Vùng cao Nghệ An khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi
So với thời điểm cách đây 1 tháng thì dịch tả lợn châu Phi tại các huyện miền núi Nghệ An đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là tín hiệu tích cực để người dân yên tâm bảo vệ tổng đàn, cung ứng nguồn thực phẩm đảm bảo cho dịp Tết sắp tới.
Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh
Trong tháng 9 và tháng 10/2024, sau đợt mưa lũ, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ giữa tháng 11 đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn các huyện vùng cao đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Huyện Tân Kỳ là địa phương có tổng đàn lợn lớn với khoảng 65.000 con, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ và có 7 trang trại. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn được chia làm 2 giai đoạn, từ tháng 1 – 6/2024, xảy ra tại 7 hộ, thuộc 4 xã với tổng số lượng tiêu huỷ 140 con; từ tháng 9 và tháng 10/2024, dịch tiếp tục xảy ra tại 47 hộ, thuộc 7 xã, với tổng số lợn tiêu huỷ trên 400 con, trọng lượng trên 24 tấn.
Trước diễn biến phức tạp đó, huyện Tân Kỳ đã triển khai đồng bộ các giải pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời. Huyện đã ban hành Quyết định số 3844 về việc thành lập 3 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện, trọng tâm là khoanh vùng, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan.
Nhiệm vụ của các đoàn là kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ sở, chấn chỉnh những bất cập, tồn tại, đồng thời cập nhật, báo cáo tình hình với lãnh đạo huyện để có giải pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, huyện Tân Kỳ cũng đã ban hành 45 văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi để các xã thực hiện.
Tại xã Kỳ Tân, theo ghi nhận của phóng viên, sau khi xảy ra dịch, xã đã thành lập các chốt kiểm soát dịch, tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và tiêu hủy lợn nhiễm bệnh đúng quy trình. Do vậy, từ ngày 9/11 đến nay, không còn xuất hiện lợn chết bất thường tại địa phương.
Ông Trần Hồng Phương, cán bộ thú y xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ cho biết: Toàn xã hiện có 1.200 con lợn, nuôi nông hộ. Ngay khi dịch xảy ra trên địa bàn xóm Thanh Tân đầu tháng 11 vừa qua, địa phương đã lập tức khoanh vùng, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống. Các hộ dân cũng có ý thức trong việc báo cáo với chính quyền và thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu độc. Nhờ vậy, đã 2 tuần trôi qua, dịch chỉ xảy ra tại 3 hộ trong xóm Thanh Tân, không có hiện tượng dịch lây lan sang xóm khác. Việc khoanh vùng nguy cơ cũng đã được thu hẹp.
Huyện Tân Kỳ cũng đã cung ứng 900 lít hóa chất, phân phát cho 22 xã, thị trấn chủ động phòng chống dịch, trong đó ưu tiên cho các địa phương đã xảy ra dịch là Đồng Văn, Tiên Kỳ, Tân An và các xã giáp ranh. Nhờ áp dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt mà hiện nay, dịch đã cơ bản được khống chế trên địa bàn.
Huyện Anh Sơn là địa phương từng có dịch phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt ở thời điểm tháng 9 - 10/2024. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện có 13 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với 710 hộ dân. Tổng số lợn đã tiêu huỷ là 3.588 con với tổng trọng lượng hơn 200 tấn. Đây là thiệt hại đáng kể đối với người dân cũng như ngành chăn nuôi trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Anh Sơn đã áp dụng các biện pháp phòng chống ở mức cao nhất. Địa phương đã ban hành 34 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi cấp huyện.
Cùng với đó, chỉ đạo rà soát, thống kê tổng đàn lợn tại từng thôn, bản, tổ dân phố để đề ra phương án, kịch bản phòng chống đảm bảo không bị động. Huyện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như: Giám sát dịch bệnh, tuyên truyền, tiêu độc khử trùng, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn; hướng dẫn tiến hành tiêu hủy toàn bộ lợn ốm, chết có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng kỹ thuật, không để dịch lây lan.
Đặc biệt, huyện đã lập 43 điểm chốt trực, kiểm soát việc lưu thông mua bán động vật sản phẩm động vật ra vào vùng dịch tại các vùng dịch cả ngày lẫn đêm. Các tổ công tác bám địa bàn, cập nhật thông tin, giám sát diễn biến dịch hàng ngày để có các giải pháp xử lý kịp thời.
Nhờ những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, từ giữa tháng 11 đến nay, toàn huyện chỉ còn 1 xã đang còn lợn chết phải tiêu hủy là xã Vĩnh Sơn; có 3 xã đã công bố hết dịch bao gồm Bình Sơn, Hội Sơn và Lĩnh Sơn. Bên cạnh đó, 9 xã còn lại không còn lợn chết phải tiêu hủy nhưng chưa qua 21 ngày, chưa thể công bố hết dịch bao gồm: Phúc Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn, Tào Sơn, Cẩm Sơn và Đức Sơn, Long Sơn, Thạch Sơn và Lạng Sơn. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận tại một trong những địa phương có dịch phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ trên địa bàn huyện Tân Kỳ, Anh Sơn mà thực tế, từ giữa tháng 11 đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu hạ nhiệt. Các huyện như Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương mỗi huyện chỉ còn 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Con Cuông 2 ổ dịch; Kỳ Sơn 1 ổ; các huyện như Nghĩa Đàn, Quỳ Châu đã hết dịch tả lợn châu Phi.
Không chủ quan, lơ là
Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát mạnh trên địa bàn Nghệ An từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt là trong đợt cao điểm sau mưa lũ cuối tháng 9/2024. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện hơn 250 ổ dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy hơn 10.000 con. Dịch xảy ra chủ yếu tại các huyện vùng cao với các tập quán chăn nuôi còn nhiều bất cập, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Mặc dù từ giữa tháng 11 đến nay, dịch cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh thì các địa phương, ban, ngành không được phép chủ quan với dịch bệnh, vì nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn còn hiện hữu.
Ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, không khí nồm ẩm tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển lây lan, giá lợn hơi tăng cao, đặc biệt nhu cầu thịt lợn Tết của người dân rất lớn nên người chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng tái đàn. Bên cạnh đó, công tác quản lý giết mổ, mua bán, thu gom lợn, sản phẩm từ lợn còn nhiều bất cập, khó quản lý nên nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát và kéo dài trong thời gian tới là rất cao. Do đó, các địa phương không được phép chủ quan, lơ là với dịch bệnh, duy trì các biện pháp phòng chống ở mức cao nhất.
“Ngày 15/11/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 45 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị liên quan chỉ đạo các địa phương chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết đúng theo quy định và hướng dẫn về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…