không thể đếm hết những lần lực lượng công an, an ninh, trật tự... xóm, xã phải ra giải tỏa mà đâu vẫn hoàn đấy.

Đứng trong chợ mới, anh Nghĩa kể: “Đêm trước hôm chuyển chợ, tôi phải ra mắc màn nằm ngủ giữa đình chợ mới này để sớm mai mở cổng sớm cho bà con, với lại để đứng ra giải quyết nếu có tranh giành chỗ bán. Đêm ấy, nhiều bà con cũng không ngủ. Lo “dằm” của mình thì ít, nhưng  mừng là nhiều. Không mừng sao được, sau bao năm thấp thỏm hàng đêm, để ban mai ra lại chen lấn, xô đẩy, bây giờ có được một góc ngồi tươm tất”. Nghe câu chuyện của chúng tôi, chị hàng chuối Trần Thị Tú góp thêm: “Chợ cũ lộn xộn, nói mô hết được. Nhiều phen ngày tuần, họ chen nhau mà mấy nải chuối của tui bẹp hết cả. Vốn liếng thế là đổ sông. Dừ có hẳn chỗ ngồi rộng thoáng thế này, bớt đi bao mối lo”.

Mua bán trong chợ mới Diễn Bích.

Trong căn nhà nhỏ gần sát chợ Diễn Bích, bác Cao Thị Hoàng vừa bỏm bẻm nhai trầu, tay thoăn thoắt đan lưới bên hiên nhà chia sẻ: “Trước đây cổng nhà tui khi mô cũng chật người. Nhiều bữa muốn ra chẳng ra được. Chợ mới giờ giải tỏa được người, đỡ rác bẩn, mà bán hàng cũng thuận. Con gái tôi bán hàng trong chợ, sáng tới giờ bán hết 4 yến cá, mực rồi”.

Chuyện chợ là thế, Diễn Bích mấy năm rồi còn bức xúc cả chuyện rác, giờ cũng đã “giải quyết” xong. Trên con đường dẫn về phía biển, chúng tôi gặp chị Trần Thị Hợi, nhà gần chân cầu Diễn Bích: "Từ ngày xã xây dựng được bãi tập kết rác, nhà tui bớt nỗi khổ những lần gió quẩn. Trước đây, bao nilon bay vào nhà, mùi ô uế xộc lên hàng giờ vì người dân đổ rác nhiều ở chân cầu. Mà thực ra người ta đổ khắp nơi, cả đường làng, nghĩa trang, bờ đê, sông... Mừng là bây giờ, xã còn có quy định rõ ràng về chuyện đổ rác. Ai đổ rác không đúng nơi quy định bị phạt tiền, lại không được xét danh hiệu gia đình văn hóa. Vậy nên bà con đã có nhiều chuyển biến”. 

Với dân số hơn 1 vạn, 2.300 hộ, rất đông hộ buôn bán, làm dịch vụ, tính ra, một ngày, người dân Diễn Bích thải ra  hơn 2 tấn rác. Đất chật, người đông, nhộn nhịp là thế, nhưng khổ vì rác bao nhiêu năm. Sau bao đề xuất, bao lần quyết tâm, bây giờ bãi rác trị giá xây dựng hơn 1 tỷ đồng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, cũng có phần góp sức nhỏ của địa phương. Xã đã thành lập những tổ thu gom rác thải từ các xóm, mỗi tổ 3-4 người. Sắp tới, xã tính đến phương án thu gom hiện đại hơn bằng 2 xe chở rác chuyên dụng để vận chuyển rác ra bãi rác mới ở vùng Sắp Cồn Nước, giáp với Diễn Kim, là vùng xa dân cư...

Anh Nguyễn Viết Mãn- Bí thư Đảng uỷ xã vui vẻ cho biết: Có chợ, làm được bãi tập kết rác thải, không chỉ nhân dân mà bản thân cán bộ cũng rất phấn khởi. Có chợ, nguồn thu ngân sách xã chắc chắn sẽ tăng thêm. Từ 28-30 triệu đồng/năm, nay có nguồn thu từ chợ mới, tạm thu năm đầu 100 triệu đồng/ năm. Những đổi mới ấy, xã sẽ lấy để làm “đà”, tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã đổi mới phương thức sản xuất, đầu tư phương tiện vươn khơi, phát triển nghề phụ, dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng.  Hiện,  3 trường học của 3 cấp học ở Diễn Bích đều kiên cố hoá, đạt đơn vị văn hoá từ năm 2008 đến nay, trong đó trường cấp 1, 2 đạt chuẩn quốc gia. Y tế cũng đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2.  Toàn xã có 6 trạm biến áp, đủ phục vụ tiêu dùng trong toàn xã. Đường giao thông liên xã, thôn, bê tông và nhựa hoá 100%. Tàu khai thác trên toàn xã đạt 200 chiếc, trong đó có 62 chiếc công suất 90 CV trở lên. Sản lượng khai thác hàng năm 7000-8.000 tấn/năm. Tổng doanh thu từ cá một năm trên 100 tỷ đồng...

Tạm biệt Diễn Bích, vui với người dân quê biển chịu thương, chịu khó vươn lên từ nghèo khó, chúng tôi nhìn theo những tấm lưng trần ngư dân đang neo thuyền vào bãi. Vô vàn thuyền về cập bến rợp cờ bay. Trong các ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, các mẹ, các chị thoăn thoắt ngồi đan lưới. Chúng tôi tin một điều, rồi đây, khi có “đà”- như Bí thư Mãn nói thì Diễn Bích còn nhiều đổi thay hơn nữa....

Bài, ảnh: Vinh - Hương

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.