Vùng mỏ lên... làng

14/11/2013 17:53

(Baonghean) - Trên một miệt Tây Nam Nghệ An, có một vùng đất được tự hào mang tên gọi “vùng mỏ”, hơn 90 năm qua tận hiến cho con người thứ “vàng đen” mà những mồ hôi có cả xương máu đổ xuống ở đây đã, đang và mãi vọng vào những câu chuyện kể, vào nhịp cuộc sống sôi động vui, buồn tiếp diễn hôm nay... Đó là vùng mỏ than Khe Bố - Tam Quang (Tương Dương).

Ký ức khai mở

Trong thầm thào gió rừng ướt át mưa, người già làng Mỏ (xã Tam Quang) kể lại: “Ngót một thế kỷ về trước, vào quãng năm 1934, vùng Khe Bố - Tam Quang bây giờ còn heo hút, lác đác mái nhà sàn nhỏ bé bên Quốc lộ 7 đơn độc chạy suốt lên biên giới giáp Lào. Một hôm, có một người dân đi làm rẫy, nhìn thấy những mảnh đá màu đen ánh mỡ lộ ra bên suối Lô Cô, bèn đem điều nhìn thấy kể với với các quan lang, chuyện dần dà cũng đến được Sở Địa chất Đông Dương của người Pháp, họ đã cho người đến khảo sát, thăm dò và kết luận đây là một mỏ than có trữ lượng đáng kể. Những phu mỏ đầu tiên được chiêu mộ về khai thác, nhưng vì rừng rậm, núi cao, kết quả khai thác không nhiều”.

Cho đến cuối năm 1944, đầu năm 1945 người Nhật đã thay thế người Pháp bắt đầu cho tổ chức khai thác than và đưa về nước. Người Nhật bị đánh đuổi, mỏ than Khe Bố lại đón người của Cục Quân giới trong quân đội cách mạng của Cụ Hồ về khai thác than làm nhiên liệu rèn đúc khí giới để kháng Pháp. Hoà bình lập lại, những cán bộ địa chất cách mạng đã lên đây tìm kiếm, thăm dò nhằm thức dậy thực sự một vùng mỏ “vàng đen”. Họ đã cõng theo hàng chục tấn máy móc lên rừng để thực hiện những lỗ khoan sâu hàng trăm mét vào lòng đất để tìm vách, trụ vỉa than, đánh giá trữ lượng của mỏ than lên đến hàng triệu tấn. Tại mỏ có những loại than có thể luyện thành than KOK (than có hàm lượng các-bon cao, dùng cho các lò luyện gang, luyện thép)...

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc đi lên CNXH, nhà máy, công trường mọc lên, đâu đâu cũng cần than để luyện thép, chạy đầu tàu hoả, nung gạch, ngói… Xí nghiệp khai thác than Khe Bố đã ra đời tạo dấu ấn công nghiệp khai khoáng đầu tiên trên miền Tây Nghệ An. Buổi đầu 100 con người, miền Nam có, miền Bắc có, chủ yếu người Nghệ - Tĩnh, gồm những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi khoác ba lô trên vai, đi bộ hàng trăm cây số, ngược dòng sông Lam, tìm về mỏ than Khe Bố, lao vào dựng lán trại tre nứa, khoét núi, mở đường, sống chung với muỗi rừng, vắt núi, chia nhau từng nắm cơm, từng viên thuốc ký ninh để qua những cơn sốt rét chết người... Hàng trăm mét lò được mở, những goòng than đầu tiên được đưa ra lấp lánh dưới ánh mặt trời. Phấn khởi trước thành công, vị Giám đốc Xí nghiệp lúc đó đã đi bộ 170 km từ Khe Bố về Vinh để báo với tỉnh về thành tích ra than của đơn vị. Công nhân Mỏ than Khe Bố thì được nghỉ 1 ngày để ăn mừng thắng lợi.

Chiến công đất mỏ

Năm 1964, Mỹ tiến hành ném bom miền Bắc. Xí nghiệp than Khe Bố là một trong những điểm công nghiệp đầu tiên của Nghệ An lại nằm gần QL 7- con đường chi viện cho chiến trường Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào), nên từ năm 1965 đến 1968 bị địch đánh phá ác liệt. Ông Đặng Xuân Hoè, năm nay đã hơn 70 tuổi, là một trong những công nhân của mỏ than Khe Bố thời kỳ đầu, kể lại: “Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu mỏ bị địch ném bom đánh phá ác liệt, đây là điểm bị đế quốc Mỹ ném nhiều bom nhất ở khu vực xã Tam Quang. Công nhân xí nghiệp phải đi sơ tán đến Bãi Mét, bản Phai và bản Khằm để ở. Dù bom Mỹ đánh phá ác liệt, song giờ làm và công suất làm việc vẫn đảm bảo. Năm 1968, lần đầu tiên Xí nghiệp khai thác được 3 vạn tấn than/năm, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1976, nhờ được Nhà nước đầu tư bài bản, hoạt động khai thác than lại được tiếp tục, trang thiết bị cho đến các phân xưởng, hội trường… cũng đều được xây dựng khang trang, số lượng công nhân tăng lên nhanh chóng, có thời điểm công nhân xí nghiệp lên đến hơn 700 người. Số lượng than khai thác cũng được tăng nhanh chóng. Năm 1991, Xí nghiệp lại tiếp tục được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba”.

Một dây chuyền sản xuất than ở Khe Bố.
Một dây chuyền sản xuất than ở Khe Bố.

Thời kỳ đầu, than ở Khe Bố được vận chuyển bằng thuyền Hợp tác xã vận tải của huyện Thanh Chương. Năm 1986, Xí nghiệp đầu tư phà để đưa than qua sông, từ đó, than được vận chuyển bằng đường bộ. Than của Xí nghiệp được bán chủ yếu cho ngành Đường sắt, đến khi tàu chạy bằng dầu thì chuyển sang phục vụ cho các nhà máy xi măng trong địa bàn Nghệ An. Năm 1994, Xí nghiệp Mỏ Than Khe Bố thực hiện cổ phần hoá và đổi tên thành công ty Cổ phần than Khe Bố cho đến nay. Hiện, Công ty cổ phần than Khe Bố có 220 công nhân, 2 phòng ban và 3 phân xưởng. Trăn trở lớn nhất hiện nay của lãnh đạo cũng như công nhân Công ty là giấy phép khai thác ở mức - 50m đến - 10m. Đến nay, mọi điều kiện cho việc khai thác ở mức này đã được công nhân hoàn thành như đào đường lò, hệ thống hầm chứa nước, trạm bơm, các đường thông gió thoát khí… Tuy nhiên, do chưa có giấy phép khai thác ở độ sâu này nên hiện tại công ty chỉ khai thác ở mức - 10m trở lên.

Với sản lượng bình quân mỗi năm sản khoảng 14.000 tấn, sản phẩm than của công ty được cung ứng phục vụ cho các nhà máy đường, chè… và nhu cầu dân dụng; thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 5 triệu đồng/tháng.

Vùng mỏ lên... làng

Những công nhân của Xí nghiệp than Khe Bố thời kỳ đầu lần lượt nghỉ hưu đã ở lại nơi đất mỏ; con cái họ một số đang là cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần mỏ than Khe Bố. Năm 1986 làng Mỏ Than ra đời, ban đầu chỉ có khoảng 50 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, dân cư chủ yếu là những cặp vợ chồng là công nhân của Xí nghiệp than Khe Bố. Cùng với quá trình di dân ở những vùng khác đến, làng đông dần lên, đến năm 2012 đã có 174 hộ dân với 602 khẩu thuộc quản lý hành chính của xã Tam Quang.

Ngoài nghề than, hiện người làng Mỏ có nhiều mô hình kinh tế mới về phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Điển hình là gia đình ông Hoàng Bảy có hơn 6 ha keo, xoan và lát, anh Hồ Sỹ Dũng có 4 ha keo và lát… Đặc biệt, gia đình ông Bí thư chi bộ Dương Hải Thịnh có mô hình trang trại chăn nuôi lợn và trồng rừng, Nguyễn Văn Hiếu mô hình chăn nuôi bò với gần 30 con và trồng hơn 8 ha cây trồng với nhiều loại như keo, xoan, lát và mét. Bí thư chi bộ Dương Hải Thịnh cho hay: “Đời sống người làng Mỏ khấm khá hẳn, nay chỉ còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Đầu năm 2013, làng Mỏ đã hoàn thành 100% hệ thống đường nông thôn mới. Xanh tươi trong những vườn hộ là nhãn, hồng xiêm tô điểm cho sự trù phú của một vùng nông thôn mới đàn kiến thiết những nhà văn hóa, sân vận động, hệ thống thoát nước, nơi xử lý rác thải... đều do người dân đóng góp!”.

Ông Hoàng Bảy ở làng Mỏ phát triển trồng rừng.
Ông Hoàng Bảy ở làng Mỏ phát triển trồng rừng.

Hiện nay, làng Mỏ - Tam Quang có hơn 70 người là cán bộ, công nhân của Công ty Than Khe Bố, và có hơn 90 người là giáo viên và công chức trong ngành Giáo dục. Vì vậy, làng Mỏ còn được gọi là “làng giáo viên”. Trong làng này có những gia đình giáo viên như gia đình cô Nguyễn Thị Xuân có 6 anh chị em đều làm giáo viên, có thêm 2 cô con dâu cũng là giáo viên, đến nay cả nhà có tới 8 người làm việc trong ngành Giáo dục. Hay như gia đình ông Bùi Văn Tùng, có 5 người con thì cả 5 đều là giáo viên, tính cả 3 người con rể, hiện gia đình nhà ông cũng có tới 8 người là nghề giáo...

Làng Mỏ - Tam Quang đang làm sống dậy những ký ức sôi động vùng đất mỏ Khe Bố, nhắc nhở những con người đang sống, làm việc ở đây không ngừng đóng góp dựng xây quê hương đất mỏ xứng đáng là đơn vị văn hóa cấp tỉnh từ năm 2009!

Bài, ảnh: Đình Sâm - Hồ Phương

Mới nhất
x
Vùng mỏ lên... làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO