Vùng kinh tế năng động
(Baonghean) - Đô Lương nằm về phía Tây Bắc của tỉnh, tiếp giáp các huyện đồng bằng và miền núi, có 3 tuyến quốc lộ (7A, 15A, 46A) đi qua nối cửa khẩu Nậm Cắn, đường mòn Hồ Chí Minh là điều kiện thuận lợi cho thông thương và phát triển kinh tế. Những năm qua, nhờ phát huy thế mạnh, làm tốt công tác thu hút đầu tư, huyện trở thành vùng kinh tế năng động, cực tăng trưởng kinh tế miền Tây.
Công nhân làm việc tại Công ty may Prex Vinh. |
Mạnh từ thu hút đầu tư
Có mặt tại phân xưởng sản xuất của Công ty may Prex Vinh thuộc cụm công nghiệp Lạc Sơn của huyện Đô Lương trong thời điểm các công nhân đang làm việc. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chúng tôi đã được chị Lê Thị Hà - xóm 4 xã Mỹ Thành (Yên Thành) cho biết: vào làm công nhân cắt may tại phân xưởng đã gần 1 năm nay, với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/tháng, được Công ty đóng bảo hiểm, định kỳ khám sức khỏe 2 lần/năm. Làm việc ở đây được gần gũi với gia đình, không phải vất vả như trước đây khi phải vào tận Miền Nam làm công nhân.
Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, Công ty may Prex Vinh với 100% vốn đầu tư nước ngoài của Tập đoàn KIDO Hàn Quốc đã gây dựng cơ ngơi sản xuất đồ sộ, thiết bị hiện đại tại cụm công nghiệp Lạc Sơn. Sản phẩm của công ty bao gồm trang phục thể thao, quần áo gia, áo chống nóng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Đông Âu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Chư Tú - Cán bộ quản lý Công ty may Prex Vinh, cho biết: Với 2 phân xưởng may, công ty xuất khẩu đạt trên 2 triệu sản phẩm với doanh thu gần 300 tỷ đồng/năm. Hiện công ty đang tạo việc làm cho gần 5.000 lao động địa phương và các huyện lân cận như Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương với mức lương bình quân đạt 3 -8 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, công ty đổi mới phương thức sản xuất, chuyên nghiệp hóa đội ngũ công nhân để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng trên thị trường thế giới.
Sau một thời gian dài gặp khó, dự án xây dựng Nhà máy xi măng Đô Lương được tập đoàn xi măng Visai Ninh Bình tiếp quản, làm chủ đầu tư (Nhà máy xi măng Sông Lam) đang mở ra tín hiệu vui cho sự phát triển. Dây chuyền sản xuất của Nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại của Đức, Nhật với tổng vốn dự án trên 9.000 tỷ đồng, tổng công suất đạt 14 triệu tấn/năm chia làm 2 giai đoạn chính. Ông Đinh Quốc Quyền - Tổng giám đốc Công ty xi măng Sông Lam cho biết: Dự án được huyện quan tâm bàn giao mặt bằng nhanh nên rất thuận lợi.
Hiện nhà thầu thi công đạt trên 90% khối lượng, dự kiến đến tháng 11/2016 sẽ hoàn thiện 2 lò đốt và cho ra sản phẩm đầu tiên, công ty sẽ tạo việc làm cho trên 1.500 lao động. Trạm nghiền xi măng tại Nghi Thiết (Nghi Lộc) với công suất 3,8 triệu tấn xi măng/năm cũng đã bắt đầu khởi động. Các sản phẩm của công ty tập trung sản xuất là các loại xi măng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tại 35 nước trên toàn thế giới.
Với nhiều tiềm năng sẵn có về điều kiện tự nhiên, địa lý, Đô Lương được đánh giá là mảnh đất hấp dẫn trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Những năm qua, huyện tích cực đầu tư hạ tầng, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập và một số loại phí trong 2 năm đầu, quan tâm hỗ trợ mặt bằng sạch cho các dự án. Ông Hoàng Văn Hiệp - Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương, nhấn mạnh: Tính đến nay huyện đã huy động nguồn vốn thu hút đầu tư đạt trên 5.500 tỷ đồng. Riêng cụm công nghiệp Thị trấn thu hút 13 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 600 lao động, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, siêu thị vừa và nhỏ gắn với đầu tư phát triển khu đô thị Vườn Xanh, khu đô thị Cầu Tiên được hình thành.
Đến những mô hình cụ thể
Không chỉ thu hút đầu tư để giải quyết việc làm cho người dân mà chính người dân Đô Lương cũng rất năng động trong phát triển kinh tế hộ.
Thăm mô hình trồng nấm liên kết của 4 hộ dân tại xóm 3 của xã Thái Sơn (Đô Lương). Tại đây, nấm được trồng trong dây chuyền khép kín với hệ thống nhà xưởng, máy đóng bịch, máy trộn, máy đảo, nồi hơi, băng tải truyền. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Dương - 1 trong 4 hộ liên kết sản xuất cho hay: Trồng nấm không khó, thời gian từ khâu ủ trộn đến đưa vào dây chuyền đóng bịch khoảng hơn 3 tháng.
Hiện nay mô hình sản xuất đạt trên 10 vạn bịch/năm bao gồm linh chi, mộc nhĩ và nấm sò, xuất bán trên 6 tấn sản phẩm/năm với với giá bán 95 - 100 ngàn đồng/kg, lãi ròng trên 350 triệu đồng/năm, tăng gấp 6, gấp 7 lần sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm làm ra không kịp phục vụ thị trường. Hiện nay, mô hình còn được huyện Đô Lương hỗ trợ 2 lò nấm linh chi với 1,2 vạn bịch, góp phần tạo việc làm cho gần 30 lao động/ngày tại địa phương.
Hay mô hình trồng bưởi Diễn trên đất vườn đồi của hộ ông Đào Danh Bảy xóm Xuân Thịnh, xã Giang Sơn Đông. Ở độ tuổi gần 70, điều kiện sản xuất khó khăn song gần 10 năm nay, ông vẫn một lòng gắn bó với cây bưởi. Qua bao năm chăm sóc, đến nay ông có gần 1.000 gốc bưởi Diễn, mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 9.000 quả, với giá bán 35 ngàn đồng/quả, cho lãi ròng gần 300 triệu đồng/năm.
Hàng năm, mô hình của ông còn là địa chỉ cây giống tin cậy cho bà con trong vùng với trên 200 cây giống xuất bán mỗi năm. Ông Nguyễn Cảnh Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông cho biết: Hiện xã đã quy hoạch các hộ sản xuất thành vùng tập trung gồm 8 ha rau màu, 7 ha trồng bưởi, 65 ha mía, 60 mô hình chăn nuôi theo hướng Việt gáp. Các mô hình cho thu nhập tăng gấp 8 - 10 lần so với trước đó.
Mô hình trồng nấm liên gia tại xóm 3, xã Thái Sơn. |
Ông Hoàng Văn Hiệp - Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định: Thời gian tới, huyện tập trung thu hút đầu tư (dự kiến đến năm 2020 đạt 7000 tỷ đồng) có hiệu quả tại cụm công nghiệp Lạc Sơn, kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp Thượng Sơn, xin chủ trương cấp thẩm quyền bổ sung, quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Sơn khi Nhà máy xi măng Sông Lam 2 đi vào hoạt động.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án khu quy hoạch đô thị Cầu Dâu, kêu gọi nhà đầu tư để quy hoạch vùng đô thị nam Thị trấn, xây dựng TTTM tại phía bắc đối diện cụm công nghiệp thị trấn, quy hoạch các thị trấn, thị tứ được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, phát huy vai trò nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chú trọng 4 tiểu vùng kinh tế gồm vùng bán sơn địa phía Tây Bắc, phát triển kinh tế vườn đồi, chăn nuôi thương phẩm, công nghiệp chế biến lâm sản.
Vùng ven sông Lam phát triển trồng cây ăn quả, cây hàng năm, rau màu thực phẩm chất lượng cao, phát triển gốm mỹ nghệ. Vùng trung tâm huyện và Thị trấn phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, đánh bắt thuỷ sản, thương mại, dịch vụ. Vùng bán sơn địa Đông Nam tập trung phát triển chăn nuôi, nông lâm kết hợp, sản xuất vật liệu xây dựng. Phấn đấu đến năm 2020 huyện hội đủ các yếu tố trở thành thị xã.
Mai Anh