Giáo dục

Vùng cao Nghệ An 'khát' giáo viên Tiếng Anh

Mỹ Hà - Tiến Hùng 16/08/2024 16:28

Có chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ hoặc giáo viên không mặn mà với việc gắn bó lâu dài là thực trạng chung trong việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh ở nhiều huyện miền núi của Nghệ An. Điều này đang đặt các địa phương và các nhà trường rất nhiều khó khăn trước thềm năm học mới.

Trường học “trắng” giáo viên

Sau hơn 10 năm gắn bó với huyện miền núi cao, Hè năm nay, cô giáo N.T.N – một giáo viên có năng lực ở Trường THCS Tam Quang (Tương Dương) đã viết đơn xin chuyển công tác. Theo Hiệu trưởng nhà trường, lý do chính của nữ giáo viên này là vì hoàn cảnh gia đình. Hai vợ chồng cô giáo đều là người miền xuôi lên công tác tại huyện miền núi cao Tương Dương. Xa quê, con còn nhỏ, ở nhà có bố mẹ già nên nguyện vọng của cô giáo là được về quê để có điều kiện cho con học hành và chăm sóc gia đình.

bna_truong-thcs-tam-quang(1).jpg
Học sinh Trường THCS Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: NTCC

Trường THCS Tam Quang có 14 lớp và có 2 giáo viên Tiếng Anh. Dù số lượng giáo viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của nhà trường nhưng năm học trước, giáo viên của trường còn phải nhận dạy tăng cường cho các trường tiểu học ở trên địa bàn. Việc vượt số tiết theo quy định dù đã được hỗ trợ thêm tiền tăng tiết nhưng nhiều giáo viên vẫn không mặn mà.

Nói thêm về điều này, thầy giáo Hoàng Liên Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Tam Quang, cho biết: Khi nghe tin cô giáo Tiếng Anh xin chuyển công tác, Ban giám hiệu nhà trường rất lo lắng vì chưa biết năm học tới sẽ bố trí thế nào cho đủ giáo viên đứng lớp. Nhà trường đã đề xuất lên phòng giáo dục nhưng không biết có giáo viên để bổ sung hay không vì việc thiếu giáo viên diễn ra trên toàn huyện.

Việc thiếu giáo viên Tiếng Anh khiến việc dạy và học của nhiều nhà trường gặp khó khăn
Việc thiếu giáo viên Tiếng Anh khiến việc dạy và học của nhiều nhà trường gặp khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về việc thiếu giáo viên Tiếng Anh, thầy giáo Nguyễn Hồng Hoàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1 (Tương Dương) cũng bày tỏ rất lo lắng bởi năm học mới đã bắt đầu nhưng đây là năm thứ 2 nhà trường đứng trước nguy cơ không có giáo viên Tiếng Anh: Tất cả giáo viên Tiếng Anh ở trường chúng tôi đều là giáo viên được tăng cường từ các trường khác, trong đó có cả giáo viên tiểu học và THCS. Tuy nhiên, giáo viên này còn phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ chuyên môn ở trường chính nên cũng chỉ đảm nhiệm được một số lớp.

Năm ngoái, chúng tôi ưu tiên dạy Tiếng Anh cho học sinh 2 khối 3 – 4 học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, học sinh khối 1 – 2 chưa học vì không có giáo viên, học sinh khối 5 học theo chương trình tự chọn nên cũng chỉ 2 tiết/1 tuần.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hoàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1 (Tương Dương)

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1, việc tăng cường giáo viên về hỗ trợ các trường thiếu giáo viên chỉ giải quyết được bài toán trước mắt còn về lâu dài đều gây khó khăn cho các giáo viên và cho các nhà trường: Lịch học và lên lớp của 2 trường khác nhau nên chúng tôi phải căn đo rất kỹ càng trước khi sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên và học sinh. Hơn nữa, nếu có giáo viên sở tại, giáo viên sẽ gắn bó lâu dài hơn với học sinh và biết được năng lực từng em để có kế hoạch dạy học thích hợp, thầy Hoàn nói thêm.

Khó tuyển dụng

Việc thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng đang diễn ra tại huyện Tương Dương trong năm học 2024 – 2025 khi hiện nay toàn huyện có 36 trường tiểu học và THCS nhưng chỉ có 38 giáo viên Tiếng Anh. Trong số này có 2 trường “trắng” định biên Tiếng Anh là Trường Tiểu học Tam Quang 1 và Trường Tiểu học Lưu Kiền, có 3 trường ưu tiên có 2 giáo viên Tiếng Anh nhưng chưa “bền vững” vì dự kiến sẽ có giáo viên chuyển từ năm học này. Số còn lại mỗi trường chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh. Trước đó, tính từ cuối năm 2022 đến nay, ít nhất trên địa bàn huyện Tương Dương đã có 3 giáo viên xin thuyên chuyển công tác. Trong số này có những trường hợp, tiền tăng tiết lên đến mỗi năm hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không hấp dẫn để giữ chân giáo viên.

bna_gio-hoc-tieng-anh(1).jpg
Điều kiện dạy học khó khăn khiến nhiều giáo viên lên công tác ở vùng cao không mặn mà với việc gắn bó lâu dài. Ảnh: Mỹ Hà

Do việc thiếu giáo viên Tiếng Anh ảnh hưởng lớn đến việc dạy học của các nhà trường nên trong năm học này, huyện Tương Dương đang đề xuất với Sở Nội vụ xin tuyển dụng thêm 8 giáo viên Tiếng Anh cho cả bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, phương án này khó khả thi vì nhiều khả năng sẽ không có hồ sơ đăng ký. Nói thêm về điều này, ông Thái Lương Thiện - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: Từ tháng 4 chúng tôi đã có chỉ tiêu tuyển 4 giáo viên Tiếng Anh nhưng không có hồ sơ nào đăng ký. Vì thế, nếu có thêm chỉ tiêu, việc không tuyển được giáo viên có nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, việc không tuyển dụng được giáo viên Tiếng Anh có nhiều lý do. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là điều kiện làm việc, đi lại, dạy học ở huyện miền núi cao rất khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu giáo viên Tiếng Anh trên toàn tỉnh khá lớn và sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội để làm việc tại các vùng thuận lợi hoặc ở các trung tâm Anh ngữ.

Điều đáng lo ngại đó là nhu cầu giáo viên Tiếng Anh không chỉ thiếu trong năm nay mà còn trong những năm tới. Tuy nhiên, hiện nay qua khảo sát sinh viên là người địa phương theo học ngành sư phạm Tiếng Anh không nhiều. Trong khi đó, số sinh viên theo học ngành Sư phạm Tiểu học khá đông dù giáo viên tiểu học ở các huyện vùng cao bắt đầu thừa do những năm gần đây các huyện bắt đầu sáp nhập điểm trường lẻ và số lớp đang “co” lại.

Giáo viên
Những năm gần đây, chất lượng thí sinh là người dân tộc thiểu số khá cao, nhưng số học sinh chọn ngành Sư phạm Tiếng Anh và chọn gắn bó với vùng cao không nhiều. Trong ảnh: Tiết tự học của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2. Ảnh: Tiến Hùng

Tình trạng thiếu và khó tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh cũng đang diễn ra tại nhiều huyện vùng cao khác như Quế Phong, Kỳ Sơn. Ông Lữ Thanh Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi đang thiếu 6 giáo viên Tiếng Anh ở bậc tiểu học và 4 giáo viên Tiếng Anh ở bậc THCS. Việc tuyển dụng rất khó khăn và chưa năm nào đủ hồ sơ theo chỉ tiêu đã đề ra. Ngay cả sinh viên mới tốt nghiệp là người địa phương cũng không về Quế Phong dạy học vì họ có nhiều cơ hội việc làm ở thành phố. Nếu tình trạng này kéo dài, năm học mới chúng tôi tiếp tục phải sắp xếp giáo viên dạy liên trường dù điều này sẽ rất vất vả cho cả giáo viên, học sinh và cả nhà trường.

Mới nhất
x
x
Vùng cao Nghệ An 'khát' giáo viên Tiếng Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO